Có gần 700 điểm sạt lở, ĐBSCL bỏ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để hạn chế thiệt hại
Có gần 700 điểm sạt lở, ĐBSCL bỏ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để hạn chế thiệt hại
Huỳnh Xây
Thứ tư, ngày 14/04/2021 15:23 PM (GMT+7)
Liên quan đến tình trạng khai thác cát ở ĐBSCL quá mức gây sạt lở, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm trong thời gian qua, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn Nghiên cứu Khoa học của Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ.
Ông có nhận định như thế nào về tình trạng khai thác cát ở ĐBSCL?
- Khoảng 20 năm gần đây, sự hình thành các đập thuỷ điện ở Trung Quốc và Lào trên các dòng chính và hàng chục hồ thuỷ điện ở các dòng nhánh, cộng thêm nạn phá rừng ngập mặn, nạo vét các giồng cát ven biển, nguồn cát còn lại trên sông MeKong đang sụt giảm xấp xỉ 50% so với trước kia. Hiện tình trạng này ở mức báo động, gây nên việc khan hiếm cát xây dựng, cát san lấp, kéo theo giá cát tăng ngày càng nhiều.
Do hiện tượng "nước đói phù sa" trong dòng chảy gây hệ quả sạt lở ở ĐBSCL. Việc hạ thấp cao trình đáy sông khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào mùa khô gây rất nhiều thiệt hại.
Theo ông, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL gây thiệt hại về kinh tế như thế nào?
- Sạt lở đang trở nên một hiểm hoạ, như là một thiên tai nguy cấp đe dọa sự phát triển bền vững cho cả đồng bằng hiện nay và tương lai. Mỗi năm, để chống đỡ cho sự thiệt hại kinh tế do sạt lở, cả 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng để hạn chế, chứ không ngăn cản hoàn toàn tình trạng sạt lở.
Theo các khảo sát, hiện nay, ở ĐBSCL có gần 700 điểm sạt lở xuất hiện, tăng gấp 8 lần so với 10 năm trước đây. Chiều dài các đoạn sát lở lên đến gầm 800km, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét. Mỗi năm khoảng 500 - 550ha đất bị sạt lở hoàn toàn gây thiệt hại rất lớn, lên đến vài nghìn tỷ đồng cho cả đất cư trú, đất sản xuất và đất rừng phòng hộ ven biển.
Việc cho khai thác cát tại địa phương này có ảnh hưởng đến tình trạng sạt lở ở các địa phương khác không, thưa ông?
- Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, khi khai thác cát tại một đoạn sông thì sau đó một thời gian có hiện tượng sụt lòng sông, mở rộng điểm sạt lở bên bờ và đi về phía hạ lưu, ảnh hưởng rộng ra vùng biển chung quanh gây mất rừng ngập mặn và thu hẹp không gian sống cho nhiều loài thuỷ sinh.
Ngoài ra, việc hút cát cũng là nguyên nhân phát tán những loài thực vật ngoại lai nguy hại như sự mở rộng diện tích các loài cây mai dương.
Cát là một tài nguyên khó tái tạo, đôi khi mất hàng chục, hàng trăm năm mới hình thành các mỏ cát. Mất hoặc thiếu cát có thể dẫn đến các tác động bất lợi như một sụp đổ dây chuyền và cộng hưởng mang tính chất xuyên vùng.
Nếu không cho khai thác hoặc hạn chế khai thác cát trên sông thì cách giải quyết ra sao đối với tình trạng thiếu hụt cát phục vụ xây dựng, san lấp?
- Cần có những giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề thiếu hụt cát xây dựng, san lấp. Trữ lượng cát trên toàn đồng bằng phải được thống kê và đánh giá vai trò sinh thái cũng như ổn định địa chất đồng bằng.
Nên tiết giảm việc khai thác ở mức an toàn, nếu cần phải dùng cát nhân tạo (đá và vật liệu công trình phá dỡ xay nhỏ) hoặc nhập cát từ nơi khác về. Trong ngành xây dựng và kiến trúc nên chọn các giải pháp giảm sử dụng bê tông, xây tô, dùng các vật liệu thay thế như khung thép, tường nhôm, kính, gỗ,…
Ngành chức năng nên kiên quyết bỏ các dự án sử dụng nhiều khác như xây dựng sân goft hoặc các công trình xây đắp quá lớn. Nghĩ đến các kiến trúc xây nhà trên các cọc, giảm đi nhiều cát san lấp và tận dụng tro xỉ trong san lấp. Đây là các giải pháp “thuận thiên” mà chính phủ đã khuyến kích các tỉnh ĐBSCL chọn lựa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.