Chuyện về ngôi đền ven sông Hồng lưu giữ nhiều cổ vật quý

Song Phúc Thứ bảy, ngày 24/02/2024 07:34 AM (GMT+7)
Trong đền Ghềnh (Hà Nội) hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như quả chuông đồng đúc năm 1876 vào thời vua Tự Đức...
Bình luận 0

Nằm trong con ngõ nhỏ, ngay cạnh sông Hồng, đền Ghềnh, (thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) nép mình dưới những tán cây cổ thụ.

Ngôi đền cổ 200 năm tuổi

Đền Ghềnh có tên khác là Thiên Quang Linh Từ. Sở dĩ người dân gọi là đền Ghềnh vì trước cửa đền có một ghềnh nước lớn. Theo năm tháng, dòng chảy biến động, con ghềnh mất đi và hiện nay chỉ còn lại dấu tích là ngôi đền.

Chuyện về ngôi đền ven sông Hồng lưu giữ nhiều cổ vật quý- Ảnh 1.

Tam quan đền Ghềnh, nơi thờ công chúa Ngọc Hân.

Ngoài ra, trong dân gian vẫn lưu truyền sự tích đền Ghềnh gắn với số phận bi thương của công chúa Ngọc Hân, người được cả kinh thành Thăng Long gọi là "chúa tiên" bởi dung nhan xinh đẹp, cầm kỳ thi họa đủ tài xuất chúng.

Theo sử sách ghi lại, năm 16 tuổi (1786), công chúa Ngọc Hân được gả cho thủ lĩnh Tây Sơn tức Nguyễn Huệ. Cuộc tình giữa công chúa và Nguyễn Huệ chỉ kéo dài 6 năm, sự ra đi đột ngột của vị hoàng đế tài ba đã khiến người đẹp thành Thăng Long khóc chồng mà viết nên tác phẩm "Ai tư vãn" bất hủ.

Qua nhiều thăng trầm biến cố lịch sử, đến năm 1858, cụ Ðặng Thị Bản đã công đức để tôn tạo đền chùa ở Ái Mộ, Lâm Du, Phú Viên. Năm 1872, đền lại bị giặc Pháp đốt sạch trong cơn binh lửa đánh thành Hà Nội.

Trải qua thời gian, đền Ghềnh sau đó vẫn được con cháu cụ Ðặng Thị Bản xây xây dựng, trông nom và dân làng gìn giữ đến ngày nay.

Chuyện về ngôi đền ven sông Hồng lưu giữ nhiều cổ vật quý- Ảnh 2.

Đền Ghềnh trở thành ngôi đền thiêng với sự tích về hoàng hậu Lê Ngọc Hân.

Hội đền Ghềnh năm nào cũng thu hút đông đảo du khách thập phương. Một trong những nghi lễ không thể thiếu của hội đền Ghềnh là lễ rước nước. Lễ rước nước không chỉ thể hiện mong muốn cho mùa màng bội thu mà còn có ý nghĩa như gột rửa nỗi đau, nỗi oan khiên cho Hoàng hậu Ngọc Hân cùng hai con của bà.

Và bởi trong tâm thức dân gian, du khách đến đền Ghềnh để trình các Thánh trước khi trẩy hội về Kiếp Bạc dự lễ hội giỗ Ðức Thánh Trần theo lệ "Tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ".

Quả chuông cổ bên trong ngôi đền

Di tích Đền Ghềnh cũng mang những cái giá trị đặc sắc về kiến trúc, đặc biệt hiện nay ở di tích còn rất là nhiều những cổ vật quý.

Chuyện về ngôi đền ven sông Hồng lưu giữ nhiều cổ vật quý- Ảnh 3.

Dòng chữ được đúc trên thân quả chuông đồng trong đền.

Tượng Ngọc Hân công chúa được thờ bên trong hậu cung. Hai bên ngoài hậu cung có tượng Tứ Vị thánh chầu. Ngoài ra còn có tượng các quan Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười, tượng năm vị Tôn Ông, tứ phủ Thánh Cậu, hai hầu Cô, ba thờ quan Thanh tra.

Ông Đặng Đình Hòa, thủ nhang đền Ghềnh cho biết, đền hiện có các hạng mục chính như: điện mẫu, điện sơn trang, nhà tổ, nhà khách và khu vực phụ trợ. Trong Đền còn lưu giữ được nhiều di vật quý như quả chuông đồng đúc năm 1876 vào thời vua Tự Đức, hai cỗ kiệu (một kiệu Long Đình và một kiệu Mẫu) được trang trí bằng nghệ thuật chạm trổ, các bức đại tự, cuốn thư, hoành phi và câu đối.

Đặc biệt nội dung của các bức đại tự, hoành phi, câu đối đều ca ngợi cảnh đẹp, đất thiêng của Bồ Đề và công trạng, đức độ của vị thần được thờ ở ngôi đền này bên sông Hồng.

Các bộ hoành phi câu đối và tượng các thánh đều sơn son thếp vàng bằng tiền công đức của khách thập phương. Một cầu thang lớn dài 30m, rộng 3m được bắc từ cửa đền xuống bến để nhân dân ra sông dự lễ rước nước an toàn. Thuyền cái chở ban tế lễ được trang hoàng đôi rồng vàng uy nghi.

Giống như mọi đền phủ khác, hằng năm, đền Ghềnh đều tổ chức lễ hội từ mùng 6 đến 12/8 Âm lịch. Lễ hội đền Ghềnh là một trong những lễ hội lớn trong vùng được tổ chức. Trong lễ hội có nhiều hoạt động khác nhau, đa dạng và phong phú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem