Dù cơ thể bé nhỏ do bệnh xương thủy tinh nhưng anh Phương vẫn ngày ngày chăm chỉ với công việc sửa chữa TV. (Ảnh: Q.N)
Chúng tôi tìm về nhà anh Phương và chị Phượng vào một buổi chiều. Trong căn nhà cấp 4 nằm lọt thỏm ở cuối xóm không có gì ngoài chiếc xe máy cọc cạch, những tivi, quạt hỏng để ở góc sân. Thấy khách đến nhà, một người phụ nữ nước da ngăm đen, dáng người gầy gò ra ngõ tiếp đón.
Phải gắng gợi chuyện mãi, chị Phượng mới bắt đầu kể về chuyện tình của chị với người chồng "lệch" nhau đến cả mét chiều cao. Chị Phượng là con gái út trong gia đình thuần nông có 8 anh em ở Bình Phước. Vào chiều 30 Tết năm 1996, khi đang chuẩn bị sửa soạn nhà cửa để chuẩn bị đón Tết thì chiếc tivi nhà chị bất ngờ bị hỏng.
Được mẹ giao đem tivi đi sửa, chị đi gõ cửa khắp các cửa hàng sửa chữa điện tử nhưng tất cả đã đóng cửa để nghỉ Tết. Đang bối rối, không biết làm cách nào để hoàn thành nhiệm vụ ba mẹ giao thì trên đường về, chị may mắn tìm được một quán sửa chữa đồ điện tử của anh Phương vẫn đang mở cửa.
“Trong lúc ngồi chờ anh Phương sửa tivi, tôi tranh thủ hỏi chuyện về hoàn cảnh gia đình của anh ấy. Anh Phương thật thà kể hết từ chuyện gia đình vào đây lập nghiệp cũng như nguyên nhân khiến anh ấy không thể cao lớn như người bình thường. Chả hiểu thế nào, ngay trong lần đầu gặp anh ấy tôi đã đem lòng yêu" - chị Phượng nhớ lại.
Tưởng chừng tình yêu của hai người nhẹ nhàng, êm đẹp như cuộc gặp mặt đầu tiên đó, nhưng nào ngờ nó lại đầy sóng gió, trắc trở khi chị Phượng bị gia đình ngăn cấm.
Cảm động trước nghị lực của anh Phương chị Phượng đã đem lòng yêu thương, vượt qua mọi rào cản cặp đôi "lệch" đến với nhau. (Ảnh: Q.N)
“Thực ra bố mẹ nào cũng muốn con mình lấy được một người khỏe mạnh, còn anh Phương thì bị xương thủy tinh đi lại còn vất vả nên bố mẹ tôi không đồng ý. Bố mẹ sợ tôi khổ nên đã bắt nhốt, thậm chí trói ở nhà để cảnh báo. Nhưng lúc đó tôi không nghe theo gia đình”- chị Phượng kể.
Sau hai năm cấm đoán, gia đình chị Phượng đã đồng ý cho chị kết hôn cùng với anh Phương, tuy nhiên không tổ chức đám cưới vì sợ sự dị nghị của mọi người. Năm 1998, hai người hạnh phúc nắm tay nhau rời mảnh đất Bình Phước lên Kon Tum để sinh sống. Ở đây, anh Phương thuê đất mở cửa hàng sửa điện tử, còn chị Phượng làm rẫy thuê cho người bản địa.
Cuối năm 1998, niềm hạnh phúc của họ nhân đôi khi chị Phượng sinh hạ đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Nguyễn Văn Trung. Thấy con sinh ra bình thường, khỏe mạnh, chị Phượng vui mừng nhưng càng lớn lên, chị hoảng hốt khi chân tay Trung ngày cao teo tóp, lưng gù đi.
Hơn 20 năm qua, chị Phượng gồng gánh lo toan cho gia đình nhưng chưa một lần chị hờn trách số phận. (Ảnh: Q.N)
Sinh cháu đầu bị bệnh di truyền từ bố, sau một thời gian đấu tranh tư tưởng, hai vợ chồng quyết định sinh thêm một cháu nữa để lấy động lực vươn lên trong cuộc sống. Tưởng chừng trải qua bao sóng gió trong tình yêu, ông trời thương sắp xếp cho họ có một gia đình nhỏ. Nhưng một lần nữa số phận lại nghiệt ngã với anh chị khi đứa con thứ 2 sinh ra cũng bị bệnh giống bố và anh trai.
Kể từ ngày đó, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn chồng chất thêm. Đến năm 2002, hai anh chị quyết định rời mảnh đất Tây Nguyên để về quê lập nghiệp. Về Hà Tĩnh tiền không, ruộng đất cũng chẳng có, anh Phương dựng tạm cái lán bên đường để sửa đồ điện tử gia dụng, còn chị Phượng đi nhặt đồng nát về bán.
“Cuộc sống khó khăn nhiều người cười chê rồi bảo tôi dại khờ, sao lại đi cưới người bệnh tật để làm khổ mình, khổ con, nhiều lúc tôi buồn về cách nghĩ của họ. Suốt hơn 20 năm nay yêu và lấy anh Phương dù khó khăn vất vả nhưng tôi chưa một lần hờn trách số phận hay oán trách bản thân vì quyết định của mình. Với tôi, đến với nhau là do duyên số, do sự sắp đặt của ông trời. Mình cứ luôn cố gắng nhất và lạc quan nhất, tôi tin mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua", chị Phượng tâm sự.
Dù cuộc sống vất vả chồng ở nhà sửa tivi, vợ thu mua đồng nát nhưng họ luôn sống hạnh phúc. (Ảnh: Q.N)
Thấy vợ từng là cô gái duyên dáng, tươi trẻ, nay vì vất vả lo toan cho gia đình mà gầy rộc, anh Phương cũng nhiều lần tự trách bản thân. “Biết vợ vất vả như này, ngày trước tôi đã từ chối tình yêu để không làm khổ cô ấy. Nhiều lúc tôi hỏi vợ, sao em lại bất chấp gia đình theo anh để sống nghèo khổ như vậy? Vợ tôi cười rồi nói duyên số anh ạ, em có thấy khổ đâu”- anh Phương kể.
Người con trai dù bệnh tật nhưng được anh Phương truyền nghề hiện là người hỗ trợ đắc lực của cha.
“Con trai lớn của tôi đã phụ cha sửa chữa đồ điện tử kiếm thêm thu nhập. Còn con trai thứ được một trung tâm khuyết tật trong TP.HCM nhận nuôi nên gia đình cũng bớt chút khó khăn. Tôi chỉ mong sao chồng và 2 đứa con khỏe mạnh, nhà luôn đầy ắp tiếng cười là mãn nguyện lắm rồi”- chị Phượng ao ước.
Dẫu nghèo khó, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy vẫn luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Chuyện tình cảm động của cặp đôi "đũa lệch" - chồng lùn vợ cao và cuộc sống ấm áp hạnh phúc của họ đã xua tan những u ám trong cuộc sống, thắp sáng hi vọng cho tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.