Cô dâu được rước bằng... xe tăng

Thứ tư, ngày 26/06/2013 17:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đám cưới của Thùy - Vinh chị được tổ chức trên đảo, không bố mẹ, không anh chị em ruột thịt của cô dâu và chú rể đến dự, chỉ có chỉ huy hai đơn vị làm đại diện hai bên. Đơn vị chồng chị còn dùng hẳn xe tăng… để đón cô dâu.
Bình luận 0

Chị thuộc lớp thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên đặt chân lên đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), và đã ghi dấu ấn đặc biệt ở huyện đảo này... Chị là Đinh Thị Thùy.

Ra đảo để thoát nghèo

Chị Thùy sinh năm 1969, quê ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Là chị cả trong một gia đình có 6 anh chị em, bố là công nhân, mẹ là giáo viên cấp 1, nhà không có ruộng nương nên mọi khoản chi trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của bố mẹ và bao cấp của nhà nước.

Năm 1987, khi các chị em trong nhà đang tuổi ăn tuổi lớn, cần biết bao sự nuôi nấng và dạy dỗ của cha mẹ thì một nỗi đau đã ập xuống, bố chị qua đời khi ông mới tuổi 42. Thời điểm bố mất cũng đúng vào giai đoạn xóa bỏ chế độ bao cấp nên mẹ con chị đã mất đi chỗ dựa lớn nhất lại càng lâm vào cảnh khó khăn, túng bấn. Một mình mẹ chị gánh vác nuôi 6 đứa con thơ, thiếu gạo nên có ngày cả 7 mẹ con chỉ ăn một bữa cơm cho qua ngày. Hàng ngày, Chị Thùy đi mò cua bắt ốc về nấu ăn trừ bữa cho các em. Lúc nào chị cũng mang trong mình mặc cảm con nhà nghèo nên chị quyết phải thoát nghèo để nuôi các em ăn học bằng người.

img
Chị Thùy (phải) chia sẻ về đám cưới của mình.

Dù đỗ Đại học Sư phạm Hải Phòng nhưng chị Thùy đành phải gác lại việc học vì không có tiền và chị phải giúp mẹ nuôi các em. Mọi công việc lớn nhỏ, kể cả công việc của một người đàn ông như sửa chữa nhà cửa, chặt củi…, chị đều thay cha giúp mẹ và chẳng ngại việc gì, từ làm công nhân đến thợ phụ xây... Đã có lần chị suýt bị bán đi Trung Quốc vì nghe lời người ta rủ đi bán hàng ở Quảng Ninh để kiếm tiền nuôi các em giúp mẹ. Lần đó, may mắn chị nhận ra mình bị lừa nên bỏ hết túi đồ ở nhà trọ chạy theo người bán hàng rong lần đường đến Công an Bãi Cháy xin cứu giúp.

Đúng ngày thành lập Đoàn 26.3 năm 1993, chị tham gia đoàn TNXP đầu tiên ra xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ. Như bao TNXP khác, chị hào hứng và khí thế lắm, dù chưa biết đảo là thế nào, cuộc sống và công việc ở đó ra sao... Chị chỉ biết một điều là sẽ được đến một chân trời mới để có cơ hội thoát nghèo,và để có cơ hội nuôi các em ăn học.

Tình yêu trên đảo

Những ngày đầu chị Thùy và các đồng đội đến Bạch Long Vĩ còn rất hoang sơ, đường xá đi lại chỉ là lối mòn, hố bom thì nhiều, không có một bóng dân chỉ có bộ đội và TNXP. Trên đảo không điện, không nước ngọt, rau xanh cũng không… Hàng ngày chị nhịn từng bữa ăn sáng để tiết kiệm tiền gửi cho mẹ.

Vốn làm thợ phụ xây đã thành thạo từ ở quê nhà nên chị Thùy chuyên nhận xách vữa, chở vật liệu, trộn bê tông đổ mái như cánh đàn ông. Sau chị được giao làm thủ quỹ, quản lý bếp ăn và thủ kho. Tất cả công việc chị đều hoàn thành nên mọi mặc cảm ban đầu về TNXP ra đảo dần bị xóa bỏ, bởi lúc đó người ta cứ nghĩ nữ TNXP phải “người như thế nào” mới ra đảo này...

Cũng trong chính những ngày gian nan ấy, chị Thùy đã tìm thấy hạnh phúc riêng của mình. Chị gặp anh Tạ Quang Vinh (giờ là Chủ nhiệm kho 703)... Chỉ huy Trung đoàn 952 và Đoàn TNXP đã vun vén cho chị Thùy (24 tuổi) và đại úy Tạ Quang Vinh.

Do mặc cảm về cái nghèo nên chị sống lúc nào cũng khép mình, không dám đón nhận tình cảm của ai. Nhưng không biết sao lần ấy chị lại tự mở cho mình một cơ hội. Chị kể, lúc đó chị hỏi đùa anh Vinh rằng trên vai chị còn gánh nặng gia đình và các em rất lớn, liệu anh có chấp nhận gánh vác cùng không, và anh đã gật đầu không suy nghĩ.

Tôi cảm ơn những ngày tháng khó khăn, đặc biệt là những ngày trên huyện đảo Bạch Long Vĩ đã tôi luyện và giúp tôi có nghị lực vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống”.

Đám cưới của Thùy - Vinh chị được tổ chức trên đảo, không bố mẹ, không anh chị em ruột thịt của cô dâu và chú rể đến dự, chỉ có chỉ huy hai đơn vị làm đại diện hai bên. Đơn vị chồng chị còn dùng hẳn xe tăng… để đón cô dâu. Và niềm vui của 2 vợ chồng cũng như của cả đảo là đứa trẻ đầu tiên đã cất tiếng khóc chào đời trên đảo.

Cuộc sống gia đình trên đảo thực sự khó khăn. Số tiền lương ít ỏi vợ chồng chị phải tiết kiệm từng tí để gửi về giúp bố mẹ ở quê, tiền cho các em chị đi học đại học, tiền sinh hoạt hàng ngày và nuôi con.

Tuy khó khăn vất vả là vậy nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ lúc nào cũng dâng tràn. Chị Thùy được bầu làm Bí thư huyện Đoàn đầu tiên và Chủ tịch Hội Phụ nữ đầu tiên của đảo Bạch Long Vĩ cũng như là nữ cán bộ dân sự được kết nạp Đảng đầu tiên ở đảo này.

Năm 1998, ở tuổi 31, chị thùy đi học lớp nữ hộ sinh trường Trung cấp Y Hải Phòng. Đã bị lỡ dở 2 lần đi học sư phạm, nên chị lao vào học ngày học đêm như để thỏa những khát khao của mình.

Sau 8 năm sống ở Bạch Long Vĩ, năm 2001, học xong và trở về quê hương Tiên Lãng. Và từ năm 2005 đến nay, chị nhận công tác tại Kho 703 phụ trách quân y. Giờ cuộc sống của vợ chồng chị sung túc hơn, và chị cũng đã nuôi các em mình học hết đại học rồi thành đạt như mong ước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem