Có một loại bánh đặc sản mang tên rất lạ, ăn mãi cũng không chán ở miền Tây: Bánh cúng

Khôi Nguyên Thứ năm, ngày 28/07/2022 19:01 PM (GMT+7)
Từ lâu miền Tây là nơi nổi tiếng với nhiều đặc sản và món ăn ngon. Trong đó có những món bánh đặc sản tên rất lạ mà nhiều người còn chưa nghe đến bao giờ, đó là bánh cúng.
Bình luận 0

Ở miền Tây có một loại bánh đặc sản mà người dân vùng khác có thể sẽ ít biết, thậm chí ngay cả người dân sống tại các tỉnh miền Tây cũng chưa chắc đã từng được thưởng thức qua. Thế nhưng, có một điều đặc biệt là chỉ cần nếm thử qua món bánh này thì chắc chắn sẽ có không ít người nghiện ngay. Đó là bánh cúng.

Nói về cái tên độc đáo của món bánh đặc sản này, nhiều giả thuyết cho rằng, ngày xưa tên bánh là bánh cuốn do cách làm bánh là phải cuốn lá chuối lại.

Nhưng sau này dễ nhầm lẫn với món bánh cuốn nóng nhân thịt nên mới đọc chệch sang thành bánh cúng. Cũng có người cho rằng đây là loại bánh dùng để cúng ông bà tổ tiên, cúng giỗ, cúng rằm nên mới có tên như vậy.

Có một loại bánh đặc sản mang tên rất lạ, ăn mãi cũng không biết chán ở miền Tây: Bánh cúng - Ảnh 1.

Bánh cúng là loại bánh có màu trắng trong, dai giòn, được gói trong lá chuối, thơm mùi bột gạo.

Bánh cúng tuy mang vẻ ngoài mộc mạc, bình dân, nhưng để có được những chiếc bánh thơm ngon là cả một nghệ thuật của người làm bánh. Với tiêu chí, bánh phải dai, có vị béo, ngọt, vừa miệng, khi ăn không ngán, đặc biệt màu sắc bắt mắt, mùi vị hấp dẫn, các công đoạn làm bánh diễn ra công phu.

Phần nguyên liệu chỉ gồm bột gạo pha với nước cốt dừa, đường, nước cốt lá dứa. Muốn bánh ngon, gạo được dùng phải chọn loại gạo ngon, còn nguyên hạt đem đi ngâm nước và xay thành bột. Bột xay xong đổ vào thau nhựa, bắt đầu pha với nước cốt dừa, nước lá dứa, cùng một ít muối, đường cho vừa khẩu vị và dùng vá đảo đều, hòa tan bột sao cho bột không quá loãng hoặc quá đặc là được.

Đến công đoạn gói bánh, tàu lá chuối (chuối sứ hay chuối hột) dùng phải tươi, rọc lấy lá, đem phơi hơi héo (không được quá tươi hay quá khô), rồi xé thành từng miếng bề ngang cỡ hơn lòng bàn tay, đem lau sạch hai mặt trong ngoài.

Tiếp đó, dùng một thanh tre dài cỡ hơn gang tay, đường kính cỡ một phân rưỡi để cuộn lá nhằm định hình thành những chiếc ống dài (bằng gang tay người lớn). Khi cuộn, bắt đầu từ mép lá, cuộn sao cho các lớp lá xếp chồng, hiện vân đẹp mắt; gấp mép ở cuối đầu rồi dùng dây chuối khô xé nhỏ buộc lại, phần gấp mép này rất quan trọng, nếu không khéo, có thể làm mép gãy, khi đổ bột vào sẽ bị chảy; các mép gấp cũng nên vừa phải, vì mép gấp cao quá, cuốn bánh sẽ bị ngắn.

Kế đến, dùng dây chuối buộc tiếp ở thân ống khoảng một, hai sợi, rồi rút lá ra để có những chiếc ống lá phẳng phiu. Phần lá được định hình xong, cho phần bột đã pha vào một cái ca có miệng nhọn để rót bột không chảy ra ngoài. Canh bột đổ vừa phải, vì ít quá bánh sẽ không tròn, nhiều quá bột sẽ trào. Cuối cùng, gấp mép lá lại và cột chặt bằng dây lạt để lúc đổ bột vào ống lá không bị chảy ra.

Có một loại bánh đặc sản mang tên rất lạ, ăn mãi cũng không biết chán ở miền Tây: Bánh cúng - Ảnh 2.

Bánh cúng ngon là phải dai, có vị béo, ngọt, mặn vừa miệng, khi ăn không ngán, đặc biệt màu sắc bắt mắt, mùi vị hấp dẫn, các công đoạn làm bánh diễn ra công phu.

Bánh cúng sau khi hấp chín có mùi thơm của gạo nếp, của các gia vị và quan trọng là mùi thơm của lá chuối quyện vào bánh. Nhiều người hay đùa rằng, bánh cúng càng ăn càng "nghiện", nhiều khi ăn một cái nhưng lại muốn ăn liền 10 cái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem