Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với
điều khoản sử dụng của
báo Dân Việt
Đăng nhập
Email
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Khi nhấn đăng ký đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với
điều khoản sử dụng của
báo Dân Việt
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
CLIP-ẢNH: Cụ bà 90 tuổi gắn trọn cuộc đời với nghề nón lá
CLIP - ẢNH: Gặp cụ bà 90 tuổi gắn trọn cuộc đời với nghề nón lá
Quân Dung Thỏa
Chủ nhật, ngày 25/04/2021 06:25 AM (GMT+7)
Dù đã 90 tuổi, thế nhưng hàng ngày cụ Nguyễn Thị Lưu (trú tại thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn miệt mài với đường kim, sợi chỉ để đan lên những chiếc nón lá làng Phù Việt nổi tiếng khắp cả nước.
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Lưu trú tại thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) để gặp người "nghệ nhân" gắn bó với nghề nón lá gần như trọn cả cuộc đời.
Clip: Cụ bà 90 tuổi vẫn miệt mài, “giữ lửa” nghề làm nón lá truyền thống Phù Việt (Hà Tĩnh).
Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo hàng ngày cụ Nguyễn Thị Lưu ngồi tỉ mỉ chắp nối từng vành tre mỏng manh, uốn thành khuôn nón, là từng cọng lá. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng bên trong chứa đựng niềm đam mê, trăn trở của người làm nghề.
Cụ Nguyễn Thị Lưu trú tại thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) dành cả cuộc đời gắn bó với làng nghề truyền thống nón lá. Ảnh: PV
Cụ Lưu vừa tâm sự: "Lên 5 tuổi, tôi đã được làm quen với các công đoạn của nghề làm nón lá. Đối với tôi, nghề làm nón không chỉ đơn thuần là công việc kiếm thêm thu nhập mà còn là kỷ niệm, truyền thống gia đình. Không biết sau này nghề làm nón sẽ như thế nào. Nhưng còn sức khỏe tôi vẫn tiếp tục làm nón".
Cụ Nguyễn Thị Lưu tuổi "xưa nay hiếm" vẫn còn minh mẫn để "gìn giữ" nghề truyền thống của làng. Ảnh: PV
Nghề nón làng Phù Việt (nay thuộc xã Việt Tiến, Thạch Hà) đã có hàng trăm năm, nổi tiếng với độ bền, đẹp. Trước đây, nhiều hộ gia đình trong xã làm nón lá nhưng nay chỉ còn một số cụ già còn gắn bó với nghề. Sản phẩm sau khi làm ra được người dân trong vùng mua lại, đem ra chợ quê bán.
Cụ Lưu mắt vẫn còn tinh khâu đều tay để làm ra những chiếc nón lá bền, đẹp. Ảnh: PV
"Để hoàn thiện một chiếc nón phải qua nhiều công đoạn: Chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, lên khuôn, may và hoàn thiện. Chiếc nón lá trắng, đều vòng, mũi khâu đều tay, lỗ kim nhỏ không để lọt nắng mới được xem là đạt chuẩn.
Nón lá làng Phù Việt được quét phủ lên một lớp dầu bóng giúp nón cứng, bền, đẹp, bắt mắt. Mỗi chiếc nón lá chứa đựng sự vất vả, kỳ công, không chỉ là kỹ thuật mà còn đòi hỏi nghệ thuật nữa"- cụ Lưu bật mí.
Những chiếc nón lá được cụ Lưu hoàn thành rất đẹp. Ảnh: PV
Công đoạn làm nón vẫn được bà Lưu bảo tồn nguyên vẹn theo phương pháp thủ công. Mỗi ngày cụ Lưu đan được 1-2 chiếc nón, mỗi chiếc nón được bán với giá 50.000-80.000 đồng/chiếc.
Ngoài việc làm nón kiếm thêm thu nhập cụ Lưu còn dạy cho những lao động có nhu cầu học nghề, mong muốn góp một phần công sức trong việc "giữ lửa", truyền nghề truyền thống cho thế hệ trẻ.
Cụ Lưu lo lắng nghề truyền dần sẽ bị mai một. Ảnh: PV
Khi nghề làm nón lá ở làng Phù Việt còn thịnh vượng, trong nhà ngoài cổng đâu đâu cũng thấy các bà, các chị ngồi quay quần bên nhau, tay thoăn thoắt đan những chiếc nón. Tay làm miệng nói, không khí rôm rả, ấm áp cả một vùng quê.
Bà Nguyễn Thị Vân (trú tại thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà), tâm sự: "Làng tôi trước đây được gọi là làng nón Phù Việt, nay chuyển thành xã Việt Tiến. Khi tôi còn nhỏ, chứng kiến các mẹ, các chị thường ngồi với nhau thành một nhóm dưới gốc tre làng để đan nón.
Bà Nguyễn Thị Vân (65 tuổi trú tại thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến). Ảnh: PV
Nghề đan nón trở thành công việc chính của gia đình, tôi được ăn học cũng nhờ nghề truyền thống này. Hiện nay, chỉ còn ít người lớn tuổi như tôi làm nghề đan nón lá. Đan nón không chỉ là nghề kiếm thêm thu nhập mà còn gìn giữ văn hóa truyền thống của gia đình".
Trong xu hướng tiêu dùng hiện đại, chiếc nón lá mất dần đi vai trò, làm ra nhưng lại khó bán. Thế hệ trẻ cũng không còn mặn mà với nghề truyền thống của ông cha. Theo thời gian làng nghề nón lá trở nên mất dần sức sống, ngày càng bị mai một.
"Gìn giữ" với nghề nón lá truyền thống làng Phù Việt còn rất ít người. Ảnh: PV
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết: "Tôi không rõ nghề làm nón lá Phù Việt có từ bao giờ, nhưng từ lúc nhỏ tôi đã thấy các bà, các chị làm. Hiện nay có nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp nên những chiếc nón lá truyền thống không còn được ưa chuộng như trước. Làng nghề hiện nay chỉ còn một số ít người còn tâm huyết, bảo tồn nghề truyền thống, tiêu biểu nhất có cụ Nguyễn Thị Lưu"
"Tuy tuổi cao nhưng hằng ngày cụ Nguyễn Thị Lưu vẫn đan nón, gìn giữ nghề truyền thống của địa phương. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch khôi phục lại làng nghề để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, cũng như tạo công ăn việc, tăng thu nhập cho bà con địa phương mỗi lúc nông nhàn" - ông Lê Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Việt Tiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.