Đường lên đỉnh Khang Su Văn (cao 3.020m), thuộc bản Pờ Xa, xã Pa Vây Sủ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) còn bạt ngàn rừng nguyên sinh. Những cánh rừng tựa như những cột chống trời đã tồn tại ở đất này cả nghìn năm nay. Lớp lớp thảm thực vật cùng kết nối sinh tồn vây quanh đỉnh Khang Su Văn tạo nên màu xanh bất biến.
So với những xã vùng cao khác, Pa Vây Sủ còn giữ được rừng đầu nguồn. Tuy nhiên, hơn chục năm gần đây, thảo quả được giá, bà con cũng đã không ngần ngại vượt độ cao 2.000m, rách rừng trồng thảo quả. Nơi nào thảo quả lên là hệ sinh thái của rừng nguyên sinh bị phá vỡ. Cây nhỏ, cây to cứ bị chặt dần.
Nơi nào có lán thảo quả, nơi đó rừng bị đốn ngổn ngang.
Cây cối bị phá chỉ một phần, khi mùa thu hoạch thảo quả đến, bà con dựng lán trại để sấy thảo quả. Nguồn nguyên liệu duy nhất phục vụ cho việc này là gỗ từ rừng. Để có các mẻ thảo quả khô ráo, bà còn phải dùng đến rất nhiều củi. Nơi nào có lò sấy thảo quả, nơi đó rừng biến mất nhanh chóng.
Thảo quả lấn rừng.
Cách Khang Su Văn khoảng hơn chục cây số cũng có một vùng rừng nguyên sinh còn được lưu giữ đến ngày nay đó là khu rừng Nà Đọong thuộc xã Bản Lang, huyện Phong Thổ. Từ trung tâm xã lên đến nơi trồng thảo quả phải đi mất cả nửa ngày đường. Vậy mà người dân nơi đây cũng đang lấn rừng để trồng thảo quả. Những nương thảo quả kéo dài cả km phủ kín cả một vùng rộng lớn.
Thảo quả phải dựa vào rừng nguyên sinh mới sinh tồn được. Nhưng với tốc độ phát triển cây thảo quả ngày càng nhiều, rừng nhanh chóng bị tàn phá.
Không thể phủ nhận lợi ích từ cây thảo quả mang lại cho dân, nhưng với cách làm như hiện nay, nơi nào có thảo quả, nơi đó rừng nguyên sinh dần biến mất. Hầu hết việc trồng thảo quả là do dân tự lên phát rừng để làm. Chính quyền nơi đây vẫn chưa có động tĩnh gì để bảo vệ cánh rừng nguyên sinh nơi đây đang bị cây thảo quả thôn tính.
Ở độ cao 2.600m, người dân dựng lên các lán thảo quả để sấy thảo quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.