Ngày 15.8, Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông). Sau 5 năm thực hiện nghị quyết này, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu như: Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể...
Về những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong 5 năm qua, phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội.
Thu nhập của người dân xã Thụy Phương, huyện Chương Mỹ được cải thiện đáng kể sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26.
Ông Cương cho biết: Dù sản xuất nông nghiệp của Hà Nội những năm qua gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế... nhưng vẫn có bước phát triển; nông thôn nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện. Tổng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản năm 2012 đạt 8.727 tỷ đồng (giá cố định), tăng 1,8 lần so với năm 2008 và đạt 37.181 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 84,6% so với năm 2008. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu năm 2008, trồng trọt chiếm 51,61%; chăn nuôi 46,5%; dịch vụ nông nghiệp 1,9%, thì đến năm 2012, trồng trọt chỉ còn 44,6%; chăn nuôi tăng lên 52,3%; dịch vụ nông nghiệp 3,1%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 2,75%. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2012 đạt 199,2 triệu đồng/ha...
Trong xây dựng NTM, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu, có nhiều cách làm hay. Ông có thể cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 và 3 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, bộ mặt nông thôn Hà Nội đã có những thay đổi như thế nào?- Đến nay TP.Hà Nội đã có 19 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí (thời điểm tháng 7.2013); 95 xã đạt và cơ bản đạt 14- 18 tiêu chí; 158 xã đạt và cơ bản đạt 10- 13 tiêu chí; 113 xã đạt và cơ bản đạt 5- 9 tiêu chí; 16 xã đạt và cơ bản đạt dưới 5 tiêu chí. Dự kiến, đến hết năm nay có 48 xã đạt tiêu chí NTM. Chúng tôi đang đột phá vào công tác dồn điền đổi thửa. Toàn thành phố đã thực hiện được 35.178ha, bằng 45,3% tổng diện tích có khả năng dồn điền đổi thửa và 18,7% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 8,2 triệu đồng/người/năm thời điểm năm 2008 lên 21,36 triệu đồng/người?thời điểm 2012 (đến tháng 6.2013 ước đạt 23,712 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,5%, đến nay khu vực nông thôn còn 5,1% hộ nghèo...
Công cuộc xây dựng NTM ở thủ đô cũng vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Những tồn tại đó sẽ được khắc phục ra sao?- Việc bố trí nguồn lực cho 401 xã trên địa bàn thành phố cũng là một thách thức trong bối cảnh huy động vốn tại chỗ ở các xã (chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất) hầu như giẫm chân tại chỗ vì thị trường bất động sản “đóng băng”. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM ở một số cơ sở còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm dẫn đến ỷ lại, trông chờ cấp trên; trình độ cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu...
Để khắc phục những hạn chế trên, chúng tôi đã chỉ đạo các xã, huyện tập trung vào việc hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM không cần tiền hoặc cần ít tiền như sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn minh trong tiệc cưới, cải tạo vườn, khôi phục văn hóa truyền thống, vệ sinh môi trường ở địa phương... Đặc biệt, chúng tôi cũng kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, vừa giải quyết việc làm cho lao động vừa tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Hữu Thông (thực hiện) (Hữu Thông (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.