Trân trọng và tự hào nên bao đời nay, "báu vật" đỉnh Mó Thiên được xem như bùa hộ mệnh với những câu chuyện lay
động lòng người ở nơi đây.
Truyền thuyết về giếng trời
Theo sự chỉ dẫn của ông Bùi Văn Thông (65 tuổi), một người nổi tiếng tinh thông của dân tộc Thổ,
chúng tôi leo lên đỉnh núi Mó Tiên để tận mắt chứng kiến báu vật của ngôi làng này. Đúng như những
gì người ta kể, đến với Mó Tiên, chúng tôi thực sự có cảm giác thoải mái và yên bình đến kỳ
lạ.
Tò mò về những câu chuyện xung quanh Mó Tiên này, ông Thông vui vẻ chia sẻ: "Sở dĩ nó có tên gọi
như vậy bởi vì đây là một dòng nước chảy ra từ trong lòng núi, kỳ lạ là nước ở đó trong vắt, có thể
nhìn thấy từng viên sỏi dưới đáy, nước không bao giờ cạn, rất ấm vào mùa đông còn mùa hè thì mát
lạnh nên người dân ở đây còn gọi là giếng nước trời. Và tất nhiên rồi, bởi những khác biệt đó nên
có rất nhiều giai thoại được người ta truyền từ đời này sang đời khác".
Truyền thuyết cũng kể lại rằng, từng có một đoàn tiên nữ trên trời xuống trần dạo chơi. Khi đến
ngọn núi này, thích thú với cảnh sắc nên các tiên nữ đã dừng lại và tắm. Nhưng do dòng nước chảy
xiết xuống nên các tiên nữ đã dùng phép thuật tạo thành một cái bể tắm và đặt tên là giếng Mó
Lặn. Quá thích thú, thỉnh thoảng các tiên nữ lại xuống thiên đường trần gian này để dạo chơi và
tắm.
Gần dịp các thần trên trời chuẩn bị xuống hạ giới kiểm tra cuộc sống nhân gian, họ sai ông Đùng
(một vị thần chuyên lo việc tiếp đón ở trên trời) xuống hạ giới trước để chuẩn bị cho đoàn nghỉ
ngơi. Ông Đùng phải làm một cái hồ cho voi uống nước và ngựa tắm. Khi đặt chân xuống trần gian, ông
Đùng đã chọn điểm dừng trên ngọn núi Mó Tiên.
Tảng đá hình con rùa bên cạnh Mó Tiên. Ảnh: Pháp Luật & Xã
Hội.
Nhưng thay vì làm công việc được giao, ông Đùng say mê cảnh đẹp mà quên mất nhiệm vụ. Chỉ đến khi
nghe tiếng lục lạc của ngựa và voi nhà trời xuống gần ông Đùng mới hốt hoảng đưa tay vục vào đỉnh
núi tạo hồ. Mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng tức giận trước sự lười biếng, ham chơi của ông
Đùng, nhà trời tức giận sai thần sét đánh chết ông ngay tại chỗ. Ngày đó, sét đánh người ông Đùng
chia làm hai, một ở cạnh Mó Tiên, một ở ngọn núi Eo Lèn cách đó không xa.
Ông Thông cho biết thêm: "Hiện nay xung quanh Mó Tiên vẫn còn có những dấu chân lớn in đậm trên
những tảng đá. Thời đó, ông đã được cha ông kể lại là dấu chân ông Đùng khi chạy trốn sự trừng trị
của thần sét, bên cạnh còn có một dấu chân voi được cho là dấu chân voi nhà trời ngày đó".
Cho đến ngày nay, tảng đá hình người đó vẫn còn và được một gia đình giàu có ở xã Nghĩa Hoàn mua về
làm cảnh. Ngoài ra, bên cạnh Mó Tiên còn có khối đá hình con rùa được cho là thần bảo vệ cho mó
nước ngày đó.
Ngôi đền Kẻ Lặn linh thiêng
Giống như sự sắp đặt của tạo hóa, bên cạnh giếng nước Mó Tiên là ngôi đền Kẻ Lặn linh thiêng tạo
nên nét đặc biệt riêng cho vùng đất lạ này. Ngôi đền được xây dựng với kiến trúc và vật liệu rất
đặc biệt, quy mô hoành tráng, 4 cột đền được xây bằng đá phiến. Gắn liền với sự ra đời nó là một
câu chuyện ly kỳ liên quan đến nữ thần cứu giúp dân làng.
Bà Lê Thị Quàng 91 tuổi - người già nhất trong làng cho biết: "Trước đây ở trên đỉnh Mó Tiên đó là
nơi sinh sống của bà con dân tộc Thổ, hơn 100 hộ gia đình quây quần với nhau trong ngôi làng Kẻ
Lặn. Năm đó, do hạn hán mất mùa liên tục, trẻ con trong làng tự dưng bị bệnh lạ chết hàng loạt.
Trước tình hình đó, họ đã mời các thầy thuốc, thầy cúng giỏi để cứu giúp dân làng nhưng tất cả đều
vô vọng".
Khi đó tất cả giếng làng đều khô hạn, người dân tập trung lên Mó Tiên lấy nước về để sinh hoạt.
Thiếu nước, thiếu lương thực, những căn bệnh lạ hoành hành những người dân nơi đây. Nghĩ rằng, họ
dã làm một điều gì đó phật ý các vị thần nên bị trừng phạt. Họ đã quỳ suốt mấy ngày mấy đêm bên
cạnh Mó Tiên mong các vị thần cảm động mà tha thứ.
Và một đêm, trong lúc mọi người đang quỳ khấn vái, có một người đàn bà tóc bạc phơ xuất hiện mỉm
cười và sau đó biến mất. Ngày hôm sau những đứa trẻ đang bị bệnh nằm liệt giường bỗng nhiên khỏe
mạnh hẳn và tiếp đó là những cơn mưa rào làm cho mùa màng trở nên màu mỡ.
Để biết ơn nữ thần, dân làng lập một cái đền để tạ ơn và từ đó dân làng Kẻ Lặn trở nên phồn thịnh
hơn. Thời gian trôi qua, cuộc sống trên ngọn núi cao đường đi lại khó khăn nên người trong làng rủ
nhau dời nhà về chân núi định cư. Dần dần ngọn núi không còn ai ở lại, nhưng ngôi đền Kẻ Lặn thì
vẫn tồn tại theo thời gian. Ngôi đền tọa lạc ở vị trí khá đẹp, có không gian rộng và thoáng, từng
là nơi trú ẩn của bộ đội ta trong kháng chiến chống Pháp.
Những năm 60, khi phong trào bài trừ mê tín diễn ra mạnh mẽ, ngôi đền bị phá bỏ. Từ đó đến nay,
theo thời gian dấu tích của ngôi đền chỉ còn lại một nền đá ong trơ trọi. Hai cây đa và rừng cây
ban cũng bị người dân nơi đây phá bỏ. Ngôi làng không còn, ngôi đền cũng không còn nhưng Mó Tiên
vẫn còn đó cho đến ngày nay.
Nhưng với những người dân nơi đây, họ vẫn tin vào vị nữ thần, nên cứ
vào ngày rằm hoặc mùng 1 hằng tháng, người dân trong làng và khách thập phương lại tập trung về
ngôi đền để làm lễ mong cầu may mắn để làm ăn và cả tình duyên.
Trải qua nhiều thăng trầm, giếng trời trên đỉnh Mó Tiên trở thành nơi lấy nước uống, làm mát cho
người dân nơi đây. Người dân nơi đây còn cho rằng, họ sử dụng nguồn nước thánh từ trên đỉnh núi Mó
Tiên nên ngăn ngừa được bệnh tật, tai ương ít xảy ra hơn.
Hiện nay chính quyền xã Giai Xuân đã đưa đề án sử dụng nước từ Mó Tiên dùng cho sinh hoạt của người
dân trong vùng. Năm 1998, Bỉ đã tài trợ nguồn vốn cho dự án nước sạch cung cấp nước cho người dân
trong vùng. Mó Tiên được đưa vào sử dụng, nó đã cung cấp nước dùng trong sinh hoạt cho 3000 hộ dân
trong xã Giai Xuân với đường ống dài 8 km. Không chỉ quan trọng về văn hóa tâm linh mà Mó Tiên còn
có vai trò thiết thực trong đời sống của người dân nơi đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.