Có hay không lợi ích nhóm để Toyota và Honda lãi khủng?

Hoàng Thắng Thứ năm, ngày 29/09/2016 08:26 AM (GMT+7)
“Liệu có tồn tại lợi ích nhóm ở đây không khi giai đoạn cuối năm, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô thường đạt mức cao nhất?”, ông Nguyễn Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc) đặt nghi vấn về sự chậm trễ xung quanh Thông tư 20
Bình luận 0

Dù Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô đã hết hiệu lực từ ngày 1.7.2016, song Chính phủ vẫn chưa có quyết định cuối cùng về số phận của Thông tư này, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh ô tô vừa và nhỏ vẫn phải chịu ảnh hưởng từ Thông tư 20 bởi họ muốn nhập khẩu ô tô cũng không được.

Tại Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về quy định thủ tục hành chính ngành Công Thương 2016, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô đã tiếp tục phản ánh những bất cập về điều kiện cấp phép đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô vừa và nhỏ tới lãnh đạo Bộ Công Thương.

img

Thông tư 20 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp ô tô vừa và nhỏ

Ông Nguyễn Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc) chia sẻ, Thông tư 20 đã hết hiệu lực từ ngày 1.7.2016. Song tính tới nay đã gần 3 tháng, Thông tư này vẫn được áp dụng. Doanh nghiệp của ông Tuấn cũng như nhiều doanh nghiệp khác muốn nhập khẩu ô tô nhưng không nhập được.

Theo phân tích của ông Tuấn, Thông tư 20 tồn tại hai bất cập là giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng sản xuất kinh doanh loại ôtô đó và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện.

Cụ thể, quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ôtô được áp dụng theo Thông tư số: 19/2012/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành hiện đã bãi bỏ, không còn áp dụng. Trong khi đó, yêu cầu về giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng của Bộ Công Thương vẫn được áp dụng, doanh nghiệp vẫn phải trình giấy ủy quyền chính hãng khi thông quan ô tô nhập khẩu.

“Đối với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, cuối năm là khoảng thời gian kinh doanh tốt nhất. Ví dụ như Trường Hải, một ngày có thể lãi tới 20 tỉ. Vậy nếu thời gian có hiệu lực của Thông tư 20 tiếp tục được kéo dài, những hãng xe như Toyota, Honda sẽ thu về số tiền lãi lớn tới mức nào? Bây giờ đã sắp bước sang tháng 10 rồi, chúng tôi sẽ không có đủ thời gian chuẩn bị cho showroom, gara ô tô để kinh doanh. Trên thực tế, hiệu lực của Thông tư 20 đã kéo dài thêm 3 tháng rồi.

Ý kiến của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị kéo dài hiệu lực của Thông tư 20 tới khi xuất hiện một thông tư khác tương tự Thông tư 20 được ban hành có phải nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận không?

img

Ông Nguyễn Tuấn chia sẻ những bức xúc của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vừa và nhỏ

Liệu có tồn tại lợi ích nhóm ở đây không khi giai đoạn cuối năm, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô thường đạt mức cao nhất?”, ông Tuấn nói.

Còn ông Nguyễn Đình Quyết (Giám đốc Công ty Hưng Hà) đặt ra câu hỏi: “Doanh nghiệp tôi là một trong những nạn nhân của Thông tư 20. Tôi muốn hỏi lãnh đạo Bộ Công Thương là những quy định trong Thông tư 20 là thủ tục hành chính hay điều kiện đầu tư kinh doanh? Trong trường hợp là thủ tục hành chính, có phải những quy định trong Thông tư 20 là một biến tướng của điều kiện kinh doanh ẩn trong vỏ bọc thủ tục hành chính hay không? Còn nếu là điều kiện kinh doanh thì cần phải dỡ bỏ để doanh nghiệp có phát triển theo thị trường”.

Trả lời những câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, giữa tháng 8.2016, Bộ Công Thương  đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng và đến nay vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ về Thông tư 20.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng khẳng định, Thông tư 20 không phải điều kiện đầu tư kinh doanh. Việc Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ Thông tư 20 bởi nội dung Thông tư này bất hợp lý chứ không phải do văn bản bất hợp pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem