Cô giáo dạy tiếng Việt trên đảo Jeju

Thứ bảy, ngày 07/01/2023 16:00 PM (GMT+7)
Lê Ngọc Uyên Sa đứng trước lớp, bắt đầu kể cho học sinh Hàn Quốc về sự tích hồ Hoàn Kiếm. Các học đều tròn mắt, hào hứng trước câu chuyện của cô giáo.
Bình luận 0

Uyên Sa (sinh năm 1996) hiện tại đang là giáo viên dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, trực thuộc Sở Giáo dục tỉnh Jeju, Hàn Quốc.

Trước khi trở thành giáo viên tại xứ sở kim chi, cô gái gốc Huế từng là thông dịch viên cho một công ty Hàn Quốc có trụ sở tại TPHCM. Làm công việc văn phòng được 3 năm, cô cảm thấy muốn xê dịch. Vậy nên khi đọc được thông tin tuyển dụng của Sở Giáo dục tỉnh Jeju vào đầu năm 2022, cô lập tức nộp đơn ứng tuyển.

“Dù công việc đang ổn định, mức lương cũng đáng mơ ước, song mình nghĩ rằng nếu như khi còn trẻ mà không dám thử những thứ mới mẻ thì sau này sẽ hối tiếc. Cơ hội thường chỉ đến một lần, nên khi thấy cơ hội thì phải cố gắng nắm bắt”, Uyên Sa nói.

Cô giáo dạy tiếng Việt trên đảo Jeju - Ảnh 1.

Uyên Sa hiện đang dạy tiếng Việt tại Jeju, Hàn Quốc. Ảnh: Minji

Trong tin tuyển dụng, Sở Giáo dục tỉnh Jeju đặt ra một số tiêu chí về trình độ học vấn. Uyên Sa tự tin vì đã sở hữu TOPIK cấp 6 - cấp cao nhất trong kỳ thi năng lực tiếng Hàn. Ngoài ra, cô cũng từng đạt giải Bạc cuộc thi Hùng biện tiếng Hàn toàn quốc do Quỹ học bổng Kumho Asiana tổ chức vào năm 2016, từng nhận học bổng du học toàn phần khóa tiếng Hàn cao cấp tại đại học Kyunghee (Seoul) và tốt nghiệp đại học loại giỏi.

Thế nhưng trong quá trình phỏng vấn, Uyên Sa nhận ra ngoài kiến thức chuyên ngành, Sở Giáo dục tỉnh Jeju cũng đòi hỏi ứng viên phải có kỹ năng hòa nhập (vì sẽ phải sống và làm việc trong môi trường đa văn hóa), kỹ năng thích ứng,...

Sau khi vượt qua vòng hồ sơ và vòng phỏng vấn, cô được ký hợp đồng với Sở Giáo dục tỉnh Jeju.

May mắn từng có cơ hội du học Hàn Quốc, nên thời gian đầu, cô không gặp nhiều khó khăn để thích ứng với cuộc sống ở đây. Thêm vào đó, cô cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Sở và các giáo viên người bản xứ.

Cô giáo dạy tiếng Việt trên đảo Jeju - Ảnh 2.

Tiết dạy tiếng Việt của Uyên Sa tại Jeju, Hàn Quốc. Ảnh: Kwiil Middle School

Trong học kỳ 1 năm học 2022-2023, Uyên Sa dạy học cho học sinh 13 trường cấp 2 trên đảo và học kỳ 2 là 7 trường. Có trường sẽ có cả 1 học kỳ học môn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, nhưng cũng có trường chỉ có 1-3 tiết ngoại khóa văn hóa, nên thời gian biểu của cô thay đổi khá linh hoạt.

Một tiết học thường kéo dài 45 phút, trong đó 30 phút đầu Uyên Sa dành ra để nói về một chủ đề văn hóa của người Việt Nam (ẩm thực, trang phục,...), 15 phút còn lại học sinh sẽ được dạy một số từ vựng và câu đơn giản liên quan đến chủ đề đó.

“Truyền thuyết của Việt Nam là một trong những nội dung mà các em học sinh luôn hào hứng khi học”, nữ giáo viên nói.

Học sinh của Uyên Sa chủ yếu là người Hàn. Tuy nhiên, cũng có không ít các em học sinh là con lai, trong đó có cả con lai Hàn-Việt. Do dạy tại nhiều trường, với những học sinh có trình độ và tính cách khác biệt, nên Uyên Sa luôn phải tìm cách để truyền đạt kiến thức với từng đối tượng học sinh cụ thể, để từ đó có thể đạt hiệu quả cao nhất trong bài dạy của mình.

Một kỷ niệm khiến cô gái gốc Huế cảm động là vào ngày nhà giáo Hàn Quốc 15.5. Khi đó, các học sinh tự tay làm ra một bằng khen với dòng chữ “Nhờ có cô mà chúng em yêu thích tiếng Việt hơn”.

Uyên Sa luôn tự nhủ với bản thân rằng, dù phải dạy đi dạy lại cùng một nội dung nhưng phải luôn cố gắng để tiết dạy của mình luôn mới mẻ hào hứng. Bởi với các học sinh thì nội dung trong mỗi tiết đều là lần đầu tiên các em được tiếp xúc.

Nữ giáo viên dự định sẽ gắn bó với nghề giáo viên trên đảo Jeju trong khoảng 1-2 năm tới. “Hiện tại mình đang rất hạnh phúc với công việc này”, Uyên Sa nói.

Cô Yoon Minji - giáo viên trường Daejung Middle School - nhận xét Uyên Sa là người có tính cách vui vẻ, luôn mang đến nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.

"Tôi rất thích ẩm thực Việt Nam và cũng đã từng sang Việt Nam du lịch. Vì vậy mỗi lần đi ăn trưa cùng Uyên Sa, tôi thường hỏi về văn hóa Việt Nam. Nhờ Uyên Sa mà tôi càng yêu thích Việt Nam hơn và có thể dùng tiếng Việt để trò chuyện với các học sinh trong trường", cô Yoon Minji nói.


Hoài Anh (laodong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem