Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip: Trưởng thôn Kho Vàng kể lại chuyện di dời 17 hộ dân lên đồi lánh nạn.
Những ngày này, trên khắp các bản làng vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) cũng như tại thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu) mưa đã tạnh, trời đã hửng nắng trở lại, nhưng tuyến đường giao thông chính vào thôn Kho Vàng vẫn đang bị sạt lở nghiêm trọng, chưa thể đi qua được.
Anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu đang tất bật điều hành việc vận chuyển, tiếp tế lương lực, nhu yếu phẩm cho 17 hộ dân trong thôn đang lánh tạm trên núi; cập nhật thông tin tình hình cuộc sống của người dân trong thôn Kho Vàng với chính quyền xã Cốc Lầu.
Anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng chia sẻ: "Trong 2 ngày 7/9 và 8/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, thời tiết mưa liên tục, tôi thấy phía bên kia sạt lở nhiều quá nên rủ anh em trong thôn lên trên đồi của thôn kiểm tra thì phát hiện vết nứt.
Trước nguy cơ không đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, tôi đã cùng anh em nhanh chóng mang dao đi chặt cây vầu, dùng bạt dựng lán tạm cho bà con để tránh khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Sau khoảng 6 tiếng, công việc mới hoàn thành".
Theo anh Chứ, khó khăn lớn nhất ban đầu khi các lực lượng chưa tiếp cận được, bà con trong thôn thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt phải đi bộ khoảng 500m dưới khe suối cũng xa.
Thôn Kho Vàng có 87 hộ, 410 nhân khẩu thuộc 2 dân tộc là Mông và Dao cùng sinh sống. Do địa hình thôn Kho Vàng ở gần suối nên tiềm ẩn nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.
Trước thông tin về ảnh hưởng của cơn bão số 3, chính quyền địa phương đã chủ động lên kế hoạch, tuyên truyền, vận động người dân sống ở khu vực nguy hiểm di dời đến nơi an toàn để tránh trú.
Cũng trong sáng nay (15/9), ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu cho biết: Trưởng thôn Ma Seo Chứ là cán bộ thôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, anh cũng là một đảng viên gương mẫu.
Hôm nay (15/9), các lực lượng chức năng của xã Cốc Lầu, huyện, tỉnh sẽ cùng nhau hỗ trợ 17 hộ dân, với 115 nhân khẩu về trụ sở UBND xã bố trí nơi ở tạm để chờ bố trí sắp xếp khu tái định cư mới.
Được biết, chiều 14/9, Tỉnh uỷ Lào Cai đã tổ chức họp nghe báo cáo về thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra; triển khai giải pháp khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh tại cuộc họp, nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này, trước hết là xây dựng ngay các khu tái định cư cho những hộ bị thiệt hại về nhà ở (4 khu tái định cư theo đề xuất của ngành Nông nghiệp); trong đó có thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà; ổn định cuộc sống cho người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai. Đảm bảo nơi ở gắn với nơi sản xuất của người dân.
Cần có phương án hỗ trợ gạo, giống cây trồng cho hộ bị thiệt hại do mưa lũ; các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch sớm chủ động phương án sản xuất; ngành giáo dục khẩn trương, chủ động và phối hợp với các địa phương rà soát cơ sở vật chất các trường học, đề xuất hỗ trợ sách, đồ dùng học tập đảm bảo công tác dạy và học trong thời gian sớm nhất.
Sau gần 3 ngày không thể liên lạc được với Trưởng thôn Ma Seo Chứ, cũng kiêm lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và nằm trong nhóm 17 hộ đang lánh nạn ở trên núi thôn Kho Vàng, Trưởng Công an xã Cốc Lầu cũng như các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN đứng ngồi không yên.
Đến khoảng 6 giờ 30 phút ngày 11/9, trời vẫn mưa tầm tã, không có cách nào liên lạc được với anh Chứ tại thôn Kho Vàng cũng như địa phận xã Nậm Lúc và xã Bản Cái bị sạt lở đường không thể quan sát từ phía bên đó sang phía bên nhóm 17 hộ.
Đại uý Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Cốc Lầu tâm sự: "Tôi đã trực tiếp đề xuất với Trưởng Công an huyện Bắc Hà về việc lập một tổ công tác gồm 3 người là công an xã sẽ lên thôn Cốc Lầu. Đồng thời, huy động thêm 1 người thuộc lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, 1 người xã đội thôn Cốc Lầu tìm đường tới nhóm 17 hộ dân.
Chúng tôi mang theo gần chục kiện mì tôm và nước lọc, dao và lửa để đề phòng nhỡ cần khi gặp điều bất trắc cho cả tổ công tác lẫn nhóm 17 hộ do thiếu lương thực để dùng tạm".
Theo đại uý Nguyễn Mạnh Cường, vào thời điểm này, cung đường vào bản Kho Vàng và các xã lân cận đều đã bị đứt gãy, giao thông trên đường bộ bị tê liệt hoàn toàn. Cung đường duy nhất có thể đi lúc này là vượt núi, qua những khu rừng vầu, rừng trúc…
Vượt qua con đường rừng hiểm trở, dưới cơn mưa tầm tã, họ cứ nối bước nhau mà đi, tất cả đều mong muốn mọi sự bình an đến với người dân thôn Kho Vàng. Càng lên cao, đường càng trơn; càng vào sâu trong rừng lại càng khó đi. Những năm trước, người dân còn vào sâu trong rừng tìm măng, nhưng lâu dần ít người, những lối mòn giờ cỏ dại mọc lút đến đầu người, chẳng còn đường đi. Họ vừa đi, vừa phạt cành, tìm lối đến với thôn Kho Vàng.
Sau nhiều giờ đồng hồ đi bộ băng qua rừng để tiến sang địa phận thôn Kho Vàng (thôn Cốc Lầu giáp ranh thôn Kho Vàng), đến khoảng hơn 10 giờ cùng ngày lên đến đỉnh núi thì phát hiện các hộ dân đang chặt cây tre, nứa để căng bạt dựng lán ở.
Khi thấy họ đang căng bạt, đại uý Cường và thành viên trong tổ vỡ òa vì hạnh phúc. Niềm vui ấy được nhân lên gấp bội phần khi họ hỏi về 115 khẩu có an toàn không, có ai bị thương không thì đều nhận được câu trả lời: "Không có ai bị thương, chúng tôi đều an toàn".
"Khi chúng tôi hỏi tình hình đồ ăn thì nhận được câu trả lời rằng, bây giờ mình không có cái gì ăn, bọn trẻ không có gì ăn. Họ cũng nói thêm có 4-5 thanh niên đang theo đường sạt kia xuống tìm đồ ăn", đại uý Cường nhớ lại. Ngay sau đó, Trưởng Công an xã Cốc Lầu liền chỉ đạo các thành viên trong đoàn mang mì tôm, nước uống ra để đưa cho người dân nấu ăn ngay, đảm bảo không bị đói, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, anh đã đến được khu vực có sóng điện thoại để báo cáo Trưởng Công an huyện và Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu và đề xuất quay về trụ sở UBND xã chuẩn bị đồ tiếp tế để lên đường quay lại với 17 hộ dân thôn Vàng.
"Được sự đồng ý của cấp trên, tất cả cùng chuẩn bị đồ tiếp tế và huy động tại thôn Cốc Lầu khoảng 20 người dân có sức khỏe tốt tham gia vận chuyển lương thực. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ đi bộ băng qua rừng từ thôn Cốc Lầu, đoàn công tác của chúng tôi đã có mặt tại địa điểm lán của 17 hộ dân bàn giao lại toàn bộ số đồ tiếp tế.
Sau đó, chúng tôi giao nhiệm vụ cho Trưởng thôn Kho Vàng có trách nhiệm kiểm tra, phân công theo dõi, đôn đốc quản lý không để bất kỳ ai xuống khu vực bên dưới nhà ở để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Yêu cầu người dân gia cố chắc lại các lán trại. Đề ra phương án để Trưởng thôn cùng các thanh niên khác ngày hôm sau tự đi sang thôn Cốc Lầu để tiếp nhận lương thực gồm gạo và các nhu yếu phẩm khác mang về cho 17 hộ trên", đại uý Nguyễn Mạnh Cường xúc động kể lại.
Trước đó, vào ngày 9/9, khi phát hiện có nguy cơ sạt lở trên địa bàn thôn, nhưng do không có sóng điện thoại để thông tin với chính quyền nên 17 hộ dân với 115 nhân khẩu thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu đã chủ động di chuyển lên một quả núi để dựng lán trại trú ngụ tạm thời.
Đến ngày 11/9, lực lượng Công an xã Cốc Lầu đã cắt rừng, đi bộ tìm kiếm phạm vi 15km, phát hiện, tiếp cận được nơi tránh nạn của 115 người dân và tiếp tục quay lại huy động lực lượng mang đồ lương thực, thực phẩm lên tiếp tế cho bà con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.