Người Mông ở Lào Cai dựng cây nêu, gọi mọi người chuẩn bị vào hội Gầu Tào

Mùa Xuân Thứ hai, ngày 12/02/2024 14:44 PM (GMT+7)
Trong Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông ở Lào Cai, cây nêu được coi như là ''linh hồn'' của lễ hội, cây nêu dựng lên ở đâu báo hiệu lễ hội sắp diễn ra ở đó.
Bình luận 0
Người Mông ở Lào Cai dựng cây nêu, gọi mọi người chuẩn bị vào hội Gầu Tào- Ảnh 1.

Thắp hương cho cây nêu được chọn cho Lễ hội. Ảnh: Mỹ Anh.

Vừa qua, tại xã Pha Long huyện Mường Khương (Lào Cai), vào giờ Thìn, ngày Thìn, UBND xã Pha Long đã tiến hành việc dựng cây nêu để chuẩn bị cho lễ hội Gầu Tào ở khu vực Pha Long.

Ông Giàng Sín Lìn, thôn Pao Pao Chải, là một trong những chủ tế chính của lễ hội Gầu Tào năm nay chia sẻ: "Cây nêu có vai trò rất quan trọng trong lễ hội Gầu Tào, chứa đựng bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Mông. Cây nêu dựng lên nhưng một thông báo cho mọi người biết năm đấy lễ hội diễn ra ở đó. Mọi người nhìn thấy cây nêu được dựng sẽ háo hức, chuẩn bị tập luyện các tiết mục biểu diễn trong lễ hội hay sắm sửa những bộ trang phục đi chơi lễ hội".

Người Mông ở Lào Cai dựng cây nêu, gọi mọi người chuẩn bị vào hội Gầu Tào- Ảnh 2.

Dựng cây nêu tại lễ hội Gầu Tào. Ảnh: Mỹ Anh.

Theo ông Lìn, để chọn được ngày, giờ dựng cây nêu tại lễ hội thì trước đó các ông bà chủ tế và UBND xã Pha Long đã họp và thống nhất, trước Tết khoảng 1 tuần, chủ lễ và những người giúp việc tiến hành chặt tre để dựng cây nêu. Cây che được chọn phải là cây thẳng, đều dóng, không sâu bệnh, không cụt ngọn, không ra hoa, ngọn cây phải hướng về phía mặt trời mọc.

Trước khi chặt cây nêu, chủ lễ thắp 1 bó hương, đặt 1 sấp tiền mã ở gốc cây tre rồi xoè ô che đầu đi vòng quanh cây nêu ngược chiều kim đồng hồ (những người khác đi theo chủ lễ thành một vòng tròn). Chủ lễ vừa đi vừa hát bài hát chặt cây nêu. 

Cứ được một vòng chủ lễ lại vung dao chém nhẹ vào gốc cây một nhát làm lý. Hát hết bài, người ta chặt cây tre sao cho cây tre phải đổ về phía mặt trời mọc và không để cho cây tre đổ hẳn xuống đất nên sẽ phải có vài thanh niên đỡ cây tre lên vai. Người ta tỉa cành tre sao cho chỉ còn lại một thân tre nhẵn nhụi, trơn tru.

Người Mông ở Lào Cai dựng cây nêu, gọi mọi người chuẩn bị vào hội Gầu Tào- Ảnh 3.

Đón xuân Giáp Thìn năm 2024, UBND huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai tổ chức lễ hội Gầu Tào tại xã vùng biên Pha Long. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Mông Lào Cai. Ảnh: Mỹ Anh.

Trên ngọn tre, người ta để nguyên cành lá không tỉa. Cây tre được vác từ nơi chặt ra thẳng bãi hội (nơi tổ chức lễ hội). Khi vác tre phải vác đằng gốc đi trước, đằng ngọn đi sau. Dẫn đầu đoàn vác tre là chủ lễ xoè ô che đầu hát bài vác cây nêu (cứ dìn sê). Đoàn đi một mạch đến bãi hội, không nghỉ dọc đường.

Đến bãi hội người ta dựng câu nêu. Ông chủ lễ buộc lên ngọn cây nêu một dải vải lanh màu đen và một dải vải lanh màu đỏ, một bầu rượu, ba bông lúa nếp và một túm cây dương sỉ, dựng cây nêu ngọn cây phải quay về hướng mặt trời mọc. 

Mảnh vải lanh treo ở cây nêu trong lễ hội trở thành biểu tượng với nhiều tầng ý nghĩa; đó là dấu hiệu mời tổ tiên về dự hội chung vui cùng con cháu. Lễ cúng bên cây nêu được diễn ra ngay buổi sáng hôm đó. Lễ vật có 1 đôi gà, 1 chai rượu, xôi, hoa quả. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng cây nêu tổ chức lễ hội Gầu Tào tạ ơn như lời hứa rồi mọi người cùng hưởng lễ dưới chân cây nêu.   

Người Mông ở Lào Cai dựng cây nêu, gọi mọi người chuẩn bị vào hội Gầu Tào- Ảnh 4.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội Gầu Tào tại xã Pha Long, huyện Mường Khương cơ bản đã hoàn tất. Ảnh: Mỹ Anh.

Lễ hội Gầu Tào huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là hoạt động văn hoá quan trọng nhằm bảo tồn, phục hồi giá trị văn hoá của dân tộc Mông. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh con người Mường Khương đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, phát triển; đồng thời góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong huyện giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Lễ hội Gầu Tào năm 2024 sẽ được UBND huyện Mường Khương (Lào Cai) tổ chức tại thôn Pha Long 2, xã Pha Long trong thời gian 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15/02/2024 (từ ngày 4 đến ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12 năm 2012), loại hình Lễ hội truyền thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem