Con học online vẫn phải đóng quỹ lớp, phụ huynh tranh cãi kịch liệt

T.N Thứ hai, ngày 18/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Cho rằng học online không phải chi tiêu các khoản nên nhiều phụ huynh bức xúc vì phải đóng tiền quỹ lớp.
Bình luận 0

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 40 tỉnh thành đang tổ chức cho học sinh học online kết hợp với học trên truyền hình. Mặc dù học online, chưa đến trường ngày nào nhưng nhiều phụ huynh lại bày tỏ bất bình khi phải đóng quỹ cha mẹ học sinh (hay còn gọi là quỹ phụ huynh, quỹ lớp).

Trao đổi với PV báo Dân Việt, một phụ huynh giấu tên có con học trường tiểu học ở Hà Nội cho hay, năm học trước do nghỉ dịch Covid-19 nhiều nên quỹ phụ huynh của lớp con chị vẫn còn dư khoảng 6 triệu đồng. Buổi họp phụ huynh đầu năm nay, cả lớp thống nhất số tiền dư không mua quà tặng học sinh, không trả về phụ huynh mà được chuyển tiếp vào quỹ lớp mới. 

"Dù còn tiền dư nhưng ban phụ huynh thông báo đóng tiếp quỹ lớp học kỳ 1 là 500.000 đồng. Số tiền không quá nhiều, ai có trước đóng trước song trong giai đoạn nghỉ dịch nhiều người gặp kinh tế khó khăn và con lại không đến trường, việc này gây bức xúc cho nhiều người", phụ huynh này cho biết. 

Con học online vẫn phải đóng tiền quỹ lớp, nhiều phụ huynh tranh cãi kịch liệt - Ảnh 1.

Không chỉ có trường hợp trên, ở một số diễn đàn mạng xã hội, không ít phụ huynh khác bày tỏ bất bình vì phải đóng tiền quỹ lớp. Một người chia sẻ: "Các con đang học online ở nhà, hội phụ huynh yêu cầu đóng quỹ lớp. Các bác có thấy hợp lý không. Nản quá".

Hay có một phụ huynh đăng lên nhóm có gần triệu thành viên hỏi chuyện quỹ lớp: "Hiện tại các con em chúng ta đều đang học online và đã là lớp học thì có thu quỹ để hoạt động. Mức phụ huynh phải đóng là 500.000 đồng... Như vậy là cao hay bình thường?".

Không chỉ có vậy, phụ huynh này nêu câu chuyện tri ân cô giáo nhân ngày 20/10 nhưng cũng tranh cãi "5 người 10 ý": "Người thì bảo tri ân cả Ban giám hiệu, cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bộ môn; người thì nói chỉ cần cô giáo chủ nhiệm thôi, người thì im lặng không nói gì... Mọi người cho em xin ý kiến". 

Con học online vẫn phải đóng tiền quỹ lớp, nhiều phụ huynh tranh cãi kịch liệt - Ảnh 2.

Một số ý kiến của phụ huynh đăng trên diễn đàn. Ảnh chụp màn hình.

Trước câu hỏi trên, có người cho biết: "Nếu không đóng thì Ban phụ huynh lấy đâu ra tiền để chi các khoản. Học online vẫn có nhiều khoản phải chi". Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cảm thấy bức xúc vì gọi là tự nguyện nhưng buộc phải đóng, nhiều khoản chi vô lý không thể nói được vì "chuyện đã rồi".

Nên hay không đóng quỹ lớp?

Chia sẻ về câu chuyện quỹ cha mẹ học sinh, chị Nguyễn Thanh Mai, có 2 con học tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội cho hay: "Tôi đồng ý đóng tiền quỹ lớp, tuy nhiên phải có lý do chính đáng chi vào khoản gì cần thiết vì con đang học online. Nếu không đợi đến lúc con đi học trở lại thì đóng. Như ở lớp con tôi học lớp 1, vào đầu năm cô giáo gợi ý mua máy soi bài để phục vụ cho việc học online vì vậy cả lớp thống nhất đóng luôn 300.000 đồng".

Chị Đinh Thị Tuyết, quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: "Cứ đầu năm học là đủ các khoản tiền cần phải đóng. Năm nào buổi họp phụ huynh cũng chỉ mục đích là đi đóng tiền quỹ lớp. Còn cả khoản quỹ trường nữa, chưa năm nào tôi được biết quỹ trường dùng để làm những gì".

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: "Quỹ cha mẹ học sinh bao năm nay đều gây bức xúc dư luận. Các câu chuyện quỹ lớp, về lạm thu này đều liên quan đến Ban phụ huynh. Theo tôi, nếu học sinh đi học có vấn đề gì thì đó câu chuyện của gia đình với nhà trường chứ không liên quan đến Ban phụ huynh. Vì vậy tôi nghĩ không cần tồn tại các nhóm hội phụ huynh và cả quỹ phụ huynh. Bộ GDĐT nên cấm hoàn toàn việc thu quỹ phụ huynh".

Theo bà Hương: "Nếu thực tế nhà trường có các khoản chi cần thiết như vậy thì Bộ, Sở nên quy định phụ huynh đóng thêm một khoản cho trường và có tên rõ ràng ví dụ là tiền hỗ trợ học tập. Khoản này đều đặn thu mỗi tháng khoảng 50.000 đồng chẳng hạn. Nhà trường và các thầy cô giáo chi vào cơ sở vật chất, điện, nước, vệ sinh, quà tặng giáo viên, học sinh các ngày lễ, Tết.... Như vậy sẽ dễ dàng hơn với tất cả mọi người".

Bà Hương cho hay, hiện tại mỗi trường có rất nhiều khoản chồng chéo nhau. Ví dụ như tiền cơ sở vật chất. Hàng năm học sinh đều đóng tiền cơ sở vật chất cho trường nhưng lại phải đóng thêm tiền cho  Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để sử dụng đầu tư cơ sở vật chất cho trường và lớp mình. Số tiền này chi như thế nào thì phụ huynh không ai biết. 

Ngoài ra, có một khoản gây tranh cãi là học sinh lớp 1 năm nào vào trường cũng phải đóng cả triệu tiền mua điều hòa, rèm cửa, máy chiếu... rồi học xong lớp 5 ra trường lại thanh lý lãng phí. "Tại sao không gộp lại thành 1 khoản chung rõ ràng để phụ huynh khỏi phải đóng nhiều lần, cho nhiều người gây bức xúc như hiện nay", bà Hương bày tỏ. 

Theo Điều 10, Chương 2, Thông tư 55 của Bộ GDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem