“Cò” cá tra ăn chặn nông dân

Thứ năm, ngày 15/03/2012 11:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Do nông dân khó trực tiếp làm việc với doanh nghiệp đã tạo cơ hội để đội ngũ “cò” chen vào giữa. Thôi thì đủ loại "cò", từ “cò” bán cá, “cò giá”, “cò” thu tiền, thậm chí cả “cò” vay nợ…
Bình luận 0

Một nhóm chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) vừa công bố nghiên cứu mới nhất về tình trạng “cò” cá tra. Theo đó, đội ngũ “cò” này chuyên ăn chặn tiền bán cá của dân, khiến lợi nhuận của người nuôi cá co hẹp.

Lợi nhuận giảm vì “cò”

Ông Phùng Giang Hải- Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu chiến lược và chính sách (thuộc Ipsard), người trực tiếp nghiên cứu cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu chuỗi giá trị từ người nuôi cá đến doanh nghiệp, chúng tôi đã phát hiện được một khâu phi chính thống, đó là cò” cá tra. Trên thực tế, đội ngũ “cò” này đã xuất hiện từ lâu, nhưng lúc lên, lúc xuống, nếu tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra thuận lợi, “cò” không có đất sống, còn khi việc tiêu thụ khó khăn, là nạn “cò” lại rộ lên”.

img
Người nuôi cá tra đang mất nhiều chi phí cho các loại “cò” (ảnh minh họa).

Theo kết quả nghiên cứu tại 5 tỉnh trọng điểm nuôi cá tra ở ĐBSCL mới đây nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Ipsard, tính từ khi xuất bán cá tra cho doanh nghiệp đến khi thu được tiền, người nuôi cá tra phải chịu thêm nhiều khoản phí làm tăng giá thành cá tra lên mức 25.000-26.000 đồng/kg, trong khi lợi nhuận của người nuôi cá bị giảm, chỉ còn 2.000-2.500 đồng/kg.

Lý do để cho “cò” cá tra phát triển mạnh trong thời điểm này, theo ông Phùng Giang Hải là do nông dân khó trực tiếp làm việc với doanh nghiệp và đây là một điểm yếu để đội ngũ “cò” chen vào giữa. Nhìn chung, có đủ thứ “cò”, từ “cò” bán cá, “cò giá”, “cò” thu tiền, thậm chí cả “cò” vay nợ… “Tính chung, từ khi cá tra trong ao nuôi đủ điều kiện xuất bán đến khi người nuôi lấy được tiền, hộ nuôi cá phải chung tiền cho ít nhất là 4 loại “cò” với mức chi tiền trung bình từ 200-250 đồng/kg cá” - ông Hải nhận xét.

“Ăn” đủ thứ

Loại “cò” đầu tiên là “cò” dẫn, có thể là thương lái hoặc những người dân địa phương nắm được thông tin thu hoạch từ các ao/hầm nuôi để tìm mối bán cá. Tiếp đến, là “cò” mổ, có nhiệm vụ đưa những nhân viên của công ty chế biến thủy sản đến các ao/hầm nuôi để tiến hành mổ cá mẫu kiểm tra màu sắc thịt cá cũng như dư lượng kháng sinh có trong cá. Mức chi cho “cò” mổ là 100-150 đồng/kg cá. Chưa hết, sau “cò” mổ, lập tức xuất hiện đội “cò” chuyển. Đội “cò” này xuất hiện vì việc vận chuyển cá thường được doanh nghiệp ủy quyền cho bên thứ ba như chủ ghe hoặc hợp tác xã vận chuyển. Do đó, để việc vận chuyển cá từ hộ đến nhà máy chế biến được thuận lợi, hộ nuôi cá phải bồi dưỡng tiền “dầu” cho người trực tiếp với mức khoảng 50 đồng/kg cá.

“Người nuôi cá tra chịu rất nhiều thiệt thòi, vừa bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn, vừa phải cõng thêm chi phí từ “cò”, nên thay vì hưởng mức lợi nhuận sau khi trừ chi phí đầu vào (4.000-4.500 đồng/kg cá), thì hộ nuôi cá chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 1.000-2.000 đồng/kg, chưa kể những hộ gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thậm chí hộ nuôi chỉ huề vốn hoặc thua lỗ”.

Theo tìm hiểu của nhóm chuyên gia, đối với các hộ nuôi cá, thường họ chỉ được doanh nghiệp thanh toán trước 20-25% tổng giá trị hợp đồng bán cá. Để rút ngắn thời gian thu tiền trong quá trình thanh toán, hộ nuôi phải chung tiền cho nhân viên phòng kế toán của công ty, hoặc nhờ người quen biết doanh nghiệp giải quyết nhanh để sớm nhận được tiền với mức chi 50 đồng/kg, loại “cò” này được gọi là “cò” trả. Theo ông Hải: “Đôi khi “cò” xuất hiện là do chính mạng lưới nhân viên của các doanh nghiệp. Thường chủ doanh nghiệp không thể trực tiếp đi thu mua cá, mà giao cho các nhân viên đi tìm mối thu mua, nhưng để thu mồi, các nhân viên này “đi đêm” với “cò” để ăn chia lợi nhuận từ việc mua, bán cá”.

Cũng theo ông Hải, tuy mức chi cho “cò” không lớn, nhưng nếu tính cả 4 loại “cò” trên lại, tính từ khi hộ nuôi cá tra bán cá đến khi hộ thu được tiền, hộ nuôi phải chi ít nhất 200 đồng/kg cá cho “cò”. Với quy mô trung bình 200 tấn cá, hộ nuôi phải chịu thêm chi phí cho “cò” từ 40 - 50 triệu đồng/vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem