Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý 3 nội dung chính để các đại biểu chất vấn gồm: Tình hình triển khai thi hành Hiến pháp; Nghị quyết 67 ban hành năm 2013 của Quốc hội với trọng tâm gồm 2 việc: Giải quyết tồn đọng về xây dựng văn bản pháp luật; giải quyết không thống nhất văn bản thực thi pháp luật; công tác thi hành án dân sự còn nhiều tồn tại.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm trong ngành tư pháp hay không, đặc biệt là hiện tượng vừa soạn thảo vừa ban hành chính sách pháp luật rất phổ biến.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) hỏi: “Về việc phát mãi tài sản thế chấp có liên quan đến pháp luật dân sự, pháp luật hành chính, không nơi nào thủ tục nhiêu khê, phức tạp trong việc bán tài sản, tài sản thế chấp như ở Việt Nam. Bộ trưởng có thấy thực tế đúng như vậy không và có giải pháp gì? Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp có ý kiến gì khi các bộ xây dựng luật luôn có hiện tượng nặng quyền lợi, nhẹ trách nhiệm cho mình?”.
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Một trong những nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp là lấy ý kiến xem có phù hợp với lợi ích của Đảng hay không. Vì thế, việc lợi ích nhóm chưa phải là vấn đề được đặt ra. Với quy trình hiện nay, phải xem là đứng từ phía nào thì mới nói được là có lợi ích nhóm hay không. “Việc vừa xây dựng, vừa ban hành chính sách pháp luật được đại biểu Thúy nêu ra là có lý, nhưng chưa hoàn toàn đúng vì theo quy trình, trước khi xây dựng văn bản, phải tiến hành tổng kết thực tiễn. Nếu làm nghiêm túc sẽ phát hiện ra vấn đề khúc mắc”, ông Cường cho biết. Mặc dù vậy, ông Cường cũng thừa nhận, việc vừa soạn thảo vừa ban hành chính sách pháp luật “có những vấn đề về kỹ thuật”.
Xung quanh các câu hỏi của đại biểu Lịch, ông Cường cho biết: “Ở Việt Nam, luật mẹ chưa có nhưng luật con đã có rồi. Như thời kỳ mới mở cửa, có luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dẫn tới điều chỉnh "hầm bà lằng". Nhưng sau khi Bộ Chính trị chỉ đạo, Bộ Tư pháp cũng có tham gia xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhưng đấy là về vĩ mô thôi. Nếu nói về vi mô, hệ thống pháp luật nước ta thuộc diện phức tạp nhất thế giới với rất nhiều chủ thể ban hành văn bản pháp luật, kể cả chủ tịch xã”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp tục đưa ra nhiều lý lẽ, nhưng không trả lời trực diện vào câu hỏi của các đại biểu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu: “Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, súc tích. Có lợi ích nhóm hay không thì chỉ cần trả lời là “có” hay “không” một cách rõ ràng. Những vấn đề khác cũng không nên nói dài, nói vòng vo mà cần trả lời cụ thể, đầy đủ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.