Nghị lực vượt lên số phận và chuyện tình đẹp như mơ của chàng trai từng bị liệt 2 chân

Khánh Ly Thứ tư, ngày 25/01/2023 10:10 AM (GMT+7)
Ở tuổi thanh niên trai tráng đẹp nhất cuộc đời, anh Mạnh gặp tai nạn nghề nghiệp ngoài ý muốn, đôi chân được chẩn đoán không có khả năng đi lại. Cuộc sống rơi vào bế tắc, tương lai tưởng chừng như khép lại, kết thúc từ đó cho tới khi anh gặp được chị Ngọc - người vợ đã thay đổi cuộc đời anh...
Bình luận 0

Biến cố bất ngờ ập đến bên cạnh những ước mơ còn dang dở

Anh Nguyễn Văn Mạnh (SN 1987, trú tại huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) từng có ước mơ trở thành lái xe, phục vụ quân đội nhưng không được gia đình ủng hộ. Sau khi ra quân, anh trở về nhà và đi học nghề cơ khí với mong muốn có nghề để kiếm kế sinh nhai.

Mới đi làm được 15 ngày, khi đang dựng mái tôn khung sắt, không may, anh bị ngã, rơi từ độ cao 6m-7m xuống trong tư thế ngồi. Vụ tai nạn bất ngờ khiến anh bị xẹp 1 đốt và phù nề 4 – 5 đốt sống lưng. Lúc đó, bác sĩ cho biết, anh bị liệt cả hai chân và có thể liệt thêm cả 2 tay.

“Đó thực sự là cú sốc lớn đối với tôi và gia đình. Bố mẹ lo nghĩ, chạy chữa cho tôi mà bỏ hết công việc. Ở tuổi 21, tôi mơ hồ và bất lực khi nghĩ về tương lai của bản thân, chưa kịp cống hiến và báo hiếu cho bố mẹ đã nằm liệt một chỗ. Có ai chỉ viện nào có khả năng chữa trị và phục hồi, gia đình lại chuyển tôi qua đó”, anh Mạnh chia sẻ.

Nghị lực vượt lên số phận và chuyện tình đẹp như mơ của chàng trai từng bị liệt 2 chân - Ảnh 1.

Hiện tại, khi sóng gió qua đi, anh Mạnh chị Ngọc gói gọn cuộc sống trong hai từ “viên mãn”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau khi chuyển nhiều bệnh viện, Bệnh viện Việt Đức trả kết luận anh Mạnh không thể mổ do đốt số 7 nguy hiểm, khả năng cao đôi tay đang tê có thể bị liệt. Các bác sĩ khuyên anh nên trở về nhà, tự tập luyện phục hồi chức năng, hy vọng vào phép màu.

Rời khỏi bệnh viện theo lời khuyên của bác sĩ, anh Mạnh đều đặn thực hiện phục hồi chức năng bằng phương pháp châm cứu. Sau hai tuần đầu tiên, ngón chân bắt đầu cử động. Hết tuần tập thứ 3, cả bàn chân anh cử động được. Sang tuần tiếp theo được thêm bàn chân còn lại. Anh Mạnh kể, lúc đó thích lắm, anh mừng và nghĩ mình vẫn có thể đi lại bình thường như trước.

Sau hơn 1 năm châm cứu, nhận thấy bệnh tình không tiến triển nhiều, mới chỉ ngồi được bằng cách chống hai tay và di chuyển bằng xe 4 chân, anh Mạnh về nhà tự tập luyện.

“Mỗi ngày, bất kể nắng mưa, buổi sáng tôi tập từ 5h-7h, chiều từ 4h-6h tối. Tôi tập từ đi bộ, dần dần tới đạp xe, ngã không biết bao nhiêu lần. Nhiều khi đang đi tập ngoài đường mà mắc đi vệ sinh, nếu không tìm được chỗ sẽ tiểu ra quần, tôi đi trong tiếng cười đùa của trẻ con hàng xóm là bình thường. Dù tủi thân nhưng tôi tự nhủ, phải cố gắng để bố mẹ, anh em trong nhà yên tâm làm việc, không phải phục vụ cho mình”, anh Mạnh kể.

Gặp gỡ “hai người con gái” định mệnh

Thời điểm 3 tháng sau cú ngã, anh Mạnh vẫn nằm viện chữa trị. Dù lạc quan nhưng bị liệt 2 chân ở tuổi ngoài đôi mươi, anh Mạnh vẫn không ít lần nản chí, bất lực, nghĩ quẩn tới cái chết. Một người em cùng quê anh Mạnh liền tâm sự với chị Trần Thị Ngọc (SN 1986) về tình trạng của anh Mạnh và ngỏ lời nhờ chị Ngọc nhắn tin, động viên anh Mạnh.

“Tôi đang nằm Viện Châm cứu Trung ương, thấy có tin nhắn. Sau mới biết là người em cùng quê cho số điện thoại. Hồi đó, một mình vợ tôi đóng giả hai chị em, dùng hai số nhắn tin cho tôi. Đến Tết 2009, Ngọc – đóng giả cô em lên chơi với tôi. Mùng 5 Tết, tôi gọi điện cho số cô chị, thấy tiếng nói quen, đầu dây bên kia là giọng Bắc. Hỏi ra mới biết là mẹ của Ngọc”, anh Mạnh cười nói.

Sau khi “vai diễn” bị lộ, trò chuyện hơn nửa năm thành quen, giữa năm 2009, anh Mạnh và chị Ngọc chính thức yêu nhau.

Nghị lực vượt lên số phận và chuyện tình đẹp như mơ của chàng trai từng bị liệt 2 chân - Ảnh 2.

Anh Mạnh với nghị lực sống mãnh liệt, kiên trì, bền bỉ tập luyện đã có thể tự đi lại, di chuyển bằng xe máy, chở vợ đi chơi, chở con đi học... Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Ngọc là thợ làm tóc ở Hà Nội. Anh Mạnh ở quê tập phục hồi chức năng. Do chị Ngọc không biết đi xe máy, hai người yêu xa gần 4 năm. Mỗi năm, chị Ngọc chỉ về thăm bạn trai 2 – 3 lần khi có bạn bè đưa về.

“Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là đạp xe 12km từ Nhà máy pin Văn Điển lên Cầu Giấy thăm người yêu. Trên đường đi, khi xuống dốc, tôi bị ngã do chân còn yếu, ướt bẩn hết quần áo. Đến gặp, người yêu nói “Lên đây làm gì!”. Hai chúng tôi nhìn nhau cười”, anh Mạnh chia sẻ.

Tháng 9/2012, vượt qua nhiều khó khăn, đám cưới của anh chị diễn ra trong hạnh phúc, vun vén của hai bên gia đình. Cưới nhau 1 năm mà chưa có con, anh Mạnh từng nghĩ đến việc chia tay để vợ tìm người khác, không muốn để chị thiệt thòi. Chị Ngọc lạc quan bởi chị nghĩ, dù không thể có con, chị vẫn muốn gắn bó và chăm sóc cho anh.

Trời không phụ lòng người, đúng kỉ niệm 1 năm ngày cưới, chị Ngọc biết tin mình có bầu. Anh chị vỡ òa trong hạnh phúc. Lần lượt, bé trai Gia Bình ra đời năm 2014 và Ngọc Anh được sinh ra 2018.

Cái kết viên mãn của cặp vợ chồng nghị lực, vượt lên số phận

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, chị Ngọc tâm sự, nhiều người vẫn hay nói chị dũng cảm khi lấy một người chồng khuyết tật. Nhưng bản thân chị không thấy việc lấy anh Mạnh là dũng cảm hay thiệt thòi. 

“Tôi là người nghiêm túc, trách nhiệm và không muốn chuyện cá nhân ảnh hưởng tới sự nghiệp. Trước khi tới với anh Mạnh, tôi cũng từng chia tay một vài mối tình do họ không phù hợp với tính chất nghề nghiệp của tôi.

Chân anh Mạnh bị như vậy sẽ không đòi đi chơi nhiều, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn cho công việc. Lúc cưới, tôi chỉ thương anh ấy. Sau này, khi cưới nhau, ở bên nhau nhiều hơn, tôi mới bắt đầu yêu. Tới bây giờ, sau hơn 10 năm bên nhau, chúng tôi chưa hề xa nhau dù chỉ một ngày”, chị Ngọc tâm sự.

Cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, gia đình anh Mạnh gửi con ở quê với bà. Trong một lần về thăm con, chị Ngọc gặp tai nạn bị vỡ xương bánh chè, nằm liệt 3 tháng. Thời gian đó, chị trăn trở nghĩ nếu bố mẹ đều bị liệt, không biết tương lai hai đứa trẻ sẽ ra sao. Nhưng bằng sự lạc quan, nỗ lực tập luyện, sau đó không lâu, chị Ngọc đi lại bình thường.

Hiện tại, khi sóng gió qua đi, anh Mạnh chị Ngọc gói gọn cuộc sống trong hai từ “viên mãn”. Anh Mạnh với nghị lực sống mãnh liệt, kiên trì, bền bỉ tập luyện đã có thể tự đi lại, di chuyển bằng xe máy, chở vợ đi chơi, chở con đi học...

Kinh tế gia đình anh Mạnh đã ổn định hơn với salon tóc của mình, anh chị còn đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm cho đội ngũ nhân viên gần 10 người. Mỗi nhân viên có thu nhập từ 9 - 13 triệu đồng/tháng.

Nói về ước nguyện của mình trong năm mới 2023, anh Mạnh hy vọng gia đình nhỏ luôn mạnh khỏe, mãi hạnh phúc bên nhau. Bên cạnh đó, anh mong câu chuyện cuộc đời mình sẽ truyền cảm hứng, động lực cho những người có hoàn cảnh kém may mắn giống anh có thêm niềm tin, chiến thắng số phận. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem