Đây là những dòng tâm sự gây xúc động trên Facebook của chị Trần Mai Anh - người đồng sáng lập và quản lý Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” và cũng chính là mẹ của “chú lính chì” Thiện Nhân. Chị Mai Anh đang kể về câu chuyện của Ka Nhist – đứa bé 13 tuổi dân tộc K’ho ở Lâm Đồng trên con đường tìm lại hình hài thật của mình.
Ka Nhist với diện mạo hiện tại: tóc ngắn, mặc đồ con trai. Ảnh: FB chị Mai Anh
Trong bức ảnh gửi về ekip của quỹ, Ka Nhist dường như vẫn mang dáng vẻ của một cô gái mới lớn, đôi mắt to e lệ, dù em đã thay đổi diện mạo bên ngoài, cắt tóc ngắn và mặc đồ con trai. “Bức ảnh cậu con trai cá tính này thật thú vị vì nó còn vương lại dấu vết của app B612 do thói quen là con gái là thích xinh đẹp trắng mịn…”, chị Mai Anh chia sẻ.
Ka Nhist chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp mà “Thiện Nhân và những người bạn” giúp đỡ, nhưng đối với chị Mai Anh, trường hợp này rất đặc biệt bởi đứa trẻ này đã can đảm công khai trước dư luận với hình hài "không cần giấu kín".
Ka Nhist viết nhật ký mỗi ngày. Đó có thể là câu chuyện em cắt đi mái tóc dài như thế nào, hay hồi hộp ra sao khi lần đầu tiên xỏ vào bộ đồ con trai bước qua cổng trường đối diện đám đông, hay cả việc, các cô giáo và các bạn cùng lớp bảo vệ em từ lúc em tìm về đúng giới tính của mình.
Hàng ngày, Ka Nhist viết nhật ký để các bác sĩ theo dõi tâm lý của em. Ảnh: FB chị Mai Anh
“Ka Nhist nó làm tôi nể phục vì nó thật mạnh mẽ, dám trực diện đối đầu với ánh mắt người đời khi thử thay đổi thân phận xem con người thực sự của nó là gì. Điều đó càng làm tôi nể hơn, không phải vì người dân tộc thiểu số có phần giản đơn, ít tiếp xúc thông tin khoa học mà vì một bé gái sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng mẫu hệ mà khi biết nhiễm sắc thể của nó là XY đứa bé dứt khoát quyết định thay đổi. Tôi nể vì nó thực sự biết được mình cần gì, rồi dám thay đổi, thậm chí hy sinh, trả giá cho điều mình mong muốn hay yêu thương thì không phải ai cũng có can đảm đối diện, ngay cả với chính mình”, trích Facebook của chị Trần Mai Anh.
Việc viết nhật ký hàng ngày, theo chị Mai Anh là nhằm giúp bác sĩ theo dõi tâm lý cho Ka Nhist, để cả em và ekip Chương trình và các bác sĩ tự tin rằng em đã sẵn sàng cho một cuộc đại phẫu vào tháng 11 này "biến đổi số phận đời", khi đến cha mẹ cũng nhầm em là con gái trong một hình hài không trọn vẹn.
Từ nhỏ, Ka Nhist vốn được nuôi dưỡng như một cô con gái trong gia đình có ba chị em. Cách đây hai năm, Ka Nhist bắt đầu có những thay đổi về giới tính, không có biểu hiện dậy thì như các bạn gái. Gia đình đã đưa em đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì phát hiện em bị rối loạn phát triển giới tính.
K’ho là dân tộc theo chế độ mẫu hệ, gia đình Ka Nhist lại sống ở vùng sâu vùng xa. Việc tìm lại đúng hình hài cho con mình và công khai trước dư luận vốn là điều vô cùng khó khăn, nhưng vượt qua tất cả, mẹ đã đưa Ka Nhist đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 và tìm sự giúp đỡ của ekip “Thiện Nhân và những người bạn” vào năm 2018.
Chị Mai Anh cho biết, lúc đầu, “cô bé” Ka Nhist ngày nào còn bối rối với hình hài con trai, nhưng giờ đây, em đã mạnh mẽ hơn, thay đổi hẳn và vui vẻ hơn trước nhiều. Đó cũng là quyết tâm rất lớn để trở thành con trai của Ka Nhist: mạnh mẽ dứt bỏ thân phận nữ nhi, đương đầu với dư luận, với mặc cảm, chấp nhận đau đớn thay đổi hình hài.
Chị Mai Anh (ngoài cùng bên phải) cùng "chú lính chì" Thiện Nhân (ở giữa) và một người bạn. Ảnh: FBNV
“Ka Nhist dũng cảm như một chiến binh bước ra xa trường, một tiểu chiến binh cần được cuộc đời này đón nhận, cổ vũ. Ka Nhist chăm chỉ viết nhật ký mỗi ngày để Massimo Di Grazia - bác sĩ tâm lý người Ý phân tích từng câu chữ, tư vấn giúp Ka Nhist và ekip Thien Nhan & Friends có quyết định tốt nhất trong kỳ khám, phẫu thuật lần thứ 14 vào tháng 11 năm nay…".
Thông điệp của chị Mai Anh không chỉ cho riêng trường hợp của Ka Nhist mà là một thông điệp chung dành cho tất cả những người làm cha mẹ: hãy mạnh mẽ giúp con tìm lại mình khi chẳng may tạo hóa gây ra sự trớ trêu.
Còn thông điệp của Ka Nhist, nó đang hiện hữu ngay trong văn phòng của “Thiện Nhân và những người bạn” - giò lan rừng bung nở tinh khôi với mùi thơm thoang thoảng - món quà đứa trẻ Tây Nguyên dành tặng, mà hồi đầu, chính chị Mai Anh cũng ngỡ ngàng vì giò lan trông như… củi khô.
“Đó là sự hồi sinh. Mình chỉ biết cố giữ và không bỏ sót gì”, chị Mai Anh tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.