Thì đây, kết quả lượt trận cuối cùng vòng bảng Euro 2012 đã chứng thực điều đó.
Ở lượt trận này, Nga chỉ phải đá với Hy Lạp. Trong khi đội bóng của quê hương thần Dớt sau 2 lượt trận đầu chỉ mới được 1 điểm (hòa Ba Lan, thua Czech) thì đội bóng xứ bạch dương đã được 4 điểm (thắng Czech, hòa Ba Lan). Nga chỉ cần thủ hòa là vào tứ kết.
Và Nga đúng là phải trả giá đắt cho tâm lý cầu hòa, cho sự chủ quan. Cú đá quyết đoán từ một cơ hội tốt của đội trưởng Hy Lạp đã đem về bàn thắng duy nhất cho đội bóng quê hương thần thoại, từ đó mở ra bước ngoặt lớn của cục diện bảng A.
Nhưng đội Nga còn có cả một hiệp hai để ghi lấy một bàn thắng và tỷ số hòa khi đó bảo đảm cho họ vào tiếp vòng sau. Hỡi ôi, cả hiệp hai đội Nga đá lúng ta lúng túng trước sự phòng ngự vững chắc của đối phương.
Đội Hy Lạp còn nhiều phen lên bóng và có những cú sút suýt nữa thêm bàn thắng. Còn đội Nga thì những cơ hội hiếm hoi có được lại bị các tiền đạo nôn nóng đá hỏng. Cứ thế, khi tiếng còi tan cuộc vang lên, đội Nga chính thức bị loại ở vòng bảng. Đội Ba Lan chủ nhà cũng không hơn gì, cũng đá trong sự bế tắc tuyệt vọng khi chỉ có một con đường phải thắng, rốt cuộc chịu thua Czech và đành ngậm ngùi dừng lại ở vòng bảng.
Xem đội Nga đá thấy giống như Việt Nam đá. Vào đầu giải đá với những đội dưới cơ hùng hổ ghi thật nhiều bàn, được bốc lên mây xanh, ngỡ cứ thế mà vào sâu giải. Nhưng càng đá, càng vấp phải thử thách ở những đối thủ chính, thì trầy trật cũng không ghi nổi một bàn, thường bị dẫn trước và cũng nhiều phen cóng chân, đá không sao vào lưới đối phương.
Câu nói “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh viễn” quả không sai. Bóng đá Nga cũng như bóng đá Việt Nam thường hay “khôn nhà dại chợ”, kết cục là nhiều phen “xôi hỏng bỏng không”. Ta nên lấy đó làm bài học. Nga và Ba Lan bị loại sớm ở Euro 2012 là đúng rồi.
Phạm Xuân Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.