Để chọn trứng kiến ngon, phải tìm những tổ kiến lành như kiến đen, thân hình nhỏ, đuôi nhọn, làm tổ trên những cây vầu, nứa hay cây găng. Hiện nay, trứng kiến được bán với giá từ 200 - 300 nghìn đồng/kg.
Chị Hoàng Mai Anh, quê ở Cao Bằng sống tại Đà Nẵng chia sẻ: Hồi nhỏ, năm nào tôi cũng cùng bà và mẹ làm bánh trứng kiến. Sau này đi lấy chồng xa, mỗi mùa thanh minh đến tôi nhớ gia đình và hương vị ấy. Ở trong này muốn tìm mua bánh trứng kiến rất khó, đôi khi có nhưng vị bánh không “chuẩn Cao Bằng”.
Mỗi lần có người thân hay bạn bè đến Đà Nẵng du lịch, tôi nhờ họ mua bánh trứng kiến để thưởng thức.
Cách làm bánh không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Gạo nếp Xuân Trường (Bảo Lạc), nếp Pì Pất (Trùng Khánh) hay nếp Ong Hòa An ngâm lẫn với gạo tẻ (theo tỷ lệ) từ 4 - 6 giờ, sau đó vớt ra để ráo, đem xát mịn rồi nhào cho bột mịn bóng. Bột sẽ được cán mỏng cỡ nửa xen ti mét.
Nhân bánh được xào với thịt lợn băm mịn, hành khô phi thơm, nêm bột canh, hạt tiêu vừa ngon. Lá vả bánh tẻ sau khi rửa sạch, lót một lượt vào khay, rải miếng bột nếp đã cán mỏng, rắc nhân lên mặt bột bánh rồi rải tiếp lớp bột, thêm lượt lá nữa lên trên, gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài, sau đó cho lên bếp hấp khoảng 45 - 50 phút cho đến khi bánh chín thì bắc xuống, để nguội và cắt thành từng miếng nhỏ xếp ra đĩa.
Có thể thưởng thức bánh nóng hay để nguội tùy theo sở thích của mỗi người. Cắn một miếng bánh và nhai từ từ để tận hưởng vị ngọt, thơm của gạo nếp, vị ngọt đậm của thịt, độ ngậy, bùi của trứng kiến quyện trong mùi thơm của hành phi và hạt tiêu lẫn vị thơm, bùi, hơi chát của lá vả mang đậm đà hương vị núi rừng sẽ đánh thức cả vị giác, khứu giác và thị giác, khiến bạn ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Người Cao Bằng gọi bánh trứng kiến là “pẻng rày”, món ăn ấy chứa đựng cả nét đẹp trong tâm hồn người Cao Bằng hồn hậu, chất phác, cởi mở, hiếu khách, khéo léo và tinh tế của những người phụ nữ gắn bó với núi rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.