Cô giáo Ngữ văn "trường làng" nhiều năm dạy giỏi, hỗ trợ đồng nghiệp 24/24
Cô giáo Ngữ văn "trường làng" nhiều năm dạy giỏi, hỗ trợ đồng nghiệp 24/24
Thứ ba, ngày 31/08/2021 06:54 AM (GMT+7)
Chuẩn bị năm học mới luôn là thời điểm bận rộn với mỗi nhà giáo. Với cô Nguyễn Thị Thu Hà, ngoài sự bận rộn đó còn có thêm công việc khác, đó là tư vấn, giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn.
Trong mắt đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Văn - Ngoại ngữ của Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ) là gương mặt tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn của Sở GD&ĐT, như: ra đề; chấm thi giáo viên giỏi; chấm thi học sinh giỏi; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; tham gia dạy học trên truyền hình trong hoàn cảnh dịch bệnh và có bài giảng được lựa chọn phát sóng trên trên VTV7; tham gia biên soạn tài liệu phục vụ ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10…
31 năm trong nghề, với những đóng góp của mình, cô Hà từng 3 lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp cơ sở; 14 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 6 lần được nhận giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành giáo dục Phú Thọ.
Cô cũng vinh dự được 3 lần nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Giáo dục giai đoạn 2015- 2020; 1 lần nhận bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt Nam và được trao Kỉ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục năm 2011.
Nhiều năm trong vai trò tổ trưởng chuyên môn, cô góp phần quan trọng giúp tập thể có 15 năm đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, 1 lần đạt danh hiệu tập thể lao động giỏi, 1 lần đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; tập thể có tổ có 5 lần nhận giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT.
Vốn là giáo viên Ngữ văn giỏi, cô Hà đồng thời là cốt cán của tỉnh Phú Thọ được “chọn mặt gửi vàng” để tham gia hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt bồi dưỡng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sự “bận rộn” của cô đến từ uy tín chuyên môn, đó là một phần; phần quan trọng nữa là tinh thần nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp bất cứ khi nào. Là giáo viên cốt cán của tỉnh, thời gian cô dành để hỗ trợ đồng nghiệp là bất kể lúc nào trong ngày.
“Tham gia hỗ trợ đồng nghiệp bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là công việc vất vả, đòi hỏi nhiều công sức và lòng nhiệt tình, trách nhiệm”. Chia sẻ điều này, cô Hà cho biết, ngoài việc thiết kế nội dung tập huấn cho khoa học dễ hiểu để lên lớp trực tiếp, giáo viên cốt cán còn phải hỗ trợ trực tuyến, chấm bài. Bởi vậy mà mỗi đợt bồi dưỡng, điện thoại luôn được cô Hà mở 24/24 để sẵn sàng trả lời, giải đáp và giúp đỡ thầy cô bất cứ lúc nào cần; rồi nhắc nhở đồng nghiệp về tiến độ học tập.
“Có nhiều cuộc điện thoại nóng ran máy vì phải hướng dẫn từng thao tác cho thầy cô; từ đăng nhập tài khoản, vào học tập, cách trả lời câu hỏi để hệ thống nhận đáp án, nộp sản phẩm, chỉ ra lỗi sai và cách sửa lỗi khi sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu…” - cô Hà kể lại.
Thời điểm này, các cốt cán của Phú Thọ, trong đó có cô Hà đã hoàn thành xuất sắc hỗ trợ đồng nghiệp bồi dưỡng các mô đun 1, 2 và 3 theo đúng yêu cầu của Sở GD&ĐT.
Quan trọng nhất là nhiệt huyết, say nghề
Nếu bồi dưỡng thực hiện chương trình mới là theo đợt, thì việc tham mưu, tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ với đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp lại thường xuyên, liên tục. Đây cũng là hoạt động ghi dấu ấn của cô Nguyễn Thị Thu Hà suốt nhiều năm nay.
Với vai trò là báo cáo viên từ các đợt sinh hoạt chuyên môn cụm, các đợt sinh hoạt chuyên môn do Sở GD&ĐT tổ chức, cô thường xuyên được đồng nghiệp tin tưởng chia sẻ khó khăn trong công việc; những khúc mắc trong quá trình tiếp cận những quan điểm và phương pháp, kĩ thuật dạy học mới.
Trong điều kiện dịch bệnh, đồng nghiệp thường nhờ cô Hà hỗ trợ qua điện thoại. Khi thì giúp chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch dạy học theo yêu cầu mới và xây dựng kế hoạch bài học (soạn giáo án); lúc lại là hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, hay sử dụng một phương pháp kĩ thuật dạy học mới.
Cũng có khi đồng nghiệp gọi để hỏi ý kiến cô Hà về cách ra đề; bồi dưỡng học sinh giỏi; hướng giải quyết một đề văn; kinh nghiệm tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học…
Bất kể lúc nào, dù tối muộn, hay đang dở bữa trưa, cô đều vui vẻ, nhiệt tình trả lời các cuộc gọi, hay tin nhắn của đồng nghiệp nhờ góp ý.
“Năm học 2021- 2022 sắp bắt đầu. Đây cũng là giai đoạn thầy cô giáo đang gấp rút xây dựng kế hoạch giáo dục và chuẩn bị cho một năm học trong hoàn cảnh đặc biệt. Từ đầu tháng 8 đến nay, hầu như ngày nào cũng có đồng nghiệp gọi điện mong có được sự hỗ trợ… Dù vất vả đôi chút, nhưng đây cũng là niềm vui khi thấy mình được tin cậy và giúp đỡ được mọi người” – cô Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm để làm tốt vai trò giáo viên cốt cán, cô Hà cho rằng, điều tiên quyết là cần nhiệt huyết, niềm say mê với nghề; trân trọng, thấu hiểu và cảm thông với đồng nghiệp của mình; mong muốn được lan tỏa những kiến thức kinh nghiệm mà mình tích lũy được đến đồng nghiệp để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là ý thức không ngừng học tập, trang bị và củng cố kiến thức, năng lực chuyên môn để có được sự tin tưởng của đồng nghiệp; từ đó có thể hỗ trợ được đồng nghiệp nhiều nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.