Mai một nghề nón Quế Minh

Thứ bảy, ngày 25/08/2012 16:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước đây, làng nghề nón lá Quế Minh có tiếng khắp vùng xứ Quảng. Nón Quế Minh nổi tiếng bởi sự thanh mảnh, nền nã của màu sắc, chắc chắn trong từng đường kim, mũi chỉ.
Bình luận 0

Đất Quế Minh, Quế Sơn (Quảng Nam) từng nổi tiếng với nghề làm nón, một thời vang bóng xứ Đàng Trong. Qua bao cuộc chiến tranh, nghề cha truyền con nối không giữ được, phương tiện sản xuất không còn và đáng buồn hơn, bây giờ chẳng còn mấy ai tâm huyết với nghề.

Trước đây, làng nghề nón lá Quế Minh có tiếng khắp vùng xứ Quảng. Nón Quế Minh nổi tiếng bởi sự thanh mảnh, nền nã của màu sắc, chắc chắn trong từng đường kim, mũi chỉ. Mỗi ngày, làng sản xuất khoảng 2.000 chiếc nón, mang bán khắp vùng Thừa Thiên, xứ Quảng, xứ Tây Sơn...

img
Bà Trần Thị Hồng làm nón đê đỡ nhớ nghề.

Một thời vang bóng

Đất Quế Minh bạc màu, làm nông hay thất bát, may nhờ có nghề nón lá phụ thêm, nên cuộc sống người dân nơi đây tạm ổn định. Làng nón Quế Minh trước đây có hơn 300 hộ dân theo nghề. Già trẻ, thanh niên trai tráng trong làng đều có thể làm. Dù làm nón không thu nhập cao, nhưng giải quyết việc làm cho người dân trong làng, nhất là phụ nữ.

Cách Quế Minh khoảng gần 3km, có chợ quê mang tên chợ Nón, nơi người dân làng nghề mang sản phẩm của mình đến bán. Chợ nón cũng là nơi chuyển nón đi khắp các vùng khác từ Quế Sơn… Nhưng rồi thời trang thay đổi, ít người đội nón, nón Quế Minh cũng mất dần chỗ đứng trên thị trường, người Quế Minh không còn mấy người trụ lại với nghề.

Ông Trần Văn Noa - Chủ tịch UBND xã Quế Minh: “Chúng tôi đang lên phương án để bảo tồn làng nghề, nhưng rất khó khăn, vì Quế Minh vẫn là xã nghèo. Song, chúng tôi sẽ cố gắng không để nghề làm nón Quế Minh mất hẳn”.

Chẳng còn ai học nghề

Chúng tôi đến nhà bà Võ Thị Xuân (74 tuổi) ở thôn 3, xã Quế Minh, người có thâm niên gần 50 năm làm nón. Bà đang tỉ mẩn đan nón. Bà Xuân ưu tư: “Cái thời ở Quế Minh người ta đua nhau làm nón đã không còn nữa. Ngày trước, mẹ và 5 chị em gái bà đều làm nón. Làm nón tuy thu nhập không cao nhưng cũng đỡ được tiền mắm muối, chợ búa.

Bây giờ, 3 cô con gái của bà không ai học nghề làm nón nữa vì khó bán và thu nhập thấp. Bây giờ ít người mang nón lá, làng nghề vì thế cũng chật vật theo. Để có chiếc nón đẹp, ngoài tay nghề của thợ thì nguyên vật liệu rất quan trọng. Bây giờ nguồn nguyên liệu ở đây không còn dồi dào như trước, chúng tôi phải mua nguyên liệu với giá cao, trong khi bán nón chẳng lời lãi được bao nhiêu.

Theo bà Xuân, hiện 1kg lá nón người dân địa phương hái trên núi mang về giá 21.000 đồng, tằn tiện có thể làm được 7-8 chiếc nón, đó là chưa kể tiền cước, chỉ, tre, nứa... Mỗi chiếc nón chỉ bán được 6.000 đồng, thì người làm có lời 3.000 đồng. Trung bình một ngày mỗi người làm được 2-3 chiếc nón, tính ra thu nhập chừng 10.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Tuấn (35 tuổi) cho biết: "Thu nhập thấp, nguồn nguyên liệu và đầu ra không ổn định khiến những người làm nón ở đây không còn tha thiết với nghề nữa! Bây giờ chỉ những người già cả, phụ nữ không biết làm gì ngoài làm đồng mới ngồi chằm nón kiếm ngày mươi ngàn, thêm chút đỉnh phụ với gia đình".

Hiện, những người làm nghề trong làng đếm chưa quá 10 đầu ngón tay. Bà Trần Thị Hồng (68 tuổi) người làm nón lâu năm, than thở: "Tuổi già chúng tôi làm cho đỡ nhớ nghề thôi, chứ tụi trẻ bây giờ đâu quan tâm gì nữa".

Bà Hồng có mấy người con thì tất cả ra thành phố tìm việc, chỉ còn mình bà ở lại quê chăm 1 sào lúa. Những khi rảnh rỗi bà đem khung chằm nón ra để đỡ nhớ nghề, cũng vừa kiếm thêm chút tiền lẻ mua mắm muối. Bà Hồng cho biết thêm, Quế Minh có hơn 450 hộ, nay chỉ còn 6 gia đình giữ lại khung chằm nón, chủ yếu là người già nhớ nghề mà thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem