Như Dân Việt đã thông tin, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) đã gửi văn bản đến Bộ GTVT để xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO.
Phương án kinh doanh được Vietnam Airlines và đối tác hướng đến là khai thác 5 tàu bay ATR72 với giờ bay trung bình 187 giờ/tháng/1 tàu bay. Doanh nghiệp được thành lập giữa hãng hàng không quốc gia với ngân hàng sẽ tiếp tục duy trình khai thác bằng ATR72 đi/đến sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp (Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang).
Đáng lưu ý, đánh giá về hiệu quả kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2018, người phụ trách chung nhóm người đại diện quản lý phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines cho biết, hãng hàng không cổ phần kể trên dự kiến sẽ đạt hiệu quả hoạt động 1,94 tỉ đồng.
Ngoài hoạt động kinh doanh vận tải hành khách thường lệ, Vietnam Airlines và đối tác dự kiến sẽ khai thác hoạt động bay thuê chuyến bằng ATR72, cung cấp dịch vụ cho tàu bay cỡ nhỏ, tăng doanh thu bổ trợ thông qua quảng cáo, bán quà lưu niệm, ...
Trong đó, hiệu quả bay vận tải thường lệ đều đạt con số âm trong cả giai đoạn dù số lượng hành khách vận chuyển ước tính đạt khoảng 1,7 triệu lượt khách. Cụ thể, 9 tháng năm 2016 âm 7 triệu đồng, năm 2017 âm 9 triệu đồng và năm 2018 âm 11 triệu đồng.
Còn các giải pháp tăng hiệu quả hoạt động sẽ đem lại hiệu quả 103 triệu đồng trong những tháng cuối năm 2016, 592 triệu đồng năm 2017 và 1,25 tỉ đồng trong năm 2018. Tính trong cả ba năm hiệu quả hoạt động của công ty hàng không nêu trên chỉ đạt 1,94 tỉ đồng.
Trong khi đó, thông tin trên trang chủ của VASCO tại địa chỉ www.vasco.com.vn cho biết giai đoạn 2010 - 2014 đơn vị này có tổng doanh thu 1.510 tỉ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 19,2%/năm; lợi nhuận đạt 123,5 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 137 tỉ đồng. Cũng trong giai đoạn trên, VASCO đã vận chuyển 1,2 triệu lượt khách, đạt mức tăng trưởng bình quân 11,6%/năm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Xét về chiến lược kinh doanh, không ngạc nhiên khi doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi rất thấp trong một hai năm đầu, thậm chí còn có chiến lược lỗ ban đầu để cạnh tranh, xác lập vị thế. Vấn đề là cần xem xét đến cơ cấu tổ chức của hãng hàng không mới nếu lập ra như thế nào, có đúng luật và đảm bảo độ bền vững”.
Dù chỉ hai công ty con thuộc Techcombank đổ vốn vào đây, nhưng theo ông Phong, cần xem xét khía cạnh chức năng huy động vốn và chức năng đầu tư của các đơn vị này đã được tách bạch chưa. Bởi về mặt an toàn vốn, ngân hàng phải tách chức năng đầu tư ra khỏi hoạt động truyền thống của mình là huy động vốn và cho vay vốn.
Theo đề án gửi Bộ GTVT, Vietnam Airlines và Techcombank thống nhất thành lập hãng hàng không khai thác vận chuyển nội địa trên cơ sở tái cơ cấu lại VASCO, quy mô đội bay dưới 10 tàu với vốn điều lệ tối thiểu là 300 tỉ đồng.
Trong đó, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) 48% vốn điều lệ và Công ty CP phát triển dự án Techcomdeveloper góp 1% vốn điều lệ.
Vietnam Airlines cho biết sẽ góp vốn bằng các tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác; góp vốn bằng các phụ tùng vật tư ATR72 phù hợp với 5 tàu bay ATR72-500 và 3 động cơ dự phòng ATR72.
Giá trị tài sản vốn góp sẽ được xác định trên cơ sở kết quả thẩm định giá các tài sản nêu trên của Công ty CP định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam. Với mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty mới là 300 tỉ đồng, thì số vốn tối thiểu Vietnam Airlines phải góp là 153 tỉ đồng. Với hai cổ đông còn lại, số vốn góp bổ sung bằng tiền tối thiểu là 147 tỉ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.