Cơ hội lội ngược dòng của Eximbank sau hơn 1 thập kỷ "nội chiến" của các cổ đông

Linh Anh Thứ tư, ngày 07/08/2024 07:28 AM (GMT+7)
Từ ngân hàng phát triển ổn định, dẫn đầu ngành, sau "cú trượt dài" với nguyên nhân chính đến từ những tranh chấp giữa các nhóm cổ đông đã đẩy Eximbank vào "thế khó". Liệu "làn gió" cổ đông mới có thể giúp Eximbank "lội ngược dòng", vực lại "thời hoàng kim"?
Bình luận 0

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB), rất có thể Gelex (cổ đông lớn hiện sở hữu 4,9% vốn điều lệ Eximbank) sẽ trở thành cổ đông tổ chức lớn nhất của nhà băng này với tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ - mức tối đa một cổ đông tổ chức được sở hữu tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. 

Hơn 1 thập kỷ thăng trầm và "cú trượt dài" của Eximbank

Từ một "tân binh" thuộc nhóm ngân hàng TMCP cỡ nhỏ, hoạt động từ năm 1990 và đến năm 2010, Eximbank nhóm ngân hàng TMCP tầm trung với tổng tài sản lên tới hơn 131.110 tỷ đồng. Nhưng thời "vàng son" của Eximbank chính là giai đoạn 2011 – 2012 với tốc độc tăng trưởng "chóng mặt". Trong năm 2011, tổng tài sản ngân hàng đạt 183.567 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2010; năm 2012 tổng tài sản giảm nhẹ 7% còn 170.156 tỷ đồng. 

Thời điểm này, thị trường tài chính cũng như ngành ngân hàng bất ngờ khi Eximbank công bố nắm trên 51% vốn cổ phần của Sacombank. Dư luận đồn đoán về sự hợp nhất giữa 2 nhà băng này, tạo ra một ngân hàng hàng đầu với tổng tài sản lên tới gần 330.000 tỷ đồng - "siêu ngân hàng" lớn nhất khối ngân hàng tư nhân. Tuy nhiên sau đó, đồn đoán không thành hiện thực khi Sacombank lại sáp nhập với SouthernBank, Eximbank phải rút vốn khỏi ngân hàng đối tác. Cũng từ thời điểm này, "cú trượt dài" của Eximbank bắt đầu trong bối cảnh thị trường tài chính bộc lộ những yếu kém.

Cơ hội lội ngược dòng của Eximbank sau hơn 1 thập kỷ "nội chiến" của các cổ đông- Ảnh 1.

Hơn 1 thập kỷ thăng trầm của Eximbank. Biểu đồ: Dân Việt t/h.

Cụ thể, các chỉ tiêu tài chính của Eximbank liên tục xấu đi trong những năm sau. Năm 2015, Eximbank ghi nhận tổng tài sản ngân hàng chỉ còn 124.850 tỷ đồng, giảm tới 22,5% so với năm trước. Bên cạnh đó, lợi nhuận ghi giảm sâu còn 61 tỷ đồng - mức thấp nhất trong 15 năm trở lại đây. 

Năm 2015 cũng là năm đánh dấu sự chia rẽ của nội bộ Eximbank. Cuộc tranh giành quyền lực tại ngân hàng ngày càng trở nên gay gắt giữa 2 nhóm cổ đông, bên cạnh đó cũng xuất hiện một loạt những bê bối và loạt thông tin xấu ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng. 

Khi những khó khăn của Eximbank đã hiện rõ, cổ đông không nhận cổ tức, ban lãnh đạo Eximbank cho biết: Lợi nhuận của Eximbank sụt giảm mạnh do phải trích lập dự phòng rủi ro rất cao mà nguyên nhân sâu xa là các năm trước Eximbank đã giao thẩm quyền cho các Giám đốc Chi nhánh cao dẫn đến hậu quả nợ xấu cao.

Giai đoạn từ năm 2015 - 2021, tổng tài sản và lợi nhuận của Eximbank dần phục hồi nhưng vẫn ở mức thấp so với "thời hoàng kim". Đáng chú ý, năm 2019, Ban Kiểm soát của Eximbank từng thừa nhận, đây là nhiệm kỳ HĐQT hoạt động "thiếu nhịp nhàng" nhất khi các thành viên HĐQT còn nhiều ý kiến trái chiều, gây tranh cãi.

Kết thúc năm 2022, Eximbank ghi nhận tổng tài sản đạt 185.056 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.709 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 208% so với năm 2021. Sang năm 2023, dù tổng tài sản có tăng 9% so với năm trước, lên 201.417 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 27% còn 2.720 tỷ đồng.

Đón "làn gió" cổ đông mới, liệu Eximbank có lấy lại thời "hoàng kim"?

Ngày 1/7/2024, Eximbank công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ tại ngày 1/7/2024. Danh sách công bố cho thấy, ngoài Gelex là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 4,9% vốn còn có sự xuất hiện nhóm cổ đông liên quan đến CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG).

Qua đó, với sự "hậu thuẫn" từ Tập đoàn đa ngành Gelex và cổ đông liên quan đến Bamboo Capital, giới tài chính kỳ vọng nhiều về "cú ngược dòng" của Eximbank khi hai năm trở lại đây, hàng loạt tên tuổi đã rút lui khỏi ngân hàng này như Vietcombank, VinaCapital, Thành Công.

Cơ hội lội ngược dòng của Eximbank sau hơn 1 thập kỷ "nội chiến" của các cổ đông- Ảnh 2.

Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại Eximbank.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Eximbank thông qua mục tiêu khá 'tham vọng" với lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2023. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Eximbank báo lãi trước thuế 1.474,3 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và mới chỉ đạt 28% kế hoạch năm đề ra. Như vậy, Eximbank còn cách mục tiêu rất xa.

Ở thái cực khác, thống kê lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, lợi nhuận Eximbank dù có sự cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 5%) nhưng vẫn xếp vị trí 19 trên tổng số 28 ngân hàng Dân Việt thống kê. 

Cần nhớ, trước khi xảy ra những cuộc "nội chiến" giữa các nhóm cổ đông, Eximbank từng là 1 ngân hàng hàng đầu trong hệ thống, được xem là "ngôi sao" với khối tài sản hàng trăm nghìn tỷ và huy động vốn hàng năm cũng hơn 100.000 tỷ đồng.

Cơ hội lội ngược dòng của Eximbank sau hơn 1 thập kỷ "nội chiến" của các cổ đông- Ảnh 3.

Thống kê lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024 (tỷ đồng). Biểu đồ: Dân Việt t/h.

Đơn cử, tại thời hoàng kim năm 2011, Eximbank là ngân hàng giữ vị trí thứ 4 tại "cuộc đua" lợi nhuận giữa các ngân hàng, vượt lên trên nhiều "ông lớn" ở thời điểm hiện tại như SHB, Sacombank, ACB, Techcombank, MBBank,.. 

So sánh với nhóm ngân hàng từng ở phía sau, hiện tại, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Eximbank chỉ tương ứng 21% lợi nhuận của SHB; 28% của Sacombank; 14% của ACB; 9% của Techcombank;... Như vậy, thống kê cho thấy, Eximbank đã bị "bỏ lại" rất xa.

Cơ hội lội ngược dòng của Eximbank sau hơn 1 thập kỷ "nội chiến" của các cổ đông- Ảnh 4.

Hội đồng quản trị của Eximbank ở hiện tại. Nguồn: Eximbank.

Chính những rối ren nhân sự cấp "thượng tầng" ở Eximbank nhiều năm qua được cho là nguyên nhân chính dẫn đến những chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm cổ đông, khiến Eximbank nhiều lần tổ chức bất thành đại hội để bầu HĐQT, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhà băng này. 

Bởi, nên nhớ các ĐHĐCĐ không chỉ liên quan đến vấn đề nhân sự, mà còn vạch ra đường hướng, kế hoạch kinh doanh, phát triển. Cuộc chiến nội bộ, những toan tính của các nhóm cổ đông lớn có thể kéo lùi sự phát triển của Eximbank.

Liệu "làn gió" mới có thể vực dậy một Eximbank trở lại thời "vàng son" và dành lại vị thế vốn có? 

Người viết cho rằng, sự yên ổn trong "cuộc nội chiến" cổ đông, gắn kết trong bộ máy lãnh đạo thượng tầng là chìa khóa để Eximbank "lội ngược dòng", vượt qua những khó khăn hiện tại – trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường tài chính cũng như khó khăn xuất phát từ tàn dư quá khứ tại ngân hàng này.

Diễn biến mới nhất, cập nhật đến ngày 6/8, CTCP Thắng Phương không còn nằm trong nhóm cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên tại Eximbank.

Trước đó, tại cập nhật ngày 1/7, Thắng Phương từng nắm giữ 53,4 triệu cổ phiếu Eximbank, tương ứng 3,07% vốn của ngân hàng.

Ngoài CTCP Thắng Phương, 4 cổ đông còn lại (Tập đoàn Gelex, Chứng khoán VIX, bà Lê Thị Mai Loan và bà Lương Thị Cẩm Tú) không có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu so với báo cáo trước đó.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem