Thu nhập tăng
Ông Nguyễn Thành Nghiệp, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây được xem như một hình mẫu nông dân ít vốn nhưng lại thành công trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Đầu tiên, ông mua một máy xới về chế tạo 4 máy xe để bơm nước thuê.
|
Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH tại xã Vĩnh Thuận Tây, Vị Thủy, Hậu Giang. |
Có lời, dành dụm và vay mượn thêm, ông đầu tư mua 3 chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để thu hoạch 20 công ruộng của gia đình và đi cắt mướn cho các hộ lân cận. Ba năm nay, áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng không chỉ giảm sức lao động đáng kể, mà còn giúp ông Nghiệp có thêm thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Tương tự, gia đình ông Lê Hoàng Buôl, ở ấp 7, xã Vị Đông có 65 công lúa. Thấy nhiều nơi thu hoạch lúa khá dễ dàng nhờ máy GĐLH, năm 2009, ông vét hết tiền dành dụm, vay thêm ngân hàng gần 500 triệu đồng mua một chiếc máy GĐLH của Nhật.
Làm ăn được, năm 2010, ông vay tiếp ngân hàng thêm 500 triệu đồng nữa mua chiếc máy thứ hai. Hai máy GĐLH trong nhà nên ông Buôl thu hoạch 65 công lúa khỏe re, nhanh chóng và còn dư thời gian đưa máy đi cắt mướn lúa cho bà con khắp vùng. Giá cắt dao động từ 250 – 350 nghìn đồng/công, nên đầu tư trên 1 tỷ đồng chỉ sau 2 năm, ông thu hồi được vốn, trả hết nợ ngân hàng và năm 2011 lãi hơn 300 triệu đồng.
Chung ấp với hộ ông Buôl, ông Võ Văn Út tâm sự: “Cách đây 4 năm, tui cũng như nhiều nông dân trong xã chỉ biết đến chiếc máy GĐLH thu hoạch lúa trên ti vi, còn tại quê mình thì chiếc máy cắt xếp dãy đã là hiện đại lắm rồi. Tìm hiểu rồi suy đi tính lại, tui đầu tư gần 400 triệu đồng mua 2 chiếc máy GĐLH lắp ráp trong nước. Thời gian sau, bán bớt một chiếc và thêm tiền mua một máy của Nhật. Ngoài thu hồi vốn mua máy thì năm qua, tui thu lời gần 200 triệu đồng từ gặt mướn”.
Bớt nhân công...
Trước đây, với hơn 11ha đất ruộng, mỗi khi bước vào mùa vụ, gia đình anh Phạm Minh Quới ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây phải huy động hết lao động trong gia đình, đồng thời chạy đôn chạy đáo kiếm thêm nhân công và mất cả hàng chục ngày cho khâu làm đất. Rồi đến khâu thu hoạch, vừa phải cắt lúa, vừa lo nấu cơm cho nhân công rất cực.
Huyện Vị Thủy hiện có 270 máy xới, 5 trạm bơm dầu, 6 trạm điện và rất nhiều máy bơm tưới tự phục vụ khác; khâu gieo sạ được đảm bảo bằng cơ giới với 1.631 máy sạ hàng, phục vụ trên 90% số diện tích sản xuất lúa.
Nhưng từ 6 năm nay, gia đình anh Quới đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị máy cày, máy xới nên thời gian làm đất rút ngắn đáng kể, chỉ còn 3 – 5 ngày. Khâu cắt lúa thì anh chuyển sang thuê máy GĐLH cắt chưa đầy 1 ngày là xong. “Lúa sau thu hoạch lại sạch sẽ, rơm ra rơm, lúa ra lúa, bán ngay tại ruộng, tui chỉ việc cầm tiền về” – anh Quới cười nói.
Theo ông Huỳnh Văn Trắng - Chủ tịch UBND xã Vị Thanh, thực tế ở xã nhờ việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã giảm ngắn thời gian gieo sạ cũng như thu hoạch. Nhờ đó giảm được chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân và giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Vị Thủy, bà Trần Hồng Tim cho biết, đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành cơ giới hoá 100% trong khâu làm đất, bơm tưới. Đặc biệt, toàn huyện có 57 máy GĐLH, không chỉ phục vụ cho bà con trong huyện mà còn “đánh thuê” các địa bàn lân cận. “Đây chính là kết quả có được từ sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Không còn nếp nghĩ “làm nông nghiệp chỉ đủ sống” mà đã hình thành khát vọng, tư duy làm giàu từ đồng ruộng” – bà Tim nhận định.
Thu Hiền
Vui lòng nhập nội dung bình luận.