Dịp Tết nguyên đán vừa qua, mưa thuận gió hòa, nhờ chủ động các biện pháp chăm sóc, đào nở đúng dịp, được giá. Vì vậy, vụ đào năm nay, đa số các hộ đều trồng tối đa hết diện tích với hy vọng tiếp tục có một mùa đào thắng lợi.
Ông Hà Văn Bình (trú ở xã Xuân Sơn, Lưu Vĩnh Sơn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) phun thuốc cho vụ đào mới. Ảnh: PV
Theo ghi nhận PV Dân Việt, các làng đào ở Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên); Cổ Đạm (Nghi Xuân); Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà); Thạch Quý (TP.Hà Tĩnh); Kỳ Tân (Kỳ Anh) tỉnh Hà Tĩnh lại tất bật cho vụ sản xuất mới để phục vụ dịp tết năm sau.
Clip: Người trồng đào Hà Tĩnh tất bật vào vụ đào mới.
Ông Hà Văn Bình (trú ở xã Xuân Sơn, Lưu Vĩnh Sơn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cho biết: "Vụ đào năm nay, được mùa được giá, lời gấp đôi so với năm ngoái, không chỉ gia đình tôi, người trồng đào rất phấn khởi. Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 500 gốc đào, bắt đầu trồng từ những ngày cuối năm 2020.
Anh Hà Văn Vương (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tưới nước cho những cây đào vừa mới trồng. Ảnh: PV
Năm nay, gia đình tôi trồng xen kẽ giữa đào thường và đào ghép, cuối năm sau khi thu hoạch đào ghép thì sẽ đảm bảo được khoảng trống vừa phải cho đào thường phát triển, hạn chế tối đa tình trạng thừa đất".
Theo ông Bình, không sản xuất được giống, phải mua từ người dân trên địa bàn hoặc lấy giống từ Thanh Hóa. Giá cây đào thường là 20.000 đồng/cây (giống cây này sau 2 năm sẽ cho thu hoạch); đào ghép là 35.000 – 40.000 đồng/cây (một năm sẽ cho thu hoạch).
Để ươm được giống cây đào, đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mỉ. Ảnh: PV
Nghề trồng đào đòi hỏi phải tỉ mỉ, khéo léo, biết quan sát quá trình cây đào phát triển. Khi phát hiện đào bị bệnh phải phun thuốc đúng thời điểm, hầu hết các bệnh thường gặp ở cây đào chủ yếu là sâu bệnh, nấm… Mỗi lứa đào có hai lần bón phân, đầu năm và giữa năm.
Đào giống được lấy từ bầu đất rồi đưa ra vườn trồng. Ảnh: PV
Bà Trương Thị Hồng, Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên (có kinh nghiệm trồng đào hơn 10 năm) chia sẻ: "Trồng đào là một công việc vất vả, phụ thuộc vào thời tiết. Vừa rồi, gia đình tôi tự ươm giống, trồng hơn 100 cây đào. Để ươm được giống cây đào, đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mỉ.
Bà Trương Thị Hồng (Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) tưới nước cho đào mới trồng. Ảnh: PV
Mỗi lứa đào, tôi thường để một số cây cho ra quả, sau đó chờ quả chín tách lấy hạt. Tiếp theo là bỏ vào túi nilon chôn dưới đất. Đến tháng 10 -11(al) đào hạt lên ươm trong bầu đất. Để có được giống cây tốt, phải chăm sóc thường xuyên, khi cây còn nhỏ dễ mắc nhiều loại nấm".
Sau khi trồng, chỉ khoảng tháng 3 âm lịch, đào sẽ phát triển lộc non. Ảnh: PV
Bà Trần Thị Ly, SN 1962, trú tại Đồng Vĩnh, Lưu Vĩnh Sơn, cho hay: "Năm vừa rồi, gia đình tôi rất phấn khởi, được mùa, được giá. Gia đình trồng khoảng 100 gốc đào phai thì bán được hơn một nửa, các gốc đào đều có thế đẹp, nở hoa đúng dịp tết Nguyên đán. Năm nay, gia đình trồng gần 150 gốc, hy vọng một năm thắng lợi. Những cây con mới trồng, ngoài việc tưới nước thường xuyên còn sử dụng phân chuồng, phân tổng hợp để cây khỏe và phát triển nhanh hơn".
Bà Trần Thị Ly (SN 1962, trú tại Đồng Vĩnh, Lưu Vĩnh Sơn) nhổ cỏ cho đào. Ảnh: PV
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Công Thư – Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, cho biết: "Toàn xã Lưu Vĩnh Sơn hiện có hơn 200 hộ trồng đào với tổng diện tích hơn 5 ha. Đây là nghề đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương nên lãnh đạo xã luôn vận động, khuyến khích bà con giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.