Nội bộ lục đục, đá đâu thua đó
Đến vòng chung kết Euro 2012 với cái mác đương kim á quân thế giới kèm theo thành tích công phá khủng khiếp ở vòng loại (ghi 37 bàn, nhiều nhất trong số 51 đội đá vòng loại), Hà Lan đương nhiên được coi là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu vô địch.
Hành quân tới Ba Lan- Ukraine, huấn luyện viên Bert van Marwijk thậm chí còn khiến nhiều kẻ ghen tị khi đối diện với cuộc khủng hoảng thừa trên hàng công với những siêu sao đạt đẳng cấp thế giới như Van Persie, Robben, Sneijder, Huntelaar, Van der Vaart…
Chính vì sở hữu quá nhiều ngôi sao tấn công, “lão đầu bạc” Marwijk quyết định đưa lối đá chém đinh chặt sắt từng phát huy hiệu quả tại World Cup 2010 vào tủ kính, nhưng bản thân ông dường như lại không đủ trí lực để phục sinh lối đá tổng lực, tận hiến cho “lốc da cam”.
Chính vì tư duy nửa vời ấy, Hà Lan ở Euro 2012 cũng đá rất… nửa vời, công chẳng ra công và thủ không ra thủ. Cặp tiền vệ thủ De Jong- Van Bommel chẳng biết phải làm gì khi đứng trên sân, còn các cầu thủ phía trên họ thì cứ mạnh ai nấy đá. Hậu quả là Hà Lan chơi rất rời rạc và khi đã không may mắn do rơi vào “bảng tử thần”, mỗi sai lầm của họ đều bị khai thác triệt để.
Ngay sau trận ra quân thua Đan Mạch, Marwijk còn mắc sai lầm ngớ ngẩn khi phán một câu xanh rờn: “Các cầu thủ quá thiếu can đảm”. Chỉ chờ có thế, những cầu thủ “thiếu can đảm” nhưng có thừa cái tôi và sự ích kỷ của Hà Lan lập tức phản pháo và biến khái niệm “đoàn kết” vốn luôn mong manh trong nội bộ Hà Lan trở nên vô nghĩa. Khi những người nổi tiếng hiền lành như Kuyt, Van der Vaart, Huntelaar… cũng phát ngôn bừa bãi thì Hà Lan đại loạn và ba trận thua tuyệt đối của họ tưởng bất ngờ mà lại hóa chuyện đương nhiên.
Không đấu đá nội bộ dữ dội và tự phá nhau kiểu Hà Lan, nhưng Nga đã cay đắng chia tay EURO 2012 bởi thái độ chủ quan. Khi huấn luyện viên Dick Advocaat gạt cả tương lai bóng đá Nga (chủ nhà World Cup 2018) sang một bên để tin dùng toàn cựu binh như Arshavin, Zyryanov, Ignashevich, Pavlyuchenko… và họ đã khởi đầu như mơ với thắng lợi đậm trước Cộng hòa Czech.
Nhưng, chính vì sự khởi đầu hoàn hảo ấy mà Nga tái phát căn bệnh kinh niên của họ là chủ quan và thiếu ổn định. Vì chủ quan nên Nga mới bị Ba Lan cầm hòa và cũng vì tự tin thái quá nên họ mới bị Hy Lạp tiễn về nước sớm. Nhiều người bảo, Nga bị loại tức tưởi, đau đớn, nhưng khi bản thân các cầu thủ hời hợt với chính quyền tự quyết của mình thì thử hỏi, người Nga còn biết trách ai?
Chẳng ai bảo Hà Lan và Nga bất tài, nhưng khi họ bị loại, ngẫm cho kỹ thì cũng không ai cảm thấy tiếc.
Lực bất tòng tâm
Mất hai năm rưỡi trời kỳ công chuẩn bị, lại rơi vào một bảng đấu không thể thuận lợi hơn và cả tập thể đồng lòng, đoàn kết với hào khí ngút trời, nhưng rốt cục, đội đồng chủ nhà Ba Lan vẫn lâm vào cảnh “lực bất tòng tâm” tại Euro 2012. Ngày ra quân, Ba Lan đã có một hiệp đấu tưng bừng nhưng tất cả khả năng của họ chỉ có thế. Hai ngôi sao sáng nhất của “đại bàng trắng” là Lewandowski và Blaszczykowski đều đã tỏa sáng và ghi bàn, nhưng bộ đôi đang đá cho Borussia Dortmund này không đủ khả năng gồng gánh cho cả đội. Đầy cố gắng, nhưng càng đá càng đuối, Ba Lan chỉ còn biết tự an ủi mình rằng họ đã chia tay Euro 2012 trong tư thế ngẩng cao đầu.
Không kém như Ba Lan và đoàn kết thậm chí còn hơn cả Ba Lan, nhưng đen cho Đan Mạch là họ rơi vào bảng đấu có quá nhiều anh tài. Dù đã thắng được Hà Lan, nhưng Đan Mạch vẫn không chống cự nổi “thiên mệnh” khi giáp chiến với Bồ Đào Nha và Đức.
Sự gắn kết dựa trên sức mạnh tập thể không cần ngôi sao của Đan Mạch đôi khi cũng bộc lộ điểm yếu. Điều này thể hiện rõ ở quãng thời gian nửa cuối hiệp hai trận gặp Đức, khi biết mình gặp bất lợi và buộc phải ghi bàn, nhưng Đan Mạch vẫn không đủ tầm để xây dựng được thế trận áp đảo trước đội Đức. Nhìn cảnh “những chú lính chì” trong thế thua mà đá thong dong như đang thắng do không thể đẩy nhanh tốc độ trận đấu và thiếu ý tưởng xuyên phá hàng thủ đối phương, người ta đủ hiểu, họ không đủ năng lực để tiến xa hơn.
So với Hy Lạp sở hữu lối chơi nhạt như nước ốc, rõ ràng Ba Lan, Đan Mạch hay hơn hẳn, nhưng xét về độ gan lì và khả năng chớp thời cơ, cả hai đội này đều kém hơn và ở đấu trường đỉnh cao như Euro, không đủ thực lực nên việc bị loại là dễ hiểu.
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.