Có hay không sự nguy hiểm khi dùng thiết bị điện tử cũ học online: Chia sẻ từ chuyên gia

Tào Nga Thứ hai, ngày 18/10/2021 14:55 PM (GMT+7)
Một giáo viên cho biết đã trải nghiệm dùng máy tính xách tay "xịn" dạy liên tục 4 giờ đồng hồ và thấy hiện tượng nóng máy. Vậy học sinh dùng thiết bị cũ có nguy hiểm hay không, chuyên gia chia sẻ những thông tin hữu ích dưới đây.
Bình luận 0

Nhiều nguy cơ khi sử dụng thiết bị điện tử cũ?

Theo chia sẻ của một giáo viên tại TP.HCM: "Mình đã trải nghiệm dùng máy tính xách tay dạy liên tục 4 giờ đồng hồ. Dù máy khá xịn nhưng mình bắt đầu thấy sợ vì càng dùng càng nóng. Nếu máy tính chỉ để lướt web hay xử lý văn bản, xem phim thì không vấn đề gì nhưng khi dùng Zoom, MS Teams... thì có hiện tượng trên. 

Từ đó mình nghĩ các thiết bị điện tử khác thì sẽ có nguy cơ cao. Nhất là với điện thoại - thiết bị điện tử được "tối tiểu hóa" trong sản xuất nhằm mục đích liên lạc và có tích hợp thêm một số tích năng khác. Tuy nhiên, nhìn chung điện thoại không nên sử dụng liên tục và không dùng để chạy những chương trình "lớn". Ngoài ra pin điện thoại không được sản xuất để chịu tải lớn nên sẽ hết rất nhanh.

Trên dữ kiện như vậy, nếu dùng điện thoại để học "online kéo dài" dễ dẫn tới nguy cơ giảm tuổi thọ, điện thoại ngày càng trục trặc, pin chai và có thể nổ pin. Chưa kể khi học kéo dài thì tất yếu học sinh sẽ phải cắm pin để sạc liên tục, khiến nguy cơ nổ càng cao hơn".

Học sinh dùng thiết bị điện tử cũ học online có nguy hiểm không?: Chia sẻ từ chuyên gia - Ảnh 1.

Chiếc áo mặc bị cháy của học sinh lớp 5 ở Nghệ An tử vong khi học online ngày 14/10. Ảnh: Dân trí

Giáo viên này bày tỏ: "Hiện nay có phong trào tặng thiết bị điện tử cũ cho học sinh học online. Với kiểu học hiện nay thì việc này vô tình đẩy các em vào sự nguy hiểm hoặc điện thoại sẽ nhanh chóng bị hư sau một thời gian sử dụng. Nếu đã tặng thì nên tặng thiết bị "đạt chuẩn" và chuẩn làm việc là trên máy tính. Còn điện thoại chỉ nên là thiết bị đạt chuẩn "liên lạc", nếu thêm thì là chụp hình, quay phim hoặc lướt web, xem video. Tức là để hỗ trợ cho học online hơn là để học online".

TS Dương Minh Thành, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ, lúc tập huấn giáo viên có khảo sát nhanh về thiết bị điện tử của thầy cô dùng để tham gia lớp học. Kết quả là phần nhiều thầy cô sử dụng máy tính, 1/6 giáo viên sử dụng điện thoại thông minh và không ai sử dụng máy tính bảng. 

"Tuy nhiên khảo sát học sinh thì tỉ lệ học sinh sử dụng điện thoại thông minh sẽ trội hơn. Còn nếu khảo sát kỹ hơn thì cho thấy tỉ lệ không nhỏ thiết bị các em học online là mượn của bố mẹ, không thể dùng để học "face to face" (mô hình với những trình độ khác nhau được học tập tại những lớp học khác nhau). Ngoài ra còn có nhiều trường hợp không có điện thoại thông minh đủ tiêu chuẩn để học, nhất là ở các địa phương vùng xa. 

Sử dụng thiết bị điện tử cũ thế nào cho an toàn?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Trần Thế Duy, Giám đốc Kinh doanh ngành hàng điện thoại, máy tính bảng, Công ty CP MediaMart Việt Nam cho biết: "So với laptop thì điện thoại, máy tính bảng phù hợp với học sinh tiểu học vì dễ dàng thao tác, sử dụng hơn. Điện thoại cũ không ảnh hưởng đến chất lượng học online do việc học trực tuyến không yêu cầu cấu hình cao, những điện thoại thông minh đời cũ cũng hoàn toàn đáp ứng được...

Tuy vậy, việc dùng điện thoại đi kèm một số nhược điểm như khiến trẻ có tư thế ngồi không tốt, màn hình nhỏ có thể gây hại mắt. Phụ huynh có thể mua kèm các phụ kiện như giá đỡ để giúp chiếc máy này có thể đứng vững, trẻ không phải cúi mặt xuống một khoảng cách lớn".

Dùng thiết bị điện tử cũ học online có dễ bị phát nổ không?: Chia sẻ từ chuyên gia - Ảnh 2.

Học sinh ở Hà Nội học online năm học 2021-2022. Ảnh: NVCC

Anh Duy nhấn mạnh, điện thoại không dễ phát nổ và rất ít xảy ra trường hợp nổ điện thoại do nguồn điện từ cổng sạc vào điện thoại chỉ 5V. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị sạc không đảm bảo hoặc sử dụng điện thoại có dấu hiệu hỏng hóc (pin phồng rộp, pin chai…) thì pin điện thoại có nguy cơ phát nổ.

Về lời khuyên cho học sinh sử dụng thiết bị điện tử để học online an toàn, anh Duy cho biết: "Việc học online dù bằng bất kỳ thiết bị nào cũng cần sự giám sát, hỗ trợ của các bậc phụ huynh và sự phối hợp của nhà trường, nhằm mang lại cho trẻ môi trường học tập an toàn và hiệu quả.

Phụ huynh cần kiểm tra liên tục khi con học online, cho trẻ ngồi xa ổ điện, không cho trẻ sử dụng điện thoại pin phồng rộp, có dấu hiệu hư hỏng. Sử dụng sạc chính hãng và tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, không vừa sạc vừa sử dụng giữ pin luôn ở trạng thái mát.

Bên cạnh đó, thầy cô cần có sự hướng dẫn, phụ huynh cần có sự giám sát để ngăn chặn những nguy cơ xấu trên mạng internet khi con học trực tuyến".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem