Cô gái Phù Lá chắp cánh cho đặc sản mận tam hoa

Tráng Xuân Cường Thứ bảy, ngày 14/01/2023 06:28 AM (GMT+7)
Nhiều người dân ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) thường gọi chị Sải Thị Bích Huế - Giám đốc HTX Quang Tôm với cái tên thân mật, Huế "tam hoa".
Bình luận 0

Chị Huế đã kỳ công nghiên cứu, chế biến ra những sản phẩm đặc sản từ quả mận tam hoa, như mận sấy khô, rượu mận tam hoa lên men; xây dựng các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và nâng tầm thương hiệu nông sản Bắc Hà.

Chị Sải Thị Bích Huế (sinh năm 1989, người dân tộc Phù Lá) là một trong những phụ nữ tiên phong, mạnh dạn xây dựng sản phẩm OCOP, đưa thương hiệu nông sản Bắc Hà nổi tiếng gần xa…

Góp phần giảm áp lực tiêu thụ cho người trồng mận

Trong đợt xếp hạng lần 2 sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai, Chè Shan tuyết cổ thụ của HTX Quang Tôm (Bắc Hà) được Hội đồng thẩm định công nhận đạt tiêu chí 3 sao. Như lời chị Huế chia sẻ, năm nay HTX có "song hỉ" khi có thêm sản phẩm rượu mận tam hoa lên men được Sở Công Thương Lào Cai công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; được hỗ trợ xây dựng tem nhãn, thương hiệu...

Cô gái Phù Lá chắp cánh cho đặc sản mận tam hoa - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Sải Thị Bích Huế giới thiệu sản phẩm rượu mận tam hoa lên men của HTX Quang Tôm. Ảnh: T.X.C

Cuối năm 2021, chị Huế đã xây dựng thành công sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, và nhanh chóng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Tiếp đó, năm 2022, chị Huế tiếp tục đầu tư nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thuật chế biến rượu mận lên men.

Với vùng nguyên liệu khai thác chủ yếu tại địa phương, rượu mận tam hoa được lên men tự nhiên bằng nước cốt quả mận với men và mật ong trong nhiệt độ thích hợp, từ đó tạo nên thương hiệu rượu tam hoa lên men đã và đang được thị trường ưa chuộng.

Những ngày giáp tết, chúng tôi đến thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, vào thăm HTX Quang Tôm và chứng kiến không khí làm việc tại đây tất bật, khẩn trương. Công nhân đang luôn tay bận rộn đóng những kiện hàng mận tam hoa sấy dẻo, rượu mận tam hoa lên men... để kịp giao cho khách hàng.

Tiếp chúng tôi, chị Huế sôi nổi kể về quá trình gây dựng HTX, tạo dựng các sản phẩm từ đặc sản quê hương. Lớn lên và lập nghiệp trên đất "cao nguyên trắng" Bắc Hà, chị Sải Thị Bích Huế là người rõ hơn ai hết những ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 và biến động thị trường với quả mận tam hoa những năm qua. 

Nhìn thấy những vườn mận sai trĩu quả tiêu thụ khó khăn, giá bán rẻ mạt, chị Huế đã quyết định đầu tư làm mận tam hoa sấy dẻo, tìm công thức sản xuất rượu từ quả mận với số lượng lớn, nhằm giảm áp lực tiêu thụ cho bà con trồng mận.

Chị Huế kể, trước kia gia đình chị cũng trồng mận tam hoa và cây chè Na Lo. Những gốc mận, cây chè đã góp phần giúp gia đình chị trang trải sinh hoạt, đồng thời có tiền cho chị đi học. 

Kỷ niệm tuổi thơ của chị gắn bó với những thăng trầm của cây mận, chè. Và chị đã nhiều lần chứng kiến sản phẩm mận tam hoa rơi vào khủng hoảng, rớt giá thảm hại. Nhiều hộ phải cay đắng chặt bỏ nhiều diện tích mận để trồng cây khác...

Bắc Hà được xem là thủ phủ mận tam hoa của Lào Cai, với sản lượng tương đối lớn, khoảng 3.560 tấn/năm. Ở vùng đất "cao nguyên trắng" này, mận tam hoa bắt đầu chín từ đầu tháng 5, nhưng chín rộ nhất vào đầu tháng 6. 

Tuy nhiên, mận chỉ cho thu hoạch 1 mùa/năm trong thời gian khoảng 2 tháng và chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, ăn ngay. Mặt khác quả mận rất khó bảo quản do vỏ mỏng, dễ dập vỡ và hỏng khi vận chuyển đi xa.

Cô gái Phù Lá chắp cánh cho đặc sản mận tam hoa - Ảnh 3.

Cùng với mùa xuân hoa mận tam hoa nở trắng, mùa hạ trái chín đỏ cao nguyên, sản phẩm rượu mận tam hoa lên men góp phần thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, khám phá, thưởng thức. Ảnh: T.X.C

Chị Huế nhận thấy những năm gần đây, với sự phát triển của thị trường và đặc biệt là ngành du lịch, mận Bắc Hà được nâng tầm giá trị và thương hiệu, giá bán mận tam hoa từng bước được nâng cao, có những thời điểm quả mận loại to đẹp nhất có giá lên tới 50.000-80.000 đồng/kg. Là sản phẩm đặc hữu địa phương, nổi tiếng cả nước, khi ấy mận tam hoa Bắc Hà luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. 

Thế nhưng từ năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra đã khiến nông dân địa phương điêu đứng vì mận tam hoa cũng như nhiều loại nông sản khác không tiêu thụ được. Xóa xa thấy hàng trăm tấn quả mận tươi chất đống vì không có đầu ra, cô gái Phù Lá Sải Thị Bích Huế đã mạnh dạn đứng ra thu mua sản phẩm để chế biến sâu.

Làm theo tiêu chuẩn, nâng tầm sản phẩm nông sản

Cô gái Phù Lá chắp cánh cho đặc sản mận tam hoa - Ảnh 4.

Nhiều người dân ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) thường gọi chị Sải Thị Bích Huế - Giám đốc HTX Quang Tôm với cái tên thân mật, Huế "tam hoa".

Tháng 6/2021, HTX Quang Tôm với 7 thành viên do chị Huế điều hành chính thức đi vào hoạt động. Cuối năm 2021, chị Huế đã xây dựng thành công sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, và nhanh chóng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.

Tiếp đó, năm 2022, chị Huế tiếp tục đầu tư nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thuật chế biến rượu mận lên men. Các dòng sản phẩm của rượu được sản xuất với quá trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, hàm lượng và các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn.

"Sản phẩm thơm ngon, giá cả phù hợp túi tiền nên dù mới ra mắt song rượu mận đã được người tiêu dùng đón nhận. Ngay đầu năm mới 2023 này, chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm OCOP rượu mận tam hoa lên men để tham gia đánh giá, phân hạng ngay trong đợt 1 của tỉnh Lào Cai" - chị Huế chia sẻ.

Chị Huế mời chúng tôi nếm thử mận tam hoa sấy dẻo và rượu mận. Vị ngọt ngọt, chua chua chắt chiu từ những quả mận đặc sản Bắc Hà cùng hương men rượu thơm ngon nhanh chóng khiến chúng tôi quên mất cái lạnh buốt ở vùng đất cao nguyên. Chị Huế cho biết, rượu mận tam hoa lên men của HTX được chưng cất trong môi trường khí hậu trong lành, mát mẻ, kết hợp với hương vị mật ong rừng nên vừa thơm ngon vừa tốt cho sức khỏe. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem