Cô gái “mỳ gạo” và cuộc chiến với thực phẩm bẩn

Tùng Anh Thứ ba, ngày 20/02/2018 06:04 AM (GMT+7)
“Tôi đã từng giận run người trước những thông tin về thực phẩm bẩn, về tôm cá ngậm kháng sinh; về thịt lợn ôi thiu chế biến thành thịt lợn mán; về mỳ tôm không có mỳ... Tôi còn không tưởng tượng nổi sao họ lại gọi đó là thức ăn?”. Thủy nói như vậy khi bắt đầu câu chuyện về “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn của mình.
Bình luận 0

Bỏ lương nghìn đô, về quê làm mỳ gạo

Sinh ra ở vùng đất nổi tiếng với những làng nghề làm mỳ gạo lâu đời - xã Dĩnh Kế, TP.Bắc Giang, Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1986) sớm “phải lòng” hương vị đậm chất Việt Nam ấy. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương chuyên ngành marketing, đang làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân lương nghìn đô, thế nhưng một  cơ duyên với sợi mỳ gạo sạch đã thôi thúc Thủy bỏ việc, quay về phát triển đặc sản quê nhà.

“Thực phẩm bẩn ngày một tràn lan, nó làm mình bị ám ảnh. Trong đầu lúc nào cũng đặt câu hỏi tại sao nhiều đặc sản đã nổi tiếng rất lâu thì nay lại bị mai một, mang tiếng xấu? Hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn xuất hiện ở mọi nơi, mọi ngành nghề, và tất nhiên chẳng ngoại trừ các sản phẩm mỳ gạo của quê mình. Thật thất vọng khi chứng kiến nhiều cơ sở sản xuất mỳ gạo đã vì lợi nhuận mà không ngần ngại sử dụng các loại gạo tồn kho, gạo bị nấm mốc… để làm nguyên liệu. Đồng thời, nhiều cơ sở sử dụng thêm các chất phụ gia như chất tẩy trắng, phèn chua… để làm trắng các loại gạo nấm mốc và làm trắng mỳ” - chị Thủy tâm sự.

Khó khăn duy nhất nằm ở chỗ mình phải đưa ra quy trình và quy chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh đối với sản phẩm thủ công. Cũng là mỳ, nhưng sản xuất công nghiệp sẽ khác mà được làm bởi bàn tay người dân nhào nặn, phơi nắng phơi gió tự nhiên sẽ có hương vị đậm đà truyền thống”.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy 
 

Từ sau khi lập gia đình và có con nhỏ, nỗi băn khoăn và lo ngại về thực phẩm bẩn càng lớn dần, thôi thúc chị Thủy phải làm gì đó để người tiêu dùng bây giờ và thế hệ sau không phải chịu những tác động đáng sợ với sức khoẻ. Năm 2016, Thủy quyết định nghỉ việc ở nhà... làm mỳ gạo. Để có quyết định bỏ công việc ổn định với thu nhập nghìn đô về làm mỳ, Thủy đã gặp không ít khó khăn. Điểm chung mà mọi người đều cho rằng: khởi nghiệp, đặc biệt lại là khởi nghiệp ở lĩnh vực thực phẩm sạch đầy gian nan, thử thách, nhất là với phụ nữ.

Tuy nhiên, Thủy vẫn quyết tâm để làm nên một điều gì đó. Sau một thời gian dài tìm hiểu về công thức, quy trình, nguồn nguyên liệu sản xuất mỳ sạch. Thủy cho ra đời thương hiệu mỳ Tâm Thủy. “Tên sản phẩm thể hiện tâm huyết của mình, cũng chính là lời nhắc nhở không bao giờ được phép đặt lợi nhuận lên trên an toàn thực phẩm. Biết đâu cũng có ngày mình hám lợi mà quên mất mục tiêu ban đầu đặt ra cho sản phẩm, thì cái tên ấy sẽ làm mình thức tỉnh” - chị Thủy cho hay.

Theo chị Thủy, một sản phẩm sạch trước hết phải đảm bảo điều kiện không dùng hóa chất, sau đó là quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn. quy chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm… Những ngày đầu, từ việc tìm nguồn gạo sạch tới chọn hộ dân liên kết sản xuất, chị Thủy đều tự tay đảm nhận.

 Không phải loại gạo nào cũng làm được mỳ, phải mất công kiểm tra hàng chục loại gạo mới tìm ra được nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn: Không cần hóa chất mà sợi mỳ vẫn đẹp! Mất bao công sức tìm kiếm, cuối cùng cũng đến ngày dòng sản phẩm đầu tiên là mỳ gạo quê Tâm Thủy - với nguồn nguyên liệu là gạo  của nông dân Bắc Giang làm, ra đời.

Hạt gạo thu mua từ các hộ nông dân trong vùng với ưu điểm giá thành cạnh tranh, tuy nhiên lại vướng nhược điểm khó kiểm soát được khâu gieo trồng. Vì vậy, tới cuối năm 2016 chị Thủy quyết định sản xuất thêm dòng mỳ gạo cao cấp từ gạo hữu cơ có chứng nhận chất lượng của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Sản phẩm đảm bảo, tuy nhiên giá lại khá đắt vì giá thành đã cao hơn khoảng 30% so với dùng gạo thông thường.

Khởi nghiệp kiểu... con nhà nghèo

Làm thực phẩm sạch đã có, thực phẩm hữu cơ còn khó hơn. Thế nhưng ngay cả khi đã có sản phẩm, khâu tiếp thị, phân phối cũng là khó khăn không nhỏ. Giá thành sản xuất cao hơn 30%, ra thị trường mỳ gạo trắng Tâm Thủy có giá 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán thông dụng trên thị trường với sản phẩm này chỉ khoảng 30.000-35.000 đồng/kg.

“Giá bán cao khiến thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp, bởi không phải ai cũng chấp nhận bỏ tiền cao hơn cho cùng một loại sản phẩm. Mình thu hút được nhóm nhỏ các khách hàng chịu khó tìm hiểu, có nhu cầu sẵn, có thu nhập khá cao. Còn với nhóm khách hàng rộng lớn hơn, những người thu nhập còn thấp hoặc không coi thực phẩm bẩn là điều gì nghiêm trọng, thì họ lại chê mỳ Tâm Thủy đắt và không mua” – chị Thủy nói.

Kiên trì từng chút, cô gái “mỳ gạo” quyết tâm với chiến lược khởi nghiệp kiểu “con nhà nghèo” để tiếp cận những nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu riêng. Thủy cho biết, với chị, lực cản lớn nhất trong hành trình khởi nghiệp chính là định kiến về thực phẩm bẩn-sạch của người tiêu dùng hiện nay.

img

Chị Thu Thủy trong một lần giới thiệu sản phẩm mỳ sạch ở hội chợ.  ảnh: Tư liệu

“Ngay cả bạn bè tôi ban đầu cũng hoài nghi về sản phẩm mỳ không hóa chất. Thực tế cho thấy, ám ảnh thực phẩm bẩn tràn lan, đã ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng khiến họ luôn có định kiến: “Làm gì có thực phẩm sạch, vớ vẩn, chỉ là làm hàng thôi!”. Chính vì thế, tôi lại càng muốn chinh phục khách hàng, niềm tin của họ bằng chính chất lượng sản phẩm của mình” -  chị Thủy nói.

Dẫu biết rằng, trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, sự đóng góp của mình là quá bé nhỏ song nữ chủ nhân mỳ sạch Tâm Thủy vẫn quả quyết: “Mỗi người góp một chút công sức, nhiệt huyết thì chắc chắn sức mạnh sẽ được nhân lên. Riêng mình, tôi vẫn nuôi ước mơ biến cả quê mình thành nơi sản xuất mỳ sạch, để đặc sản quê hương sẽ được tiếp nối và đi xa hơn nữa”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem