Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Anh Nguyễn Phương An Dy ở xã Phong Sơn (Phong Điền) vốn thích chơi cây cảnh, cứ phát hiện cây gì mới lạ thì anh mua về nhà trồng để thỏa đam mê và hướng đến kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình chơi cây cảnh, anh Dy "chỉ biết ngắm" mà không hề biết cách chăm sóc, bố trí cây trong chậu, ghép cành, cắt tỉa, tạo dáng...
Hay tin Trung tâm Hỗ trợ nông dân mở lớp dạy nghề tạo bonsai cho cây cảnh, anh Dy đăng ký tham gia. Sau khi được học nghề trồng và chăm sóc cây cảnh, anh mạnh dạn đầu tư thiết bị, dụng cụ, vật tư phục vụ nhu cầu công việc tạo dáng, thế cây cảnh. Từ vườn cây "thô" trở thành bonsai đẹp mắt, được nhiều người biết đến. Sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài địa phương, cả khách du lịch, vào dịp tết hàng năm. Thu nhập bình quân mỗi năm từ kinh doanh cây cảnh của anh Dy khoảng 150 triệu đồng.
Hộ anh Nguyễn Ngọc Bảng ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương (Phong Điền) may mắn được trung tâm nhận vào học nghề chăn nuôi, trồng trọt. Sau khi tiếp thu, nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, vợ chồng anh Bảng mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng nấm. Anh Bảng chia sẻ: "Vận dụng kiến thức, khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn phát triển sản xuất, chăn nuôi thật sự mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình có cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học".
Tại xã Giang Hải (Phú Lộc), các học viên sau khi được học nghề đã áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên gà, lợn. Nhiều nông dân đầu tư tổ chức sản xuất, kinh doanh như mua lò ấp trứng gà để bán gà giống, nuôi lợn nái phục vụ nhu cầu con giống nuôi tại địa phương… Có khoảng một nửa số hộ nông dân thay đổi cách chăn nuôi gà, lợn truyền thống sang nuôi gia trại, sử dụng đệm lót sinh học.
Một số học viên mặc dù thời gian học chỉ trong vòng ba tháng nhưng được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật đã hành nghề thú y, trở thành cán bộ thú y viên của địa phương. Chẳng hạn như anh Dũng thú y viên xã Phú Vinh (A Lưới), anh Minh thú y viên xã Vinh Mỹ, anh Tám thú y viên xã Giang Hải (Phú Lộc)…
Ông Phan Xuân Nam - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: Thời gian qua, trung tâm phối hợp các cấp Hội nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, tổ chức chiêu sinh và mở lớp đào tạo nghề ở hai cấp trình độ sơ cấp và dưới ba tháng với các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Đến nay, trung tâm tổ chức hàng trăm lớp với khoảng 5.000 người tham gia học nghề.
Thông qua các lớp dạy nghề, trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi mới, trình diễn như nuôi ếch, gà, lợn, thỏ, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để chuyển giao, nhân rộng cho nông dân. Nhiều mô hình trồng trọt mới được trung tâm triển khai như bưởi da xanh, bưởi thanh trà Huế, trồng ổi lê Đài Loan và thành lập nhiều câu lạc bộ cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng... tại cơ sở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.