Cô gái khuyết tật 7 năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo

Trần Hiền Thứ năm, ngày 31/05/2018 08:30 AM (GMT+7)
Thân hình gầy gò, một chân bị liệt, kinh tế chẳng lấy gì làm khá giả nhưng H'Blao, cô gái người dân tộc J'rai vẫn tự mở lớp rồi miệt mài dạy học miễn phí suốt 7 năm qua cho học sinh trong làng.
Bình luận 0

Câu chuyện cảm động về cô Rmah H’Blao (31 tuổi) diễn ra ở làng Chao Pông, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. 

img

Lớp học đầy tình yêu thương của cô H'Blao

H’Blao kể lại: “Năm lên 3 tuổi, sau một trận sốt mình bị teo cơ chân, một chân mình bị co quắp, di chuyển khó khăn. Tuy nhiên, cũng nhờ có ba mẹ động viên, thầy cô cùng bạn bè giúp đỡ nên có động lực học tập. Ngay từ nhỏ mình đã mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ em trong làng".

Thế nhưng nghề giáo viên đòi hỏi phải di chuyển nhiều, gia đình khuyên H'Blao thi vào ngành công nghệ thông tin (không thuộc nhóm ngành sư phạm của Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai. 

Đến năm thứ 2, việc học của H'Blao "đứt gánh" vì sức khỏe yếu. Về nhà, đam mê truyền chữ cho trẻ nhỏ vẫn không tắt trong H'Blao. "3 tháng sau khi nghỉ học, mình quyết định mở lớp học tình thương này" - H'Blao nói. Lớp học được xây dựng trên khoản tiền bố mẹ H'Blao cho và một khoản cô tích góp được.

img

Cô H'Blao giảng dạy chi tiết cho từng em học sinh, dù đôi chân đi lại rất khó khăn

Hiện tại, lớp học của cô giáo H’Blao đã có 50 em, cứ đến hè lại tăng lên từ 60 - 70 em, với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5.

Đi lại khó khăn, H'Blao gần như phải dùng hết sức để cầm tay nắn từng con chữ cho trẻ, giảng chi tiết từng câu văn, phép tính. 

img

Với thân hình nhỏ bé, gầy guộc và một chân bị tật nhưng cô H'Blao chưa một lần nản lòng với ước mơ của mình

Đáp lại ân tình của cô giáo, học kỳ vừa qua lớp học của cô giáo H’Blao đã có 19 em đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến.

Cô giáo trải lòng: “Nhìn thành tích học tập của các em mình cũng vui lắm. Các em học sinh ở đây rất ngoan nhưng bố mẹ đi làm rẫy nên không có thời gian quan tâm đến con cái, từ miếng cơm, manh áo cũng như việc học còn nhiều thiếu thốn. Vậy nên, mình muốn mở lớp học tình thương để dạy học miễn phí cho các em. Mình muốn dành tất cả tình yêu thương này cho các em và cũng hi vọng tương lai các em sẽ tốt hơn”.

img

Nắn nót luyện chữ cho các em học sinh nhỏ tuổi, viết yếu...

Để các em có thể tiếp thu bài một cách tốt nhất, H’Blao đã chia lớp học thành 2 nhóm, theo từng độ tuổi và từng khả năng. Những học sinh học ở trường buổi sáng cô sẽ kèm ở nhà vào buổi chiều và ngược lại.

Theo H’Blao, hiện cô đặc biệt chú trọng việc dạy cho các em đọc thông viết thạo tiếng Việt và biết làm toán. Lớp học của cô bắt đầu từ 7h - 10h sáng và 13h - 15h chiều đều đặn hàng ngày, chỉ trừ thứ bảy và chủ nhật.

“Tận dụng chiếc máy tính hồi còn đi học cao đẳng, mình lên mạng tải các bài hát về dạy cho các em hát vào những buổi sinh hoạt đầu tuần. Còn những buổi cuối tuần mình kể cho các em nghe về những câu chuyện mang tính nhân văn, qua đó truyền đến các em lối sống đẹp...”, cô H’Bao cho biết.

img

Ngoài giờ học, cô giáo H'Blao còn dành thời gian dạy hát và kể cho các em nghe những câu chuyện trong cuộc sống

Cả buổi nói chuyện, chúng tôi lại không hề nghe cô kể đến việc điều trị bệnh tình của mình trong suốt 28 năm qua, mà chỉ nghe đến lớp học, các em học sinh và ước mơ được làm cô giáo của H’Blao.

Cứ vậy, ban ngày H'Blao dành thời gian dạy chữ cho trẻ nhỏ và làm công tác xã hội ở xã. Tối đến, cô giáo của lớp học tình thương mới ngồi thêu tranh để kiếm thêm thu nhập, nuôi đam mê làm cô giáo của học trò nghèo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem