Chuyện về "dũng sĩ Đồi Xanh" và những thước phim quay chậm ở chiến trận Điện Biên Phủ
Chuyện về "dũng sĩ Đồi Xanh" và những thước phim quay chậm ở chiến trận Điện Biên Phủ
Thành An
Thứ bảy, ngày 07/05/2022 07:47 AM (GMT+7)
Đã 68 năm kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, người chiến sĩ trẻ Đặng Đức Song ngày nào giờ đã bước sang tuổi 89. Mỗi lần nhắc đến những ký ức ở chiến trận, người "dũng sĩ Đồi Xanh" năm xưa lại trào dâng bao niềm xúc động và kể về thời điểm ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.
Những ngày đầu tháng 5, sau nhiều cuộc điện thoại, theo sự chỉ dẫn của Đại tá Đặng Đức Song, chúng tôi tìm về ngôi nhà của ông trong con ngõ nhỏ ở phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) để trò chuyện cùng vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – "dũng sĩ Đồi Xanh" ở chiến trận Điện Biên Phủ này.
Đại tá Đặng Đức Song năm nay đã 89 tuổi, dung dị trong chiếc áo bộ đội với nhiều huân, huy chương trên ngực áo, những bước đi vẫn khỏe, ông mở cửa đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu… rồi bảo: "Mấy nay tôi bận quá, ngày mai (7/5) lại phải về quê để gặp gỡ và trao quà cho các cháu". Trong hơn một giờ đồng hồ, với sự minh mẫn của mình, câu chuyện ông kể như những thước phim quay chậm đưa chúng tôi quay trở lại thời khói lửa cam go đầy hào hùng của thế hệ ông đã trải qua.
Từ làng tre Chi Điền đến ngày làm "anh vệ quốc đoàn"
Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Đặng Đức Song tên thật là Đặng Huy Sang, sinh năm 1934 tại làng Chi Điền, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Là con út trong một gia đình có 7 người con, trải qua quãng thời gian thơ ấu thiếu thốn, lam lũ và vất vả. Năm lên bốn tuổi thì bố qua đời… "Cho đến bây giờ hình ảnh mẹ tôi băm củ chuối để ăn chống đói năm 1945 vẫn là điều ám ảnh và là ký ức tôi không bao giờ quên", Đại tá Đặng Đức Song mở đầu câu chuyện với PV Dân Việt.
Rót chén trà, ông tiếp tục nhớ lại thời đói khổ bấy giờ: "Một hôm tôi đi kiếm rau ở bãi về, vừa vào đến sân đã thấy mẹ ngã gục vào đống củ chuối đang băm. Tôi lao đến ôm vai mẹ lay gọi nhưng mặt mẹ tái mét, không nói được câu nào. Tôi sợ quá khóc ầm lên kêu hàng xóm sang giúp. Bà hàng xóm đem sang một bát cháo loãng đổ vào miệng mẹ tôi. Hết lưng bát nước cháo, mẹ dần tỉnh lại, khi đó tôi mới nhìn thấy máu rơm rớm ở ngón tay cái. Đến lúc ấy tôi mới biết do mệt và đói quá nên khi băm rau chuối, mẹ đã băm vào ngón tay cái mà chẳng biết… Sau đó thì mẹ tôi mất vì kiệt sức, vì đói và vì bệnh kiết lị kéo dài".
Ông kể, làng tre Chi Điền quê ông nằm sát chân đê sông Kinh Thầy. Một ngôi làng nhỏ, chỉ có hơn trăm nóc nhà tranh vách đất lúp xúp ẩn sau những lũy tre xanh ven đê, lác đác mới có một vài nhà ngói sân gạch, có bể xây trữ nước mưa, còn lại cả làng đều ra gánh nước giếng cửa đình về ăn quanh năm.
Năm lên 7 tuổi, ông mới được đi học, nhưng cũng chỉ học một năm thì phải nghỉ, ở nhà ngày đi chăn trâu cắt cỏ, tối ra đình theo lớp bình dân học vụ. Cũng chính ở lớp học này mà ông biết đến bài hát Quốc ca, biết các anh, các bác "đeo chăn chiên chéo vai, bên sườn đeo vài quả lựu đạn với cái bát bằng vỏ dừa" tham gia hoạt động Việt Minh...
Đến cuối năm 1947, đầu năm 1948, giặc chiếm quê ông và lập bốt làng tre Chi Điền. Ngày ngày chúng đi càn quét lùng sục, bắt phu, bắt lính liên miên. Ông cũng bị bắt đi phu, hết phục dịch xây bốt trên huyện lại về đánh vữa xây bốt Chi Điền ở đầu làng.
Ông bảo, vất vả nhất là mùa đông phải ngủ ở chuồng trâu để canh lũ trâu do giặc đi càn ở các thôn làng bắt về thịt ăn dần. Có những đêm nằm trên lưng trâu trùm áo tơi hoặc bao tải, không có củi để đốt lửa sưởi hên hai hàm răng cứ va vào nhau lập cập vì rét...
Trong dòng tâm sự, ông kể, thuở nhỏ ông còn bị bắt đi ở đợ cho nhà "bà Lý Nhận" để trả nợ cho gia đình…được gần một năm vì không chịu được khổ cực nên ông đã qua sông bỏ trốn về nhà…
Đến năm 1950, ông bắt đầu tham gia cách mạng, là đội viên thiếu niên du kích quyết tử ở địa phương. Năm 1952, ông tình nguyện nhập ngũ, rồi được phân về Đại đội 28, Tiểu đoàn bộ binh 439 (đến năm 1956 đổi là Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316). "Trước khi đi tôi có đến gặp gia đình các anh trai và một số người và nhận được sự đồng ý. Tôi nhớ chị Vườn – một người hoạt động du kích ở địa phương nói với tôi rằng: "Nhớ đến thù làng mà giết cho nhiều Tây nhé!".
Trở thành "anh Vệ quốc đoàn", bắt đầu làm quen với các từ mới mẻ, gọi nhau bằng "đồng chí", "đồng đội", được các cô gái ở vùng tự do chào gọi thân mật là "anh bộ đội". Cuối năm 1952, chàng thanh niên vừa tròn 18 tuổi tham gia chiến đấu giải phóng Tây Bắc lần 1 và được chọn là liên lạc viên cho đồng chí Hoàng Niệm (chỉ huy tiểu đoàn), làm nhiệm vụ đi tiền trạm cho đoàn cán bộ chiến sĩ bổ sung cho Trung đoàn 98 ở Điện Biên Phủ. Ở đây được khoảng 3 tháng, đến tháng 4/1953, Tiểu đoàn ông được phân công sang giải phóng Thượng Lào.
Cuối năm 1953, ông cùng đồng đội trở về, tham gia chiến dịch Đông Xuân (1953-1954). Đại đoàn 316 đã thực hiện thắng lợi đòn tiến công chiến lược đầu tiên trong chiến dịch Đông Xuân, giải phóng Lai Châu. Sau thắng lợi của đòn tiến công chiến lược đầu tiên trong chiến dịch Đông Xuân, đơn vị của ông được lệnh quay trở lại Điện Biên Phủ, giữ chốt khu vực Đồi Xanh cạnh bản Tà Lèng bởi địch đã nhảy dù xuống Điện Biên phủ từ ngày 20/11/1953.
Ký ức Đồi Xanh còn mãi
Theo lời kể của người Đại tá 89 tuổi, chỉ trong 3 ngày từ 20 đến 22/11/1953, địch đã đổ 6 tiểu đoàn dù xuống Điện Biên Phủ, khoảng 4.500 quân. Khi mới vào phòng ngự ở Đồi Xanh, ông cùng các cán bộ tiểu đội đi xem trận địa. Gần 10 ngày đào hầm, hào, công sự ở cao điểm 781 - tên gọi mật khu Đồi Xanh - đơn vị ông đã chốt phòng ngự liên tục tại đây suốt 32 ngày đêm.
Ngày 5/2/1954, địch đánh từ Đồi Cháy tới chân Đồi Xanh, đơn vị tôi tổ chức phản kích buộc chúng phải rút lui. Đến ngày 3/3, địch bắn đại bác liên tiếp lên Đồi Xanh. Các đơn vị Trung đội 11, Đại đội 28 của ông phòng ngự trên đồi do đồng chí Sông làm Trung đội trưởng chỉ huy, ông là Tiểu đội phó, hôm ấy giữ thêm trung liên.
"Địch tấn công đợt 1, chúng tôi bắn dồn dập bắt chúng phải rút lui. Đợt 2, địch tấn công lên, chúng tôi vẫn bắn dồn dập bắt chúng phải rút lui. Đợt 3, địch cho đại bác bắn dồn dập làm sập nhiều hầm. Trung đội trưởng ra lệnh rút. Tôi ở mỏm cao không nghe thấy lệnh nên ở lại cùng 2 đồng chí nữa. Địch bắn dữ dội, cây, đất đá đổ xuống người, Đồi Xanh trở thành "đồi đỏ" vì màu của đất. Cậu Chương tiếp đạn ở công sự cách tôi khoảng 5 mét đã hi sinh.
Tôi ngồi cùng Danh, tân binh mới vào được 3 hôm. Danh tiếp đạn cho tôi bắn trung liên. Địch bò lên đông tới cả trung đội, một quả lựu đạn địch ném rơi bên phải miệng hào. Nghe tiếng kêu xèo xèo, khói trắng phụt ra quay tròn bốc lên, tôi nhanh chóng dùng tay hất quả lựu đạn lăn xuống phía địch, nổ "đùng" một tiếng, mảnh đạn cùng đất đá văng ra tung tóe.
Địch tiếp tục bắn lên, tôi chỉnh súng bắn trả và hạ gục ngay 2 tên (một tên "quan" đội mũ lưỡi trai trên đỉnh đầu màu đỏ, tên còn lại là lính thông tin). Những tên khác nhìn thấy thế nằm rạp cả xuống. Tôi ném lựu đạn cầu vồng như lúc trước, lựu đạn nổ lại thấy địch kêu lên ô ố rồi chạy mất. Trời chạng vạng tối, một lát sau thì không còn thấy người nữa...", Đại tá Đặng Đức Song nhớ lại.
Ngày 5/3/1954, Đặng Đức Song vẫn giữ trung liên, phối hợp với Trung đội 10 do đồng chí Nguyễn Thế Lợi làm đội trưởng chiến đấu tiếp tại Đồi Xanh. Địch dùng 3-4 xe tăng và 2 tiểu đoàn đánh từ sáng sớm để chiếm lại Đồi Xanh.
"Chúng tôi có 24 người, kể cả Danh và một số tân binh. Ngày hôm ấy ta đánh lui 6-7 đợt tấn công của địch. Anh Nguyễn Thế Lợi khai hỏa đầu tiên. Chúng tôi chờ địch đến gần khoảng 15 mét mới bắn. Địch tưởng đại bác của chúng đã bắn quân ta tan tành rồi, không ngờ hầm phòng ngự của ta kiên cố nên địch không thể nào đánh chiếm được Đồi Xanh.
Trưa 6/3/1954, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng và chính trị viên Tiểu đoàn 439 Đào Văn Xuân đến gắn Huân chương Chiến công cho chúng tôi ngay trong chiến hào. Sau trận đánh, đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Đại đoàn 316 quyết định tặng danh hiệu "Dũng sĩ Đồi Xanh" cho tất cả 24 đồng chí đã trấn giữ trên Đồi Xanh", Đại tá Đặng Đức Song nhớ lại và nói, lúc đó ông là người cuối cùng được gắn Huân chương vì bị thương nhẹ ở bàn chân và được đồng đội cõng từ trong hầm ra vị trí trao.
Suốt 32 ngày đêm phòng ngự, đơn vị ông đã đập tan nhiều đợt tấn công của địch, chấm dứt âm mưu mở rộng vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng để giữ vững được trận địa ấy, không ít đồng đội của ông đã bị thương và có người đã hi sinh ngay trên chiến hào. Bản thân ông cũng bị thương nhẹ, nhưng ông bảo nỗi đau thể xác ấy với ông chẳng là bao so với sự mất mát những người đồng đội khác đã nằm lại ở Đồi Xanh năm ấy.
Lấy lại lô cốt Cột Cờ đồi C1, sung sướng với chiến thắng "chấn động địa cầu"
Sau trận chiến ở Đồi Xanh, ông nhận nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng Xung kích mũi nhọn, cùng đồng đội đánh chiếm đồi C1, C2. Nhắc đến trận chiến này, ông lại nhớ đến người đồng chí đã cùng mình đặt trung liên trên đồi C1 bị địch bắn vào đầu: "Tôi lại băng bó, bế Hựu vào lòng. Dòng máu nóng của Hựu chảy vào da thịt tôi. Hựu nắm rất chắc tay tôi rồi từ từ tắt thở…".
Ông cũng nhớ đến người chiến sĩ bị thương hai chân, tay lăm lăm cầm 2 quả lựu đạn "chày" trao cho ông với giọng thều thào: "Địch... ở lô cốt Cột Cờ", như thúc giục ông tiến lên phía trước. Và ông tự nhủ phải quyết tâm cùng đồng đội đánh lấy lại lô cốt Cột Cờ.
Đại tá Đặng Đức Song kể lại: Quá trình giữa ta và địch giành giật ác liệt trên đồi C1 gần 10 ngày đêm. Thời gian đầu, địch thường xuyên ném lựu đạn sang trận địa của ta và ta cũng đánh lại.
Gần một tháng phòng ngự ở đồi C1, ông bảo căng nhất là địch thỉnh thoảng dùng súng phun lửa bắn sang. Nếu không cảnh giác, thụt nhanh xuống giao thông hào thì bị cháy tóc, quần áo hoặc bị bỏng, cháy da thịt, có đồng chí bỏng nặng, hi sinh. Có lần pháo địch bắn, ông bị lấp đến nửa người. Tỉnh lại, ông tiếp tục chiến đấu và còn đưa tiếp một đơn vị nữa lên chiến đấu.
Trên đường, gặp ổ trung liên địch bắn cản, ông bò đến gần ném lựu đạn diệt ổ trung liên tạo điều kiện cho đơn vị xung phong rồi chuyển thương binh về phía sau. Trong trận Mâm Xôi ngày 3/5/1954, ba ngày liền ông lội dưới hào, bùn ngập đến bụng đưa Đại đội trưởng Hoàng Văn Lới đi nghiên cứu mở cửa đột phá.
Những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, ông và các đồng đội vẫn kiên cường chiến đấu anh dũng trong vòng vây của địch. "Sáng ngày 7/5/1954, nhờ có lựu pháo 105 của ta bắn yểm trợ, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng hạ lệnh xung phong. Quân ta như lớp lớp sóng trào lên, áp đảo, đè bẹp sức kháng cự của kẻ thù, 600 tên địch đã phải đầu hàng. Thừa thắng tiến công, toàn trung đoàn tiến thẳng vào Mường Thanh.
Trước khí thế như vũ bão của quân ta cùng với tiếng loa gọi địch đầu hàng, những tốp cờ trắng xuất hiện rồi lan ra ngày càng nhiều. Đúng 17h30 phút ngày 7/5/1954, tướng De Castries cùng toàn bộ sĩ quan tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Giờ toàn thắng đã đến!", Đại tá Đặng Đức Song xúc động nhớ lại.
Ông kể giọng hào hùng: Sướng nhất là khi thấy địch cao to giơ tay đầu hàng, còn quân mình thì nhỏ bé nhưng cầm súng rất oai phong. "Lúc đó, trong thung lũng Điện Biên Phủ, rừng cờ trắng trải ra khắp cứ điểm, hàng binh địch lũ lượt ra khỏi hầm, lên mặt đất. Lúc này, chúng tôi sướng lắm, nhảy hết lên giao thông hào ôm nhau, nhảy, phấn khởi reo hò ầm ĩ. Có đồng chí nói: "Kỳ này Giải phóng Điện Biên xong về phải lấy vợ".
Trong câu chuyện của mình, ông bảo có một điều rất nhân văn của quân đội ta. Đó là việc trao trả tù binh, đặc biệt là những tù binh bị thương cho phía địch. "Khi chúng tôi trao trả tù binh, khiêng những tên lính bị thương ra ngoài chuẩn bị đưa lên máy bay trao trả, họ cứ nhìn các y tá bác sĩ của mình rồi hôn tay mà khóc và nói câu "Hòa bình, hòa bình! Cảm ơn, cảm ơn". Lúc đó bản thân tôi cảm thấy rất sung sướng vì đã giành được thắng lợi và thể hiện được sự hùng mạnh, nhân văn của người Việt Nam", Đại tá Đặng Đức Song nói.
Mãi mãi là chiến sỹ Điện Biên
Nhấn mạnh đến chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Đại tá Đặng Đức Song cho rằng: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám;
Đồng thời, tạo tiền đề vững chắc để đưa nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
"Lúc đó lực lượng quân đội và vũ khí của ta ít và xa hậu phương, tuy nhiên vượt qua tất cả, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với quyết định quan trọng "đánh chắc tiến chắc" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là tinh thần quả cảm chiến đấu của quân đội… đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ mọi mặt của các nước xã hội chủ nghĩa và bè bạn khắp 5 châu; chủ động tạo nên sự chuyển hóa căn bản về thế và lực, chúng ta càng đánh càng mạnh và đẩy quân địch vào tình thế ngày càng khốn đốn, phải đầu hàng vô điều kiện…", Đại tá Song nhận định.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1956, Đại tá Đặng Đức Song lúc đó 22 tuổi vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 7/1957, ông được cử đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ VI tại Moscow thuộc Liên Xô. Năm 1960, Anh hùng Đặng Đức Song được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II.
Cũng năm này, ông thi đỗ Đại học Bách khoa. Ra trường, từ một quản đốc phân xưởng vô tuyến điện, ông được tín nhiệm cử làm Giám đốc Nhà máy Thông tin M1 trong suốt 16 năm liền. Năm 1990, sau 38 năm trong quân ngũ ông được nghỉ hưu theo chế độ với quân hàm đại tá.
Trở về địa phương, ông chỉ thực hiện chế độ "hưu" trên danh nghĩa chứ không có chút nào "nghỉ". Anh hùng Đặng Đức Song tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh địa phương, được tổ chức và hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội. Với những đóng góp trong chiến đấu và lao động sản xuất, Đại tá Đặng Đức Song đã nhận được nhiều bằng khen, huân, huy chương cao quý.
Kết thúc câu chuyện, giọng trầm lại, vị Đại tá 89 tuổi chia sẻ với PV Dân Việt: "Giải phóng xong sung sướng là vậy, nhưng ngay sau đó nhìn đi nghĩ lại thấy các đồng chí, đồng đội cùng chiến hào không còn nữa… cảm giác lúc đấy thật khó tả, đêm ngủ không được, nhớ tên từng người rồi bất giác khóc. Tôi đánh đồi xanh 7 người hi sinh 4, bị thương 3; C1 thì cả tiểu đội có 12 người thì cũng mất 3 người, bị thương 4 người… Bây giờ tôi vẫn thường xuyên nghĩ đến những người đồng đội đã mất".
Gửi lời nhắn nhủ đến các thế hệ trẻ, Đại tá Đặng Đức Song nói: "Bác Hồ nói rằng 'không có gì quý hơn độc lập tự do'. Những thế hệ đi trước đã hi sinh xương máu đánh đuổi đế quốc xâm lược ra khỏi đất nước, tôi mong rằng các thế hệ mai sau luôn phấn đấu, rèn luyện, có trình độ khoa học kỹ thuật cao hơn để vượt qua những mốc lịch sử trong giai đoạn mới…để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và giàu đẹp".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.