Cô gái Việt khiếm thị chinh phục thành công tấm bằng Thạc sỹ danh giá tại Úc

Hương Đồng Thứ hai, ngày 27/02/2023 07:00 AM (GMT+7)
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Yến Anh (SN 1992) đã vượt qua mọi khó khăn để chinh phục thành công tấm bằng Thạc sỹ danh giá tại Úc.
Bình luận 0

Quá khứ không may mắn của cô gái khiếm thị

Nguyễn Thị Yến Anh, SN 1992, chị cả trong gia đình nghèo có 3 chị em ở ngôi nhà số 96 đường Lê Văn Hưu, P.Thuận Thành, TP.Huế (TT.Huế). Bố mẹ Yến Anh là ông Hùng, bà Ân đã vô cùng hạnh phúc khi con gái đầu lòng  Yến Anh cất tiếng khóc chào đời.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi phát hiện đôi mắt của con không bình thường, bố mẹ Yến Anh bồng bế con đi khắp các bệnh viện từ tuyến huyện đến trung ương để cứu chữa nhưng đều vô vọng. Bác sĩ kết luận đôi mắt Yến Anh bị nhãn cầu teo, tia sáng mong manh.

Chuyện “cổ tích” cô gái khiếm thị vượt qua mặc cảm bản thân, chinh phục thành công tấm bằng thạc sĩ tại nước Úc - Ảnh 1.

Yến Anh (cô gái khiếm thị đeo kính đen) đã vượt qua số phận bước lên bục nhận tấm bằng Đại học loại giỏi. Ảnh: PV

Chứng kiến cảnh các bạn cùng trang lứa tung tăng đến trường, con gái lại thui thủi một mình trong nhà, ông Hùng, bà Ân không cầm được nước mắt. Hai vợ chồng quyết định đưa con đến học tập và sinh hoạt tại Trung tâm giáo dục hướng nghiệp trẻ em mù thuộc Hội người mù Thừa Thiên Huế khi Yến Anh vừa tròn 5 tuổi.

Những ngày đầu xa vòng tay bố mẹ, Yến Anh khóc rất nhiều. Nhưng được sự quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo của các thầy, cô, Yến Anh sớm hòa nhập, tìm được khoảng trời tuổi thơ của mình.

Sống, học tập ở môi trường mới, dù đôi mắt không nhìn thấy, nhưng cuộc sống của Yến Anh bắt đầu có bình minh hé rạng.

Chuyện “cổ tích” cô gái khiếm thị vượt qua mặc cảm bản thân, chinh phục thành công tấm bằng thạc sĩ tại nước Úc - Ảnh 2.

Mặc dù khiếm thị, nhưng Yến Anh vẫn không gục ngã, quyết tâm chiến thắng bản thân. Ảnh: PV

Yến Anh nhớ lại những ngày đầu bước chân vào Trung tâm: "Rời xa vòng tay thân thương của bố mẹ để đến Trung tâm sống, học tập, em buồn chán. Nhưng nỗi nhớ bố mẹ vơi dần, các bạn cùng cảnh ngộ vui vẻ, hoà đồng, yêu thương nhau.

Trung tâm như là ngôi nhà thứ hai, thầy cô giáo, anh chị em, các bạn như người thân trong gia đình. Chính mái ấm này, là nguồn ánh sáng mới, mang đến cho em niềm tin, giúp em đứng lên mạnh mẽ".

Tại Trung tâm, Yến Anh được học chữ, học đàn, học hát... Đặc biệt, Yến Anh, có giọng ca trong trẻo, vút cao trong những lần diễn văn nghệ dành cho người khuyết tật để lại bao tình cảm đẹp đối với người nghe.

Từ năm học lớp 4, Yến Anh được đến học hòa nhập với các bạn sáng mắt tại trường tiểu học Trường An (TP. Huế). Rồi em tiếp tục học cấp 2 ở trường THCS Hùng Vương, cấp 3 trường THPT Hai Bà Trưng – Huế.

Đây là quãng thời gian có nhiều thay đổi trong cuộc sống của Yến Anh. Một mặt, cô bé luôn cảm thấy vui vì được học chung với các bạn bình thường, những mặt khác không tránh khỏi nỗi lo khi phải đối mặt với bao gian nan, trở ngại của một người khiếm thị. 

Chuyện “cổ tích” cô gái khiếm thị vượt qua mặc cảm bản thân, chinh phục thành công tấm bằng thạc sĩ tại nước Úc - Ảnh 3.

Yến Anh được học với các bạn bình thường vừa là trở ngại khó khăn nhưng là động lực để viết tiếp cuộc đời. Ảnh: PV

Cô học trò đặc biệt này luôn phải vất vả hơn các bạn cùng lớp khi vừa nghe thầy cô giảng bài, vừa viết bằng chữ nổi lên giấy, lên bìa cứng, có khi mười đầu ngón tay đau nhức.

Trong khi những học sinh bình thường nhìn lên bảng đen, phấn trắng, quan sát từng cử chỉ, nét mặt thầy cô khi giảng bài, rồi đọc và ghi chép… thì với Yến Anh phải nhờ vào đôi tai tinh nhạy, đôi bàn tay nhanh như thoi đưa, đều đặn từng dòng chữ nổi để kịp ghi lại lời thầy giảng.

Không chỉ trong học tập, cả trong những giờ sinh hoạt, văn nghệ, Yến Anh chưa bao giờ nản chí. Cô nữ sinh đặc biệt này còn biết chơi đàn tranh, đàn mandolin, hát ca Huế, đánh organ, và từng đạt giải nhì đơn ca Tiếng hát học sinh cấp trường khi học lớp 8.

Ước mơ du học lớn dần để chinh phục tri thức thế giới là động lực thôi thúc Yến Anh vượt qua tất cả. Nhưng để có suất học bổng, ngoài các môn văn hoá đạt loại giỏi, tiếng Anh phải "đọc thông viết thạo". Bắt đầu từ đây, giờ ra chơi hay cuối buổi học, Yến Anh nhờ bạn đọc lại kiến thức trong sách và trên bảng để viết lại bằng chữ nổi. Thành quả của sự miệt mài, kiên nhẫn đã giúp em vượt qua được những trở ngại trong các môn học nói chung và tiếng Anh nói riêng.

Chuyện “cổ tích” cô gái khiếm thị vượt qua mặc cảm bản thân, chinh phục thành công tấm bằng thạc sĩ tại nước Úc - Ảnh 4.

Yến Anh được bạn bè nhận xét là người luôn lạc quan, yêu đời . Ảnh: PV

Yến Anh chia sẻ: "Em yêu thích tiếng Anh ngay từ những lần có các cô chú người nước ngoài đến giao lưu với trẻ khiếm thị ở Trung tâm. Tài liệu học bằng chữ Braille không có, máy vi tính cũng không nên việc học rất khó khăn. Hằng ngày, em phải nhờ các thầy cô ở Trung tâm đọc tài liệu từ sách giáo khoa để viết ra chữ nổi mà học".

Cô gái khiếm thị đã trở thành tấm gương trong học tập và vượt lên số phận 

Trúng tuyển vào Khoa Đông Phương học - Đại học khoa học - Đại học Huế, Yến Anh xin phép trung tâm (ngôi nhà thứ hai) của mình về ở ký túc xá Đại học để thuận lợi cho việc đi lại, học hành. Với sự chân thành, giản dị, hòa mình vào các hoạt động tập thể, suốt 4 năm học, Yến Anh luôn nhận được sự quan tâm của nhà trường, các thầy cô và bạn bè cùng lớp, cùng phòng cư xá…

Chuyện “cổ tích” cô gái khiếm thị vượt qua mặc cảm bản thân, chinh phục thành công tấm bằng thạc sĩ tại nước Úc - Ảnh 5.

Yến Anh có cơ hội được tiếp cận, giao lưu với các bạn sinh viên nước ngoài. Ảnh: PV

Trong thời gian học đại học, vừa theo đuổi các môn trong ngành, Yến Anh vẫn dồn niềm đam mê vào việc học ngoại ngữ. Trong góc nhỏ căn phòng cư xá, tiếng gõ chữ Braille vang lên trong đêm vắng, trở thành âm thanh quen thuộc từ đôi bàn tay mềm mại của cô gái khiếm thị. Yến Anh miệt mài ôn bài, đọc tài liệu, học từ vựng và luyện nghe đọc tiếng Anh trên mạng, từ băng casset.

Chuyện “cổ tích” cô gái khiếm thị vượt qua mặc cảm bản thân, chinh phục thành công tấm bằng thạc sĩ tại nước Úc - Ảnh 6.

Với sự chân thành, giản dị, Yến Anh luôn được bạn bè yêu thương, giúp đỡ. Ảnh: PV

Năm 2014, Yến Anh đăng ký hồ sơ tham gia khóa đào tạo công nghệ thông tin cho người khiếm thị tại Malaysia và được trúng tuyển tham dự khóa đào tạo 2 tuần tại đất nước này. Đây là dự án đào tạo công nghệ thông tin cho người khiếm thị của tổ chức Teruko lkeda Nhật Bản.

Năm 2015, dù bận rộn bài vở của năm cuối Đại học, Yến Anh vẫn đăng ký tham gia cuộc thi International Braille reading and writing contest (đọc, viết tiếng Anh bằng chữ Braille). Đây là cuộc thi được tổ chức thường niên tại Thái Lan do Hội người mù Thái Lan tổ chức cho các nước Đông Á. Thật vinh dự, thí sinh Yến Anh đến từ Việt Nam xuất sắc đạt giải ba.

Năm 2015, bằng sự nỗ lực, ý chí quyết tâm không ngừng, sau 4 năm Đại học, Yến Anh ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Khát vọng được du học vẫn như ngọn lửa cháy sáng trong tim. Yến Anh dành toàn bộ thời gian cho tiếng Anh và tìm kiếm cơ hội du học.

Thật tuyệt vời, niềm vui đến với Yến Anh khi "ẵm" được học bổng Australia Awards Scholarship (AAS) – học bổng chính phủ Úc cho chương trình thạc sỹ chuyên ngành quản lý lãnh đạo trong giáo dục tại trường Đại học LA – TROBE, thành phố Melbourne, Australia.

Chuyện “cổ tích” cô gái khiếm thị vượt qua mặc cảm bản thân, chinh phục thành công tấm bằng thạc sĩ tại nước Úc - Ảnh 7.

Thành quả của Yến Anh có được ngày hôm nay, là cả mồ hôi nước mắt, chiến thắng cả chính mình. Ảnh: PV

Trước khi đi du học, cô gái đã hoàn thành chương trình tiếng Anh level 6 tại Đại học quốc tế RMIT. Sau 2 năm một mình nơi xứ người, với không ít khó khăn, ngày 18/12/2021, Yến Anh chính thức nhận tấm bằng thạc sỹ tại La Trobe University ở Úc. 

Chuyện “cổ tích” cô gái khiếm thị vượt qua mặc cảm bản thân, chinh phục thành công tấm bằng thạc sĩ tại nước Úc - Ảnh 8.

Yến Anh chính thức nhận tấm bằng thạc sĩ tại La Trobe University ở Úc, niềm vinh dự tự hào đối bố mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè. Ảnh: PV

Yến Anh cho biết: "Học bổng Australia Awards là một cơ hội tuyệt vời giúp em bồi dưỡng kiến thức, những trải nghiệm thú vị. Trở về nước, em sẽ mang những kiến thức, kỹ năng mà mình học được để chia sẻ, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh không may mắn, sớm hòa nhập xung quanh và cuộc sống trở nên ý nghĩa".

Hiện tại, Yến Anh sinh sống tại Hà Nội và là cán bộ giáo dục hoà nhập số tại UNICEF Việt Nam.

"Yến Anh là cô gái nhanh nhẹn, chịu khó, sống bản lĩnh và giàu tình cảm. Em là tấm gương về tinh thần hiếu học, về sự vươn lên trong cuộc sống".

Cuộc sống và ước vọng của Yến Anh đã minh chứng cho điều kỳ diệu rằng: "Dù bạn là ai, khi bạn có niềm tin thì bạn sẽ thực hiện được ước mơ của mình". Yến Anh vượt qua mặc cảm về bệnh tật để tỏa sáng theo cách của mình, viết nên câu chuyện "cổ tích" của những con người "tàn nhưng không phế" - Cô giáo Vũ Ty (trực tiếp đồng hành cùng em trong những năm ở Trung tâm giáo dục – hướng nghiệp trẻ em mù).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem