Cỏ lúa cũng ra hạt lúa có râu rõ dài, vì sao nông dân Nam Định đang gấp gáp diệt trừ, nhổ bỏ?
Nông dân Nam Định rốt ráo tiêu diệt lúa cỏ trên đồng
Mai Chiến
Thứ năm, ngày 20/04/2023 08:21 AM (GMT+7)
Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, vụ Xuân 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 250 ha lúa bị nhiễm lúa cỏ. Hiện nay, các địa phương đang khuyến cáo bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nhổ bỏ và xử lý lúa cỏ.
Những ngày qua, bà con nông dân trên địa bàn xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường đang tích cực nhổ bỏ và xử lý lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma, lúa hoang, lúa dại) để giảm sự lây lan ra diện rộng.
Theo người dân nơi đây, lúa cỏ xuất hiện trên địa bàn xã từ năm 2020. Với tốc độ lây lan nhanh, sinh trưởng mạnh, hiện nay lúa cỏ đã xuất hiện ở nhiều xứ đồng, khiến bà con nông dân đau đầu, mệt mỏi vì lúa cỏ.
Thậm chí đã có những hộ gia đình phải bỏ hoang ruộng, không thể canh tác do ruộng bị nhiễm nặng lúa cỏ. Đây cũng là 1 phần nguyên nhân khiến lúa cỏ lây lan sang những diện tích bị nhiễm nhẹ hoặc chưa nhiễm, do không có ai xử lý lúa cỏ ở những diện tích bỏ hoang.
Năm nay là năm thứ 3, bà Vũ Thị Len (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường) ghi nhận ruộng lúa của gia đình bị nhiễm lúa cỏ. Ngay từ vụ, bà đã xử lý lúa cỏ bằng cách nhổ bỏ nên tỷ lệ nhiễm lúa cỏ đã giảm nhiều.
Bà Len cho hay, vụ Xuân 2021, ruộng lúa của gia đình bà bắt xuất hiện lúa cỏ. Vì thời điểm đó, gia đình bà gieo sạ trực tiếp xuống ruộng nên khi phát hiện lúa cỏ, bà chỉ cắt qua loa đầu ngọn, không nhổ bỏ tận gốc, do đó lúa cỏ vẫn còn lưu tồn trong ruộng từ đó cho đến nay.
"Lúa cỏ lây lan và phát triển rất nhanh, nếu không tích cực xử lý và nhổ bỏ sớm thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng của lúa trồng. Gia đình tôi đã có vụ mất mùa vì lúa cỏ", bà Vũ Thị Len nói.
Theo bà Len, mặc dù tỷ lệ nhiễm lúa cỏ trên ruộng lúa của gia đình bà đã giảm theo từng vụ, song hiện nay bà vẫn chưa tìm ra được biện pháp để xử lý dứt điểm lúa cỏ.
Chỉ tay về phía diện tích ruộng bị nhiễm lúa cỏ, bà Len phân trần: "Vụ Xuân 2023, nhà tôi có khoảng 20% diện tích bị nhiễm lúa cỏ. Khi phát hiện, tôi đã chủ động nhổ bỏ ngay từ đầu vụ, nhưng hiện tại vẫn còn. Đây là loại lúa hoang dã, sống dai, nếu để lâu thì rất khó xử lý. Bởi chúng lây lan và phát triển nhanh".
Hai năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Cậy (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường) đã chuyển đổi phương thức canh tác từ gieo sạ sang cấy tay truyền thống. Mục đích, hạn chế lúa cỏ mọc; trường hợp khi phát hiện lúa cỏ thì cũng dễ xử lý.
Bà Cậy tâm sự, năm kia, mỗi sào lúa, gia đình bà chỉ thu được khoảng 70kg thóc do lúa cỏ lấn áp và lây lan rộng, không kịp xử lý. Thua lỗ nặng nề.
"Lúa cỏ thời gian trỗ bông sớm hơn lúa trồng. Hạt thóc của lúa cỏ rất dễ rụng và mọc mầm, phát triển rất nhanh. Vụ trước, tôi có cắt đầu bông về cho gà, vịt nhưng gà, vịt không ăn bởi hạt thóc có râu dài", bà Cậy thổ lộ.
Theo bà Cậy, hạt thóc lúa cỏ hẹp, dài, bầu dục hoặc tròn; có râu dài hoặc không có râu. Nếu lẫn vào thóc thịt (thóc thu hoạch từ lúa trồng - PV) thì thương lái sẽ không mua, rất khó bán; hơn nữa nếu nấu cơm thì rất khó ăn, bởi hạt cơm khô, có mùi hôi.
Nhiều bà con nông dân ở xã Xuân Hồng chia sẻ với chúng tôi rằng, hiện nay làm nông nghiệp rất vất vả, khó khăn. Ngoài tiêu diệt "giặc" chuột, ốc bươu vàng, các loại dịch bệnh gây hại trên lúa thì hiện nay họ còn phải "gồng" mình tiêu diệt nạn lúa cỏ.
Áp dụng tổng hợp 4 biện pháp kỹ thuật để tiêu diệt lúa cỏ
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) thông tin, vụ Xuân 2023, toàn xã gieo cấy hơn 350 ha lúa.
Qua thống kê, hiện toàn xã có trên 50 ha lúa đang bị nhiễm lúa cỏ nặng. Thời gian qua, người dân cũng đã chủ động xuống đồng nhổ bỏ lúa cỏ nhằm hạn chế lây lan và phát triển ở những diện tích khác.
Theo ông Tuấn, ngay từ đầu vụ sản xuất, chính quyền địa phương đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình canh tác tổng hợp để hạn chế tình trạng lúa cỏ nhưng khó tránh khỏi. Bởi, lúa cỏ có sức sống mãnh liệt, khó tiêu diệt và lây lan nhanh.
"Ngay từ đầu vụ sản xuất, địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi phương thức canh tác từ gieo sạ sang cấy tay hoặc cấy máy; mua thóc giống ở những cơ sở có uy tín, không sử dụng thóc thịt làm thóc giống và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động xử lý sớm lúa cỏ…", lãnh đạo UBND xã Xuân Hồng cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Trường cho biết, lúa cỏ (tên khoa học là Oryza sativa) cùng loài với lúa trồng nhưng là loài phụ, không cho năng suất, chất lượng như con người mong muốn.
"Lúa cỏ là một loại dịch hại nghiêm trọng trong các vùng trồng lúa; lưu tồn trên đất trồng lúa trong thời gian dài, có nguy cơ lây lan và gây hại diện rộng; sinh trưởng và phát triển mạnh.
Chúng cạnh tranh trực tiếp về ánh sáng, không gian sống, dinh dưỡng, nước với lúa trồng; làm giảm chất lượng lúa gạo và rất khó phòng trừ nếu không có biện pháp quản lý kịp thời", ông Trường bộc bạch.
Ông Trường cho biết thêm, lúa cỏ có thân tròn, mảnh; chiều cao từ 120 - 160 cm. Lá lúa cỏ dài, hẹp; giai đoạn cây con và giai đoạn làm đòng, trổ bông màu sắc lá lúa có xanh nhạt hơn so với lúa trồng.
Hạt thóc của lúa cỏ có râu dài từ 1 - 6 cm hoặc không có râu. Màu sắc hạt lúa cũng có nhiều kiểu như đen, vàng sẫm, nâu đen hoặc tím; đôi khi trên cùng một bông lúa nhưng các hạt có màu sắc khác nhau.
"Thời gian sinh trưởng của lúa cỏ biến động lớn từ 90 - 115 ngày; ít đẻ nhánh, từ 1 - 2 nhánh. Trổ bông sớm hơn lúa thường 5 - 7 ngày, thời gian trỗ kéo dài. Hạt dễ rụng, khi hạt lúa vừa vào chắc là bắt đầu rụng hạt, mức độ rụng hạt càng nhiều khi đến gần giai đoạn chín.
Sau khi hạt rụng nếu gặp điều kiện thuận lợi thì nảy mầm ngay, nếu gặp điều kiện bất thuận hạt sẽ ngủ nghỉ nhưng vẫn có sức sống cao, duy trì sức nảy mầm trong thời gian dài, do vậy lúa cỏ tồn tại và tích tụ tăng dần qua các năm", ông Trường thông tin.
Nói về tác hại của lúa cỏ, ông Trường bộc bạch: Nếu trên đồng ruộng, lúa cỏ xuất hiện trên 70% sẽ làm giảm năng suất hoặc không cho thu hoạch, ảnh hưởng chất lượng nông sản.
Ngoài ra, làm giảm giá trị hàng hóa của lúa trồng, tăng chi phí sản xuất. Đặc biệt, lúa cỏ cạnh tranh trực tiếp với lúa trồng về không gian, ánh sáng và dinh dưỡng...
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định chia sẻ, hiện nay lúa cỏ xuất hiện rải rác ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Xuân Trường ghi nhận diện tích nhiễm lúa cỏ là nhiều nhất.
Theo ông Việt, có nhiều nguyên nhân khiến lúa cỏ xuất hiện và lan rộng như: Hạt giống bị lẫn lúa cỏ. Người dân tự để giống lúa, nhất là sử dụng giống trong vùng đã nhiễm lúa cỏ để gieo cấy cho vụ sau, làm gia tăng lúa cỏ trên đồng ruộng.
Ngoài ra, thời gian chuyển vụ ngắn nên nguồn hạt lúa cỏ lưu tồn trên đồng ruộng từ những vụ trước chưa được xử lý. Bên cạnh đó, hạt lúa cỏ có thể di chuyển, phát tán theo nguồn nước, máy móc nông cụ (máy làm đất, máy gặt…) từ ruộng này sang ruộng khác, nơi này sang nơi khác…
Để hạn chế tình trạng lúa cỏ, ông Nguyễn Quốc Việt khuyến cáo, người dân cần áp dụng tổng hợp 4 biện pháp kỹ thuật gồm: Biện pháp canh tác, biện pháp thủ công, biện pháp sinh học, biện pháp sử dụng thuốc hóa học.
Trong đó, ưu tiên vào biện pháp canh tác (chọn giống đảm bảo chất lượng, chuyển đổi phương thức gieo cấy từ sạ sang cấy tay hoặc cấy máy, phòng chống lúa cỏ khi làm đất, ngăn chặn lây lan lúa cỏ theo máy móc, đảm bảo chế độ nước trong ruộng).
Và biện pháp thủ công (nhổ bỏ lúa cỏ bằng tay, thường xuyên cắt các bông lúa cỏ lẫn tạp khi chưa chín và đem tiêu hủy...).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.