"Cô gái tỷ đô" Trần Uyên Phương tiết lộ lý do "DN không muốn lớn"

Song Hà Thứ năm, ngày 22/11/2018 15:59 PM (GMT+7)
“Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi mình phải phá vỡ cái cũ. Có dám đột phá hay không? Đó là những nỗi sợ của chúng tôi bởi đột phá nào cũng có rủi ro” – đó là chia sẻ của bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát, người được biết đến với biệt danh “cô gái tỷ đô”.
Bình luận 0

Doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn hay không thể lớn – vì sao? – đây là câu hỏi được đặt ra với nhiều đại biểu tham dự tọa đàm “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng 22.11.

Là người đầu tiên chia sẻ về chủ đề này, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho rằng, cần làm rõ hai khía cạnh không thể lớn và không muốn lớn.

img

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát. (Ảnh: Báo ĐBND)

Về lý do vì sao doanh nghiệp (DN) không thể lớn, bà Trần Uyên Phương, cho rằng,theo thống kê của thế giới, các DN trong vòng 5 năm đầu hình thành thì sau 5 năm 95% sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%. Từ 5% đó họ mới tăng trưởng lên 15, 20 năm. Do vậy, số DN hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm. Đó là một trong những yếu tố để thấy rằng muốn lớn cũng không thể lớn được vì lý do nguồn lực và năng lực.

“Tất cả các DN đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể phát triển được tới đâu thì DN sẽ tăng trưởng lên tới đó. Người đứng đầu là “cái nóc của cả cái bình”, nếu họ không tự phát triển, không tự thay đổi tư duy thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ là người kìm hãm DN phát triển”, bà Trần Phương Uyên chia sẻ.

Bà Trần Uyên Phương: Một trong những cái tôi tâm đắc đó là chúng ta nói đến DN đầu đàn, làm sao có chính sách cho DN muốn lớn? Tìm ra được DN muốn lớn đã khó, nhưng có chính sách hỗ trợ cho họ như thế nào cũng rất quan trọng. Bởi, xây dựng được một DN có được nội lực, năng lực để cạnh tranh với các DN khác cũng là cả một quá trình.

Cũng theo bà Trần Uyên Phương, hiện có một yếu tố đang trở thành đề tài nóng bỏng là DN gia đình. Hiện rất ít người biết DN gia đình chiến 60-70% các DN. Có nhiều quốc gia chiếm 90%. Riêng với Việt Nam, đến giai đoạn hiện nay, đa số các DN tầm 20 năm đến 30 năm thì bắt đầu chuyển sang thế hệ thứ hai hoặc các mô hình kinh doanh khác như lên sàn chứng khoán. Đó chính là những cái họ phải thay đổi.

Lấy ví dụ như Tân Hiệp Phát (THP), theo bà Trần Uyên Phương, để chuẩn bị quá trình thay đổi THP đã phải làm rất nhiều. “Đó là một trong những lý do tôi viết cuốn sách, chúng tôi muốn chia sẻ, chúng tôi muốn học hỏi, để làm sao chúng tôi có thể lớn hơn nữa, làm sao chúng tôi có thể đem một thương hiệu ra thế giới. Nói thì nghe rất đơn giản nhưng để làm được thì rất khó. Đem một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu chỉ là xuất khẩu, nếu đơn thuần là mang nước đi bán thì là câu chuyện khác. Nếu thực sự muốn mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu ở những thị trường các DN khác đã tồn tại sẵn rồi, chưa nói đến chuyện thắng được ở thị trường Việt Nam đã khó, đưa được ra nước ngoài thì vô cùng khó. Bên cạnh những yếu tố như tăng trưởng vốn đầu tư, xây dựng việc làm, còn một yếu tố nữa là phải giới thiệu với thế giới về Việt Nam thông qua những sản phẩm của Việt Nam. Đó chính là người bán hàng hiệu quả nhất”, Phó tổng giám đốc THP chia sẻ.

Đề cập đến khía cạnh vì sao DN không muốn lớn, bà Trần Uyên Phương cho rằng đó là vì “DN sợ lớn”. Theo bà, DN nhất phường, nhất thành phố, nhất quốc gia… mỗi lần nhất như vậy nó đòi hỏi một năng lực mới. “Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi mình phải phá vỡ cái cũ. Có dám đột phá hay không?

“Đó là những nỗi sợ của chúng tôi bởi đột phá nào cũng có rủi ro. Nhiều nhà báo đã hỏi chúng tôi rằng: Vì sao Tân Hiệp Phát từ chối bán vào năm 2012 với giá 2,5 tỷ USD? Vì chúng tôi mong muốn có một thương hiệu Việt mang ra thế giới. Mặc dù tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát đặt ra hơn thế. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không sợ bởi quá trình tăng trưởng gặp rủi ro rất lớn…", bà Phương nhấn mạnh.

img

Ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Carmax. (Ảnh: Báo ĐBND)

Đồng tình với những nhận định của bà Trần Uyên Phương, Ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Carmax cho rằng chính năng lực của DN nhỏ là một vấn đề.

Theo ông Dũng, yếu tố quan trọng nhất là tiếp cận nguồn vốn, DNVVN tiếp cận nguồn vốn sẽ rất khó khăn so với những doah nghiệp lớn.

“Đã là DN nhỏ thì nguồn vốn tự có rất hạn chế, còn nguồn vốn đi vay thì DN nhỏ rất khó tiếp cận bởi khi khởi nghiệp, vấn đề chứng minh năng lực, tài sản thế chấp cũng như về sự đảm bảo đối các ngân hàng sẽ khó khăn hơn so với doanh nghiệp đã có kinh nghiệm và phát triển. Tiếp theo là vấn đề kê khai tài sản, đã là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì phải hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực của doanh nghiệp khi phát triển. Theo tôi đó là những vấn đề khiến doanh nghiệp không thể lớn được”, ông Nguyễn Hữu Dũng phân tích.

Về vấn đề DN không muốn lớn, theo ông Dũng, môi trường kinh doanh ổn định và phải có một định hướng rõ ràng để cho DN có thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn và  định hướng cho DN mình đi tới đích đang là một hạn chế đối với doanh nghiệp tư nhân.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội:

Quản lý lao động là mấu chốt để hình thành DN lớn

Tôi là một trong những người ủng hộ quyết liệt, thậm chí đi vận động các đại biểu khác bấm nút thông qua Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua luật này không phải để DN đi đòi vốn nhà nước, mà đòi một chính sách, niềm tin của nhà nước tạo ra cho họ để họ dám đầu tư hoặc dám kêu gọi thu hút đầu tư. Không có niềm tin thì không bao giờ làm được chuyện đó. Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được QH thông qua thể hiện sự quan tâm của Nhà nước về mặt chính sách đối với DN, sau đó tư tưởng hỗ trợ DN tư nhân được coi là nòng cốt cùng với các DN khác được đưa vào Nghị quyết số 10-NQ/TW. Tôi cho đây là thành công lớn về mặt quan điểm về chính trị cũng như chính sách.

Tôi là một trong những luật sư đầu tiên tư vấn cho các DN lớn của Việt Nam, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tôi rút ra được kết luận, quản lý lao động là mấu chốt nhất để hình thành nên những DN lớn, chứ không phải là vốn. Nếu quản lý được lao động, chắc chắn sẽ hút được vốn về, quan hệ tốt sẽ kéo được công nghệ về tạo được niềm tin. 

Đối với những DN quy mô nhỏ, tôi đồng ý với bà Trần Uyên Phương, nếu các DN này quan điểm cũng nhỏ, sợ không dám chiến đấu với “người khổng lồ” thì có nghĩa là tự mình đẩy mình vào chân tường, DN sẽ ra đi rất nhanh. Nhưng nếu DN kiên cường, vượt lên chính mình, nếu muốn trở thành người khổng lồ thì phải trèo lên vai người khổng lồ.

Theo tôi nếu người chủ DN là một người lãnh đạo chứ không phải chỉ là một ông chủ có tiền thì DN sẽ lớn nhanh. Một DN nhỏ muốn thành lớn phải có nhiều yếu tố: 

Thứ nhất, phải có “gen”, có những doanh nghiệp hơn trăm năm truyền thống của họ từ đời ông cha, cả quá trình tích lũy lâu dài. 

Thứ hai, là “dinh dưỡng”, đó là vốn, công nghệ, lao động. 

Thứ ba, là môi trường, quan trọng nhất là môi trường chính sách. 

Thứ tư, là DN đó phải chống được “bệnh tật”, bản thân doanh nghiệp đó phải liêm chính, không “đấu đá triệt hạ lẫn nhau” giữa các DN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem