Chuyện làm giàu của Hùng “cụt”

Thứ ba, ngày 26/07/2011 15:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Sau tiếng nổ đinh tai, tôi bị hất tung sang bên đường. Vội vàng chồm dậy nhưng rồi tôi lại té sấp, nhìn xuống hai chân đã bị giập nát, máu chảy đầm đìa ra đất” - anh thương binh loại 1/4 Lê Thanh Hùng nhớ lại.
Bình luận 0

Năm 1985, khi vừa tròn 20 tuổi, anh Hùng viết đơn tình nguyện nhập ngũ và lên đường sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, được biên chế vào Đội tải thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 330 đóng tại Battambang. Chưa đầy 6 tháng nhận nhiệm vụ, trong một lần tải lương thực về đơn vị anh bị vướng mìn địch.

img
Chị Vân luôn giúp đỡ anh Hùng trong công việc hàng ngày.

Hạnh phúc đơn sơ

Ở cái tuổi đẹp nhất của đời người mà mất đi đôi chân, anh Hùng như người từ trên cao rơi xuống vực thẳm, hụt hẫng, chán nản. "Những ngày nằm điều trị tại Đoàn 44 (Quân khu 9), cứ mỗi sáng thức dậy tôi thường xuyên bị té bởi cứ quên bước chân xuống giường. Mỗi lần té, nỗi đau thể xác thì ít, nỗi đau tinh thần nhiều gấp bội lần" - anh Hùng kể.

Trong những nữ điều dưỡng viên tại Đoàn 44, chị Đào Thúy Vân là người "đặc biệt" đối với anh Hùng, bởi chị luôn gần gũi, động viên, giúp đỡ anh vượt qua mọi mặc cảm. Anh dần lấy lại cân bằng trong cuộc sống và nhen nhóm một niềm hy vọng cuộc đời rồi đây sẽ tốt đẹp hơn khi mình biết vượt lên số phận. "Anh ấy hiền và ít nói, lại hay quan tâm đến người khác. Chắc vì điều này mà tôi chú ý và quan tâm đến anh nhiều hơn, rồi dần dần tình cảm nảy nở, chúng tôi yêu nhau lúc nào không hay" - chị Vân nói trong xúc động.

Tình yêu giữa họ ngày một lớn dần, rồi cuối tháng 6.1986, anh Hùng và chị Vân quyết định làm đám cưới. Nhìn đôi bạn trẻ đầm ấm, hạnh phúc bên nhau ai cũng tấm tắc khen "đúng là duyên trời định". Sau đám cưới, anh chị về quê tại ấp 5, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp sinh sống.

Vượt lên số phận

Không còn đôi chân, tất cả mọi việc anh Hùng đều "nhờ" đôi tay của mình. Nghề nghiệp chẳng có, vốn liếng cũng không, thu nhập chính của vợ chồng anh chỉ là vài chục ngàn đồng từ tiền lương thương binh ¼của anh - thời điểm đó mua chưa được hai giạ lúa.

"Tàn nhưng không phế, người ta làm được thì mình cũng làm được. Để có cuộc sống no đủ thì phải biết lao động". Từ suy nghĩ ấy, anh quyết tâm phấn đấu để vượt lên số phận. Hầu như công việc nào anh cũng làm, từ giăng lưới, đặt lọp, lờ, rồi đến cắm câu, mò cua, bắt ốc...

Hiện nay, ngoài 2ha đất ruộng anh còn có gần 1ha diện tích mặt nước ao hầm nuôi cá tra, tôm sú, 40 gốc xoài, 50 gốc mít và 70 gốc mận... Trừ các khoản chi phí, mỗi năm vợ chồng anh thu về hơn 200 triệu đồng.

"Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", anh Hùng bàn với vợ vay vốn nuôi heo. "Chắc do có "tay" nuôi nên lứa heo nào cũng xuôi chèo mát mái, rồi sau này nuôi gà, vịt, cá cũng thuận lợi như vậy" - chị Vân cười nói.

Thấy hoàn cảnh vợ chồng anh khó khăn, chính quyền địa phương cấp 1ha đất ruộng để anh chị canh tác. Mảnh ruộng bị nhiễm phèn nặng nên việc cải tạo đất là chuyện không hề đơn giản, đặc biệt là đối với một thương binh như anh. Nhờ cần cù, chịu khó và biết tìm tòi học hỏi mà năm nào ruộng của anh cũng trúng.

Qua thời gian tích lũy được số vốn kha khá, anh Hùng quyết định mua thêm đất mở rộng sản xuất và áp dụng mô hình VAC vào việc phát triển kinh tế gia đình. Anh lên liếp trồng các loại cây ăn quả như xoài, mận, mít... và kết hợp đào ao nuôi cá, phía trên các ao anh làm chuồng nuôi gà. Để tạo sự chủ động trong chăn nuôi, anh tự ương cá giống với chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chăn nuôi cũng như cung cấp cho bà con trong vùng.

Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình anh Hùng, ít ai nghĩ rằng chủ nhân của nó là một thương binh chỉ còn 10% sức khỏe. Anh Hùng nói mãn nguyện: "Tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc bởi có được một người vợ đảm đang và hết mực yêu chồng, cô ấy là điểm tựa vững chắc cho đời tôi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem