Có ai ngờ, "cha đẻ" của 71 giống lúa ưu việt chỉ là một ông nông dân mới học tới lớp 6 ở An Giang

Hồng Cẩm Thứ ba, ngày 13/02/2024 05:50 AM (GMT+7)
Ông Hoa Sĩ Hiền (sinh năm 1968, ở xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) được nhiều người trân quý gọi là “Nhà khoa học chân đất”. Suốt hơn 20 năm trời, ông Hiền đã mày mò nghiên cứu, lai tạo, phục tráng thành công 71 giống lúa.
Bình luận 0

"Nhà khoa học" mới học lớp 6

Ông Hiền kể, ông xuất thân trong gia đình thuần nông, gia đình nhiều đời đều trồng lúa. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ học hết lớp 6 trường làng rồi nghỉ học, phụ giúp gia đình làm ruộng, sau đó ông đi học nghề sửa đồng hồ và thợ bạc. Đến năm 1986, ông Hiền cưới vợ, được cha mẹ cho vài công đất trồng lúa. Trồng lúa một thời gian, ông rất thích công việc này và bỏ nghề sửa đồng hồ, thợ bạc: "Trồng lúa thời đó khó khăn đủ thứ, giống lúa thì hiếm, lúa lại hay bị sâu bệnh. Từ đó tôi có suy nghĩ tự nghiên cứu giống lúa để phục vụ cho việc sản xuất của mình và bà con xung quanh"- ông Hiền nhớ lại.

Năm 2000 ông được Hội Nông dân giới thiệu đi học lớp kỹ thuật trồng lúa ngắn ngày của quốc gia và chương trình chuyển giao kỹ năng lai tạo giống lúa cho nông dân… Sau đó, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp thực hiện Chương trình "Xã hội hóa giống lúa" ở tỉnh An Giang. Ông Hiền cùng 35 nông dân khác tham gia. Sau 4 tháng học trực tiếp trên đồng ruộng, ông Hiền có cơ hội tham gia nhiều lớp tập huấn về lai chọn giống lúa.

Có ai ngờ, "cha đẻ" của 71 giống lúa ưu việt chỉ là một ông nông dân mới học tới lớp 6 ở An Giang- Ảnh 1.

Ông Hiền và các sinh viên được ông hỗ trợ thực tập. Ảnh: H.C

Hiện 17 giống lúa do ông Hoa Sĩ Hiền lai tạo ra (TC1-TC17) đã được Viện Nghiên cứu ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ bảo quản trong kho lạnh. Trong đó, giống TC2 được công nhận đạt chuẩn và được đưa vào ngân hàng giống quốc gia.

Với tính cần cù, chịu khó của con nhà nông và tính tỉ mỉ, kiên trì của anh thợ sửa đồng đồ, thợ bạc, sau 4 tháng ở "thao trường" lai tạo lúa giống, ông Hiền đã lai tạo thành công 5 giống lúa, được Trung tâm Khuyến nông An Giang đặt tên TC1, TC2, TC3, TC4, TC5 (TC là viết tắt Tân Châu). Cả 5 giống lúa này có ưu điểm khả năng chống rầy nâu, đạo ôn mà không cần dùng nhiều thuốc BVTV; cho gạo mềm ngon, năng suất cao. Những năm đó, ông Hiền nhận được nhiều bằng khen, từ cấp tỉnh đến Trung ương.

Sau thành công từ 5 "đứa con" đầu đời, ông Hiền quyết để lại 18 công đất ruộng cho vợ canh tác để nuôi 3 đứa con ăn học. Còn ông giữ lại 4 công đất ruộng cùng căn nhà khoảng 16m2 - mà ông gọi vui là "Viện nghiên cứu lúa" để tập trung cho công cuộc nghiên cứu, lai tạo và phục tráng giống lúa. Từ đây, ông tiếp tục cho ra đời các giống lúa từ TC6 đến TC30. Từ giống lúa thứ 31 đến nay là giống thứ 71, ông đổi tên, tự đặt từ hai chữ cái đầu tên mình là SH31 đến SH63.

Những giống lúa ưu việt

Có ai ngờ, "cha đẻ" của 71 giống lúa ưu việt chỉ là một ông nông dân mới học tới lớp 6 ở An Giang- Ảnh 2.

Cánh đồng lúa 4.000m2, với hơn 40 giống lúa của ông Hiền. Ảnh: H.C

Trong 71 giống lúa ông Hiền nghiên cứu, lai tạo và phục tráng, các giống lúa được đánh giá cao là giống TC1, TC2, TC5 (kháng rầy, cơm mềm, năng suất cao); giống TC7, được mọi người gọi là giống lúa "ngoại hạng" vì khả năng chịu mặn từ 5-7 phần ngàn; giống TC29, SH31, SH58 và đặc biệt 2 giống SH62, SH63 là 2 giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được ông kỳ vọng sẽ trở thành giống lúa tiêu chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên nếu nói về giống lúa mà ông tự hào nhất thì đó là giống lúa TC7. Ông Hiền nhớ lại, khoảng năm 2009, ông nghe đài báo nói bà con ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang khổ sở vì lúa bị nhiễm mặn, chết. Không suy nghĩ, ông tức tốc lên đường, lội ra đồng, chứng kiến cảnh bà con khóc trên đồng ruộng, đòi bỏ xứ đi… Trở về, ông Hiền mất ăn mất ngủ, trăn trở nhiều đêm liền và quyết tâm lai tạo cho được giống lúa chịu mặn để "cứu" bà con.

Mặc cho ngày đêm, lễ Tết hay những ngày cái nắng như đổ lửa, ông lang thang trên những cánh đồng, tìm những bụi lúa tốt nhất còn sót lại sau trận nước mặn xâm nhập, mang về thử nghiệm. Nhưng khổ nỗi vùng đất Tân Châu quanh năm nước ngọt, lấy đâu ra nước mặn trồng lúa thử nghiệm? Nghe tin mấy người trong xóm đi biển Phú Quốc (Kiên Giang), ông Hiền nhờ họ lấy nước biển về, được 4 lít.

Thử nghiệm vài lần hết sạch nước biển, ông nảy ý tưởng ra chợ mua muối về tạo nước mặn. "Thời đó làm gì có dụng cụ đo độ mặn, tôi đo bằng cách nếm bằng lưỡi. Khi ruộng còn nước chỉ cần lấy nước cho vào miệng là tôi biết được độ mặn bao nhiêu. Nhưng khi lúa chín, ruộng hết nước cũng như việc xác định đất đó có độ mặn bao nhiêu, cây lúa sống được thì tôi phải lấy đất cho vào miệng nhai thử. Với cách bất đắc dĩ này tôi biết được độ mặn bao nhiêu để tính toán cho vụ sau. Cứ thế, giống lúa TC7 ra đời và chịu mặn được từ 5-7 phần ngàn"- ông Sĩ Hiền kể.

Tháng 1/2019, Cục Trồng trọt công nhận giống lúa TC7 và cho sản xuất thử ở ĐBSCL. Đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2019- 2020, nhiều nông dân ở tận Cà Mau, Kiên Giang gọi điện báo tin lúa khỏe, trúng mùa, không chết vì nước mặn nữa.

Suốt 20 năm mày mò nghiên cứu được 71 giống lúa nhưng ông Hoa Sĩ Hiền chưa từng bán cho ai, bà con nông dân xa gần ai cần giống là ông tặng mang về trồng. Tiền để ông đầu tư nghiên cứu, lai tạo là từ các giải thưởng ông có được. "Tôi luôn cảm thấy có lỗi với vợ con. Hơn 20 năm qua, trên mảnh ruộng 4.000m2 này, tôi chưa hề mang về đồng nào cho vợ con. Một mình vợ tôi với 18 công đất ruộng, tần tảo mua bán thêm để thay tôi nuôi 3 đứa con ăn học thành tài"- ông Hoa Sĩ Hiền nói.

Ông Hiền kể, cách đây khoảng 10 năm, có ít nhất 2 công ty nông nghiệp lớn đến mời ông về làm cố vấn kỹ thuật, chuyên lai tạo giống lúa với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng, nhưng ông không nhận lời. Vì ông không muốn những đứa con tinh thần của mình bị tư nhân hóa, mua bán theo cơ chế thị trường... Hay thời gian gần đây có nhiều công ty lại đặt vấn đề mua một số giống lúa của ông với giá vài trăm triệu đồng/giống, nhưng ông vẫn không chuyển nhượng.

Hiện ông đang cung cấp giống sản xuất thử trên khoảng 1.000 công đất gồm các giống lúa TC29, SH31, SH58 và sắp tới là thử trồng nghiệm giống TC7. Đặc biệt, với 2 giống lúa "con cưng" SH62 và SH6, ông kỳ vọng lập nên thương hiệu gạo Việt Nam: "Tổ chức, cá nhân nào muốn xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam thì tôi sẽ nhượng cho 2 giống lúa này, còn không thì tôi sẽ hiến tặng cho Nhà nước".

TS Huỳnh Quang Tín (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ), đánh giá: "Ông Hoa Sĩ Hiền có thực tài thiên phú và một niềm đam mê cháy bỏng với lai tạo giống lúa". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem