Chuyện người được ông Sáu Dân tặng heo giống

Thứ tư, ngày 18/01/2012 14:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ cặp heo giống được Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), sau này là Thủ tướng, trao tặng năm 1978, ông Võ Văn Chung (xã Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang) đã nhân giống và trở thành “Kiện tướng nuôi heo”.
Bình luận 0

6 hạt lúa và 60 tấn lúa

Những năm sau chiến tranh, ĐBSCL liên tục mất mùa vì rầy nâu phá hoại. Khi nghe tin GS -TS Võ Tòng Xuân (Đại học Cần Thơ) mang từ Viện Lúa IRRI (Philippines) về một số lượng lúa IR36 để ngành nông nghiệp trồng thử nghiệm, Hai Chung lập tức sang Cần Thơ tìm Giáo sư Xuân xin lúa về nhân giống.

img
Ông Hai Chung bên những chú heo giống.

Do số lúa giống ít ỏi đã phân phát hết nên ông Hai Chung chỉ xin được 7 hạt lúa IR36. 7 hạt ông gieo chỉ có 6 hạt lúa nảy mầm. “Thu hoạch” 6 bụi lúa được 124 hạt, ông lại chọn từng hạt để nhân giống tiếp. Với truyền thống và kinh nghiệm gia đình có 3 đời làm ruộng, cùng sự giúp đỡ của các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ, trong vòng 3 năm, từ 6 hạt giống ban đầu, gần 60 tấn lúa kháng rầy đã được ông Hai Chung nhân giống.

“Thời điểm này, giống kháng rầy cực hiếm. Tôi nhớ người dân mua chuyền tay 1 giạ 20kg lúa phải trả 1 chỉ vàng. Nhưng mình không thể nhìn người dân đói mà lấy tiền được nên toàn bộ số lúa 60 tấn – tương đương 11kg vàng, tôi bàn cùng gia đình và cấp phát không cho nông dân, các nông trường khắp miền Tây và miền Đông Nam Bộ” – ông Hai Chung nhớ lại.

Những hạt lúa nghĩa tình của ông Hai Chung đã góp phần vực dậy nền nông nghiệp vốn chỉ dựa vào lúa nước của cả miền Nam. Đích thân Bí thư Thành ủy lúc đó là ông Võ Văn Kiệt đã đến Chợ Gạo để xem cách làm ruộng của Hai Chung.

Thú vị với người nông dân chân chất nhỏ hơn mình 8 tuổi, ông Bí thư đã “mượn” bộ đồ bà ba của Hai Chung rồi ở lại lai rai rượu đế cùng ông Chung. Suốt đêm, ông Bí thư vừa… đập muỗi, vừa ngồi nghe ông Hai Chung nói về những kinh nghiệm trồng lúa, cũng như hoài bão về một nền sản xuất hiện đại, an toàn…

Cặp heo của ông Bí thư

Buổi sáng chia tay ra về, ông Kiệt vỗ vai Hai Chung nói: “Anh Hai à (ông Kiệt vẫn gọi theo kiểu miền Tây - PV), tôi thấy anh Hai làm lúa thì quá ngon rồi. Đâu anh Hai thử chăn nuôi xem thế nào?”. Ông Kiệt về rồi, ông Chung cũng suy nghĩ và… quên béng ý tưởng này bởi cả xóm ông người ta chỉ nuôi nhỏ lẻ, giống tốt lại không có.

Mấy tuần sau, một chiếc ô tô biển số xanh đậu xịch ngoài đường lớn. Mấy ông cán bộ mở cốp sau… khiêng 2 con heo lứa (khoảng 60 – 70kg/con) xuống đất. Thì ra đây là heo giống mà TP.HCM vừa nhập về, đích thân ông Giám đốc Ty Nông nghiệp TP.HCM lúc đó đem heo trao tận tay Hai Chung.

Vo quần lên quá gối để lùa heo vào con đường nhỏ xíu vô nhà Hai Chung, ông Giám đốc Ty Nông nghiệp bắt tay ông Chung: “Ráng nuôi nghen anh Hai, anh Sáu Dân dặn tôi phải trao tận tay anh đó. Mấy con heo này “quậy” quá trời, được đi xe hơi mà còn ị đầy xe và cắn dây điện đứt tùm lum”.

Khi đã là Thủ tướng, trong một lần đi công tác ở miền Tây, ông Sáu Dân đã “lén” lãnh đạo tỉnh Tiền Giang ghé thăm và ngủ lại nhà Hai Chung. Khi ông về rồi, địa phương mới biết. Lãnh đạo tỉnh mừng vì Thủ tướng an toàn nhưng cũng kêu ông Hai Chung lên “rầy” vì tiếp khách “VIP” không đúng nguyên tắc…

Nhận heo xong, Hai Chung ra sức chăm sóc. Mấy tháng sau, hai con heo giống này đẻ lứa đầu tiên được 20 con heo con, trong đó có 16 con cái. Heo đực thì thành heo thịt, heo cái thành heo giống, ông Chung cứ miệt mài đến khi thành bầy mấy trăm con.

Hơn 30 năm qua, ông Chung không nhớ nổi mình đã cung cấp bao nhiêu con giống ra thị trường. Hiện ông đang nuôi hơn 1.000 con heo, trong đó có hơn 200 con nái, 50 con heo nọc, mỗi năm cung cấp cho thị trường 4.000 – 5.000 heo giống và tinh heo.

Qua năm 2012, trang trại Hai Chung sẽ phát triển đàn heo nái lên 300 con vì hiện nay cung không đủ cầu. “Có thể nói cặp heo nghĩa tình của ông chính là bước ngoặt của cuộc đời, giúp tôi thành công và thành danh như ngày nay” – ông già 82 tuổi Võ Văn Chung xúc động nhớ về một người bạn, một người lãnh đạo đất nước sau này.

Hai Chung không giấu nghề, cách nuôi heo an toàn, mau lớn được ông chỉ dẫn tận tình cho nhiều bà con trong xã, huyện. Ông Chung cho biết, ông áp dụng quy chuẩn trang trại ở các nước có nền chăn nuôi tiên tiến mà ông có dịp đi học tập. Có lẽ ông là nông dân duy nhất ở miền Tây trang bị cả kính hiển vi để đếm số tinh trùng trong tinh heo và quan sát “sức khoẻ” tinh trùng trước khi xuất bán nó cho những người chăn nuôi.

“Heo và tinh của trang trại Hai Chung đều cao hơn giá thị trường khoảng 10%. Tuy nhiên, bà con làm ăn với Hai Chung sẽ được hướng dẫn kỹ thuật tận tình và mọi sản phẩm bán ra đều được “bảo hành” theo phương thức một đổi một nên dù liên tục phát triển quy mô, nhưng tôi vẫn không đủ bán…” - ông Hai Chung nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem