Nam Định: Đưa máy cấy, mạ khay vào sản xuất vụ xuân, lúa ma không còn đất sống

Đỗ Lực Chủ nhật, ngày 05/02/2023 18:31 PM (GMT+7)
Vụ xuân 2023, tỉnh Nam Định gieo cấy 71.200 ha lúa, tăng 193 ha so với vụ xuân 2022, năng suất lúa phấn đấu đạt bình quân 68 tạ/ha trở lên.
Bình luận 0

Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ

Sau những ngày vui xuân đón Tết cổ truyền, nhịp sống của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã trở lại bình thường. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con xuống đồng be bờ giữ nước, làm đất, vệ sinh đồng ruộng… để chuẩn bị tốt nhất cho sản xuất vụ lúa xuân 2023.

Năm nay, toàn huyện Trực Ninh gieo trồng hơn 7.000 ha lúa xuân, với cơ cấu giống chất lượng cao, chống chịu khá với sâu bệnh và diễn biến bất thuận của thời tiết. Cụ thể, lúa thuần chiếm 95% diện tích, sử dụng các giống Bắc Thơm số 7, Đài Thơm 8, Lộc Trời 183, N97; lúa lai chiếm 5% diện tích, sử dụng các giống như Nhị ưu 838, CT16.

Đối với giống ST24, ST25 do chưa được công nhận lưu hành ở các tỉnh phía Bắc, vì vậy UBND huyện Trực Ninh khuyến cáo các địa phương, HTX không tổ chức kinh doanh giống, mà chỉ được phép xây dựng mô hình liên kết sản xuất. Các doanh nghiệp khi triển khai phải báo cáo Phòng NNPTNT Trực Ninh về quy mô, địa điểm triển khai, ký kết hợp đồng và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

Nam Định: Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất lúa xuân - Ảnh 1.

Đến nay, toàn tỉnh Nam Định có trên 90% diện tích đã bừa lồng. Ảnh: Mai Chiến

Đặc biệt, các xã, thị trấn nên lựa chọn từ 1 - 2 giống, tổ chức gieo cấy thành vùng cùng giống, thời vụ và quy trình thâm canh.

Ông Phạm Quang Minh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Trực Ninh cho biết, trong cơ cấu giống ở vụ xuân 2023, huyện Trực Ninh sử dụng giống lúa Bắc thơm số 7 là chủ lực. Hiện nay các địa phương đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân trên địa bàn triển khai công tác làm đất, vệ sinh đồng ruộng, kênh mương và chăm sóc mạ nền…

Ngay từ mùng 3 Tết Nguyên đán, gia đình ông Đoàn Quang Hòa (xã Trực Khang, huyện Trực Ninh) đã bắt đầu làm bùn để gieo mạ nền trên sân. Nhờ thời tiết nắng ấm, kết hợp với việc chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây mạ sinh trưởng, phát triển tốt; lá mạ xanh tươi.

Trong lúc chờ đợi cây mạ đủ ngày để cấy, ông Hòa tranh thủ ra đồng làm cỏ bờ vùng, vệ sinh đồng ruộng. Hiện, 8 sào ruộng của gia đình ông đã đầy nước, máy bừa đã làm đất; nước rút dần là ông Hòa xuống đồng cấy lúa.

Nam Định: Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất lúa xuân - Ảnh 2.

Đoàn lãnh đạo Sở NNPTNT Nam Định kiểm tra tình hình sản xuất vụ lúa xuân 2023. Ảnh: Mai Chiến

Sáng sớm, bà Trần Thị Đậu (xã Trực Khang, huyện Trực Ninh) tranh thủ mở toang tấm bạt che mạ ở trước sân nhà để những mầm mạ non đón nhận ánh nắng xuân. Bà bảo, thời tiết nắng ấm nên mộng mạ nhanh "ngồi", nhiều khóm mộng đang nhú lá xanh non.

"Nhà tôi gieo mạ nền từ hôm mùng 2 Tết. Đến nay, mạ đang phát triển tốt. Hàng ngày, tôi vẫn tưới nước đều để giữ độ ẩm cho rễ, giúp mạ phát triển nhanh, đúng thời gian để gia đình kịp gieo cấy đúng khung thời vụ", bà Đậu thổ lộ.

Nhân rộng mô hình mạ khay, máy cấy

Nhiều năm nay, tỉnh Nam Định đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại máy móc đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô cánh đồng lớn, giúp tăng năng suất lao động, giảm sức người và bảo vệ sức khỏe nông dân.

Trong đó, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng mô hình gieo mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa đã góp phần tiết kiệm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế; đặc biệt hạn chế được tình trạng người dân gieo sạ trực tiếp trên đồng ruộng…

Nam Định: Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất lúa xuân - Ảnh 3.

Mô hình mạ khay, máy cấy đang được tỉnh Nam Định khuyến cáo nhân rộng tại các địa phương. Ảnh: Mai Chiến

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, những năm qua, diện tích gieo sạ tại các địa phương trong tỉnh không ngừng tăng. Điều này kéo theo hệ lụy như nông dân phải sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng nhiều hơn; làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, hiện nay lúa cỏ (hay còn gọi là lúa dại, lúa ma) xuất hiện nhiều trên các diện tích gieo sạ, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất lúa. Trước tình trạng này, năm 2020, UBND tỉnh Nam Định có chủ trương hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nhân rộng mô hình máy cấy.

"Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 270 máy cấy, phân bổ đều ở các huyện. Đến nay, mô hình mạ khay, máy cấy đang được các địa phương trong tỉnh nhân rộng; được người dân đón nhận, nhiệt tình hưởng ứng…", ông Trần Ngọc Chính cho hay.

Năm 2019, gia đình ông Phạm Văn Thảng (xã Giao Tân, huyện Giao Thủy) quyết định đầu tư mua máy cấy Kubota dòng cấy 4 hàng; vừa phục vụ sản xuất cho gia đình, bởi gia đình ông đang canh tác hơn 30 mẫu ruộng vừa làm dịch vụ khi bà con địa phương có nhu cầu thuê cấy.

Ông Thảng nói, so với gieo sạ, cấy bằng máy, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Đặc biệt, cấy lúa theo phương pháp truyền thống (cấy tay - PV) và cấy bằng máy hạn chế được nhiều cỏ dại, qua đó hạn chế việc sử dụng thuốc trừ cỏ, giảm chi phí đầu vào sản xuất.

Nam Định: Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất lúa xuân - Ảnh 4.

Nông dân Nam Định bảo vệ mạ khi nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: Mai Chiến

Vụ xuân năm 2023, tỉnh Nam Định gieo cấy 71.200 ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 68 tạ/ha trở lên; sản lượng lúa đạt 487.000 tấn trở lên, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 75% sản lượng.

Sở NNPTNT Nam Định thông tin, đến nay toàn tỉnh đã cơ bản lấy đủ nước để phục vụ gieo cấy vụ xuân 2023. Trên 90% diện tích đã bừa lồng, các địa phương bắt đầu huy động máy móc để triển khai làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân.

Nhìn chung các địa phương đã thực hiện theo đúng cơ cấu giống của tỉnh đã xây dựng. Cụ thể, lúa lai chiếm 11% diện tích, lúa thuần chiếm 89% diện tích.

"Chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, bám sát diễn biến của thời tiết, phấn đấu sản xuất vụ xuân 2023 đạt kết quả cao trong mọi tình huống. Chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch sang sản xuất nông sản, thực phẩm hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...", Sở NNPTNT Nam Định nhấn mạnh.

Ông Trần Ngọc Chính, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt BVTV Nam Định khuyến cáo, bà con nông dân cần chủ động các biện pháp chống rét, bảo vệ mạ, che phủ nilon cho 100% diện tích mạ đã gieo khi nhiệt độ không khí thấp hơn 15 độ C. Chuẩn bị đủ lượng mạ và nguồn giống lúa dự phòng đảm bảo chất lượng để chủ động khắc phục khi cần thiết. Phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 25/2/2023.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem