Cơ hội lớn từ phiên chợ nhỏ

Thứ hai, ngày 18/02/2013 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được trao cơ hội tiếp cận thị trường, hàng nghìn phụ nữ ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Ninh Thuận đã có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống qua những phiên chợ nhỏ.
Bình luận 0

LTS: Với mong muốn người nông dân nghèo Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, gia tăng tiếng nói, nắm bắt cơ hội ổn định và cải thiện cuộc sống, từ tháng 2.2013, Báo Nông Thôn Ngày Nay và Dân Việt trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số kỳ chuyên trang và phóng sự ảnh với chủ đề "Vun trồng một tương lai no đủ". Chuyên trang được thực hiện với sự hợp tác của Tổ chức Oxfam.

"Tôi làm được thì ai cũng làm được"

Chị Katơr Thị Hồng Đẹp, 23 tuổi, đã lập gia đình và có 1 bé gái 3 tuổi, sống tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Trước đây, gia đình chị chỉ có nguồn thu nhập khiêm tốn từ trồng bắp (ngô), trồng lúa trên diện tích 500m2 và nuôi heo (1 con). Thu nhập này chỉ đủ trang trải một nửa chi phí sinh hoạt gia đình, chủ yếu là để mua gạo và mắm muối cho các bữa ăn đạm bạc hàng ngày.

img
Giờ đây, chị Đẹp đã xây dựng được mối quan hệ rất tốt với những người buôn bán khác ngoài chợ.

Cách đây 1 năm, ngoài 2 khóa tập huấn về thú y và khuyến nông, chị đã tham gia thêm các khóa tập huấn của dự án về kỹ năng bán hàng, cách tính toán chi phí/giá thành cho sản phẩm và kỹ năng "đàm phán" với các tiểu thương và đối tác mua bán nông sản. Hiện chị đã có một gian hàng bán trái cây tươi ngon trong chợ và một đàn heo lớn rất nhanh, thay vì chỉ nuôi 1 con heo như trước. Cả nhà ai cũng vui vì có thêm một khoản thu nhập lớn từ bán hoa quả và nuôi heo.

"Tôi bán được nhiều trái cây, thu nhập trung bình 100 nghìn đồng/ngày. Bây giờ tôi có thể dùng tiền bán hàng để chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình mình: 20 nghìn đồng chi cho mua sữa và đóng tiền ăn trưa hàng ngày cho con học mẫu giáo, 40 nghìn đồng/ngày mua gạo, thịt, cá, mắm muối cho gia đình. Số tiền lãi còn lại (40 nghìn đồng) để tích lũy"- chị Đẹp chia sẻ.

“Tất cả mọi người đều có thể làm được như tôi. Hãy cố gắng tìm ra sản phẩm mà bạn muốn bán và hãy tự tin vượt qua các thử thách ban đầu”.

Giờ đây, chị Đẹp đã xây dựng được mối quan hệ rất tốt với những người buôn bán khác ngoài chợ. Dựa vào đó, chị đã xác định được giá bán cho nông sản. Ngay sau khi tham gia khóa tập huấn và bắt đầu tập bán hàng ngoài chợ cùng các phụ nữ khác trong dự án, chị đã bắt đầu mở quầy hàng riêng. Chồng chị thường làm việc trên rẫy trong khi chị bán hàng ngoài chợ. "Giờ đây, sau khi đã có thêm kinh nghiệm bán hàng, tôi cần một khoản tiền để mở rộng việc kinh doanh của mình".

"Tôi có thể cần tập huấn thêm về những loại trái cây tôi đang bán. Ngoài ra, tôi cũng rất muốn chia sẻ những lời khuyên hữu ích cho mọi người về những loại trái cây tốt cho sức khỏe, chúng cung cấp những vitamin gì và loại trái cây nào giúp chữa bệnh và tăng cường sức khỏe".

Khuyến khích phụ nữ làm chủ kinh tế

Chị Đẹp là một trong gần 2.000 phụ nữ tại 3 xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc) và xã Phước Tân và Phước Tiến (huyện Bác Ái) tỉnh Ninh Thuận đã và đang được hưởng lợi từ Dự án "Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế". 90% trong số đó là phụ nữ Raglai. Dự án này do Tổ chức Oxfam hỗ trợ và UBND các huyện Bác Ái, Thuận Bắc là đối tác.

Địa bàn các xã nói trên nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh của tỉnh Ninh Thuận. Trước khi có dự án này (năm 2010), nơi đây vẫn còn tập tục và thói quen sinh hoạt "tự cấp, tự túc", không thường mua bán tại chợ mà chỉ qua trao đổi hàng hóa tại các hàng quán và giữa các hộ dân với nhau. Nếu tư thương có đến mua nông sản, thường mua với giá rất thấp. Bà con cũng không thu được nhiều.

Bởi vậy, nội dung của dự án này được thiết kế nhằm nâng cao vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ Raglai thông qua các can thiệp và hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, tăng cường các cơ hội tham gia vào thị trường cũng như giành được vai trò làm chủ kinh tế trong gia đình.

Dự án này hướng đến 4 mục tiêu cụ thể là: Nâng cao kiến thức và kỹ năng của phụ nữ Raglai về sản xuất hàng hóa và tiếp cận nền kinh tế thị trường; tăng cường sức mạnh của phụ nữ Raglai trong các quan hệ kinh tế thông qua thúc đẩy liên kết các tổ nhóm sản xuất/kinh doanh vừa và nhỏ; phát triển hoạt động sản xuất và thị trường hàng hóa thông qua vận động chính sách và hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và tổ nhóm nông dân sản xuất; tạo sự thay đổi trong phân công lao động giữa nam và nữ trong gia đình để phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế của gia đình.

Dự án kéo dài đến hết năm 2014, mục tiêu hỗ trợ 3.000 phụ nữ dân tộc Raglai tại tỉnh Ninh Thuận giành được vị thế kinh tế và xã hội bình đẳng trong cộng đồng của mình.

Nam giới đã biết thương chị em hơn

Ngoài các hoạt động tập huấn, thúc đẩy phát triển kinh tế trong vùng Dự án“Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế”, các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới đã được triển khai trong 2 năm qua. Nam giới, phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người già rất hào hứng khi tham gia những "đêm hội diễn/hội thi" về bình đẳng giới tại nhà văn hóa thôn/xã, xem phim về bình đẳng giới và thảo luận về các hình thức bạo lực/các giải pháp, cùng nhiều hình thức tổ chức sinh động khác để góp phần phòng chống bạo lực gia đình.

Nhờ những hoạt động nói trên, nam giới đã chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh (nuôi heo, nuôi bò, trồng bắp...) và chia sẻ gánh nặng công việc nội trợ như nấu cơm, trông con, giặt đồ, rửa bát và quét nhà. Họ cũng đã tăng cường hỗ trợ, động viên phụ nữ (vợ, chị, em...) tham gia vào các hoạt động cộng đồng và xã hội như họp nhóm sản xuất (thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hay trong sản xuất kinh doanh và nuôi dạy con cái...), tham gia các hoạt động thị trường (gom và mang hàng hóa ra chợ để bán).

Tuy nhiên, những kết quả nêu trên mới hình thành và đang ở giai đoạn khởi đầu. Để duy trì những thành quả trên và đóng góp của nam giới nói riêng trong gia đình và xã hội, dự án xác định tiếp tục hỗ trợ các nguồn lực cần thiết và phát huy những sáng kiến, cách làm mới cho địa phương trong những năm tiếp theo.

Chuyển từ “đổi” sang “bán” nông sản

"Trước đây mình muốn mua cái gì thì cũng chỉ biết mang bắp (ngô), mang gà ra đổi tại các quán trong làng. Không biết giá bao nhiêu, mắc (đắt) hay rẻ. Bò, heo nuôi lớn khi cần thì đổi xe máy, đổi gạo, mắm chứ không bán lấy tiền mặt. Khi có việc cần phải đi chợ thì rất xa nên bất tiện lắm. Nay địa phương mở chợ phiên mình rất vui, có điều kiện mang con gà, gùi bắp ra bán lấy tiền, muốn mua gì cũng được".

Anh Pi-năng Giếng (thôn Ma Ty, xã Phước Tân, huyện Bác Ái)

Sẽ mở rộng quy mô sang các xã lân cận

"Việc duy trì các chợ phiên đã phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân, là cơ hội để giới thiệu các sản phẩm hàng hóa mà địa phương có thế mạnh ra thị trường; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Đây là một trong những hiệu quả mang lại từ Dự án "Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế"… Phát huy hiệu quả của chương trình này, thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sang các xã còn lại; có hướng hỗ trợ các xã về điều kiện cơ sở hạ tầng; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà phân phối cùng tham gia thị trường để phát triển hơn nữa hoạt động thương mại tại địa phương".

Ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Trưởng Ban điều hành Dự án Oxfam huyện Bác Ái.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem