Bóng đá là môn thể thao sôi động nhất. Mỗi giải bóng đá lớn như World Cup hay Euro thì bầu không khí sôi động quanh quả bóng tròn và theo quả bóng tròn lại càng được nhân lên gấp bội, càng được cộng hưởng mạnh hơn, càng khiến con người thêm phấn khích dù là ngồi xem tại sân hay chỉ xem qua màn hình nhỏ.
Gộp chung tất cả các âm thanh xoay quanh một trận bóng đó gọi là tiếng động thì tiếng động chính là một phần tất yếu, một yếu tố không thể thiếu, một men say của bóng đá. Cho nên có một hình phạt mà các đội bóng rất sợ - đó là phạt đá ở sân trung lập, không có khán giả vào xem. Đá bóng trong quang cảnh lặng ngắt như thế là một thứ bóng đá chết, đó quả là một hình phạt ghê gớm.
Nhưng trên sân bóng sôi động nhất lại có những khoảng lặng sâu thẳm, những nốt trầm ngưng đọng khiến cho môn thể thao này nhờ đó mà trở nên cao cả và đẹp đẽ hơn. Những khoảng lặng này thường đi kèm nỗi buồn và những giọt nước mắt. Đó là khi đội nhà thua trận, nhất lại là những trận quyết định.
Các cầu thủ trên sân như thất thần, họ lặng lẽ ôm mặt, cúi đầu, họ lặng lẽ rời sân, họ đưa mắt nhìn ngơ ngác khán giả như hối lỗi... Và trên các khán đài khán giả của đội nhà cũng lặng im, cũng cúi mặt ôm đầu. Một nỗi buồn bao la xâm chiếm mọi con tim gắn cùng trái bóng. Nước mắt rơi. Khi đó, đến cả đội thắng cũng không muốn hò reo náo động nhiều.
Vòng đấu bảng của Euro 2012 đã kết thúc. 8 đội rời khỏi giải đấu. Ba Lan, Hà Lan, Ireland, Ukraina, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Croatia ra về, mỗi đội theo một cách khác nhau, có đội ngẩng đầu, có đội cúi đầu, có đội nhiều tiếc nuối, có đội nhiều xấu hổ, có đội thanh thản, có đội hậm hực. Nhưng khoảng lặng họ để lại trên sân và trong lòng người hâm mộ khi tiếng còi trọng tài cất lên kết thúc trận đấu, chấm dứt hành trình Euro của họ, vẫn xoáy hút lâu nữa.
Lại nói bóng đá như cuộc đời là vậy. Những khoảng lặng cần biết bao, thấm thía biết bao trong dòng chảy ồ ạt sôi động của cuộc đời và cuộc chơi trái bóng tròn.
Phạm Xuân Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.