Đừng biến “trần quân hàm” thành “xin-cho”

Long Nguyên - Hải Phong Thứ sáu, ngày 07/11/2014 09:43 AM (GMT+7)
Ngày 6.11, thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, rất nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến, trong đó vấn đề trần quân hàm đặc biệt được nhấn mạnh.
Bình luận 0

Xóa bỏ dư luận cho rằng Việt Nam phong tướng quá nhiều

Cũng dễ hiểu khi trong buổi sáng 6.11, hầu hết ý kiến đại biểu đăng ký phát biểu là những sĩ quan cấp tá, cấp tướng quân đội. Đây là vấn đề liên quan đến lực lượng vũ trang, một lực lượng hết sức đặc thù. Chính vì thế, những vấn đề được các đại biểu (đa phần liên quan đến lực lượng vũ trang) đề cập hết sức trực diện và rõ ràng.

img Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, việc sửa luật lần này là để xóa bỏ dư luận cho rằng Việt Nam phong quá nhiều tướng.

Trong hầu hết những ý kiến thảo luận, từ “tâm tư” được nhắc đến rất nhiều, bên cạnh vấn đề “trần quân hàm”. Bởi có đại biểu đã nhấn mạnh: “Đừng biến trần quân hàm thành cơ chế xin-cho”.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết: “Theo dự án luật này, quân đội sẽ có tối đa 3 vị trí được phong cấp hàm đại tướng”.

Giải đáp thêm thắc mắc của nhiều đại biểu, Đại tướng Phùng Quang Thanh- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, việc sửa luật lần này là để xóa bỏ dư luận cho rằng Việt Nam phong tướng quá nhiều.

Đại tướng Thanh khái quát, cả nước có khoảng 480 tướng, sau này khi rà soát lại trong cấp phó thì số lượng mới tăng lên. Về quy định trần quân hàm Trung tướng cho Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ Tư lệnh TP.HCM, theo Bộ trưởng Thanh là lựa theo đề xuất quy định thăng cấp bậc hàm lên Trung tướng cho Giám đốc Công an Hà Nội, Giám đốc Công an TP.HCM trong luật CAND sửa đổi.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trực thuộc Bộ Quốc phòng, có cả sư đoàn nằm trong Bộ thì việc phong quân hàm cao nhất là Trung tướng sẽ dễ chấp nhận. Với Bộ Tư lệnh TP.HCM thì “vướng” do đơn vị này thuộc Quân khu 7. “Nếu Tư lệnh TP.HCM hàm Trung tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 7 lại chỉ hàm Thiếu tướng, khi xuống đơn vị kiểm tra mà hàm lại thấp hơn thì khó làm việc” – ông Thanh ví dụ và cho rằng, chỉ nên để hàm Thiếu tướng với chức danh này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, theo dự thảo, tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng do việc nâng quân hàm ở một số cấp tướng.

"Bộ Quốc phòng mong muốn giảm số lượng tướng xuống nhưng đề nghị lại tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415 người, nếu tiếp tục nâng lên sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vấn đề này sẽ có nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua"- Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chia sẻ: Có đại biểu hỏi ông vì sao nước ta phong tướng nhiều thế? Khi giải phóng miền Nam, Việt Nam chỉ có 36 tướng nhưng đánh tan được đế quốc. Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn và để lãnh đạo tốt hơn?

"Nếu chúng ta cần tăng cường sức mạnh quân đội thì có thể phong gấp 10 lần trước tức là 360 tướng. Như thế phải chăng quân đội sẽ mạnh gấp 10 lần? Nhưng hiện nay chúng ta còn phong tướng trên cả mức ấy. Người dân chưa đồng tình vì sức mạnh của quân đội là do lòng dân chứ không phải do số lượng tướng"- ĐB Thuyền nhấn mạnh.

Công an đề nghị thêm một đại tướng

Chiều 6.11, dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã được thảo luận. Theo dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được trình Quốc hội, cấp bậc hàm cao nhất của Thứ trưởng- Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là Đại tướng. Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là cấp phó của Bộ trưởng Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác đảng.

Thảo luận về vấn đề này, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói thẳng: Nếu Giám đốc Công an TP.Hà Nội, Giám đốc Công an TP.HCM có trần quân hàm trung tướng thì giám đốc công an các tỉnh, thành phố khác nên có trần quân hàm thiếu tướng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chỉ rõ: “Tổng cục phó là thiếu tướng, nhưng Cục trưởng một số cục lại là trung tướng, đề nghị xem xét kỹ việc này để cân đối”. Cũng có đại biểu nêu ra vấn đề phải có điều luật về giáng chức và giáng cấp.

   Đại biểu Bùi Văn Phương đề xuất: “Khoa Mác-Lênin mà không được coi trọng bằng các khoa khác thì các thế lực xấu có thể xuyên tạc rằng chúng ta đã có phần phai nhạt tư tưởng Mác-Lênin. Vì vậy, tôi đề nghị trần quân hàm chủ nhiệm khoa Mác-Lênin là thiếu tướng”. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thành cho rằng, đối với các nhà trường, điều cần thiết trước tiên là học hàm, học vị như GS, TS chứ không phải là cấp tướng. Giảng dạy trong các trường quân đội, bên cạnh kỹ năng sư phạm, giảng viên phải có kiến thức cao về an ninh quốc phòng. Vì vậy, không nhất thiết phải quy định phong cấp tướng ở đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem