Có một thời như thế

Họa sĩ Trịnh Tú Thứ năm, ngày 22/02/2018 06:40 AM (GMT+7)
Ký ức của mỗi người luôn là một mảnh vườn riêng tư chẳng ai giống ai, và ai cũng cất giữ nó, nâng niu để thi thoảng nhìn ngó lại, rồi chia sẻ với nhau như  dấu tích của từng số phận. Nhưng có một điểm chung của tất cả những dấu tích đó, tôi dám chắc, đó là căn bếp trong tâm khảm của mỗi người.
Bình luận 0

Mới đây, tôi may mắn được trò chuyện với tác giả của một cuốn sách mới xuất bản về câu chuyện bếp núc này. Cuốn “Bếp ấm của mẹ” của Đỗ Phương Thảo. Bà nguyên là  nữ quay phim truyện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Trước cuốn này là cuốn tiểu thuyết “Mẹ con”  thật cảm động bà viết về thân phận con người trong chiến tranh và tràn đầy khát vọng sống. Thực ra, tôi được biết bà từ đã lâu, từ những ngày con khốn khó thời bao cấp, đôi khi hầu rượu các bậc chiếu trên của nền văn nghệ nước nhà như Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm... Những khuôn mặt nặng trĩu ưu tư nhưng ai cũng muốn giấu đi nỗi nhọc nhằn để nói chuyện nghệ thuật. Thi thoảng bà xuất hiện lặng lẽ bày những món đạm bạc nhưng thật tinh tế do chính tay bà làm. Rồi những năm gần đây lại được nhìn ngắm cái bóng lặng lẽ của bà xếp đặt những món ăn không còn đạm bạc nữa, nhưng phần tinh tế vẫn như xưa. Đó là những lúc bà chiêu đãi các bạn của con trai bà, hoạ sỹ Lê Thiết Cương, với rất nhiều thành phần và tuổi tác, trong đó có tôi, và vẫn lại là những câu chuyện nghệ thuật. Bà hiếm khi tham dự vì hình như những câu chuyện của chúng tôi chẳng xa lạ gì với bà.

img

Minh họa bìa cuốn sách “Bếp ấm của mẹ”

Trở lại cuốn “Bếp ấm của mẹ”, tưởng như là một cuốn nặng về nấu nướng. Điều đó thì đã đành, hiếm ai viết kỹ lưỡng từng món truyền thống từ cầu kỳ đến đơn giản được như bà. Nhưng đằng sau chuyện bếp núc đó lại là một câu chuyện khác: Câu chuyện về nếp ăn, nếp ở, về gia phong của một gia đình lương thiện từ xa xôi lắm rồi. Nhưng, cũng hiếm ai có được một văn phong giản dị, chân thực mà tế nhị được như bà. Như thể chúng ta nghe một người kể chuyện không nhiều lời.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà về sống với gia đình bà bác ruột, một gia đình công chức nhỏ ở một tỉnh lộ nhỏ là Phố Hiến, Hưng Yên. Nơi đã thấm đẫm nền Văn hiến Bắc Bộ đồng thời cũng có sự  gặp gỡ mới mẻ với sản phẩm vật chất và tinh thần của người Pháp. Trong căn nhà nhỏ đó, mọi thứ đều ngăn nắp, bác trai là một người hiền, nhân từ và độ lượng, người tạo dựng và gìn giữ một cung cách ứng xử có trên có dưới rất nghiêm chuẩn, lại rất giàu lòng trắc ẩn. Bác gái là người tháo vát đảm đang, cũng tạo dựng nên cách thu vén cho một gia đình nhiều miệng ăn, vất vả đấy nhưng nhiều niềm vui và thật là lương thiện. Dường như hai trụ cột của nếp nhà đó, bằng vào niềm hạnh phúc giản dị, đã là mẫu số chung cho việc hình thành nhân cách cho con cháu. Và nói rộng ra, cũng là một mẫu số chung cho cả một cộng đồng. Đứa bé mồ côi được nuôi dưỡng trong không gian tình thương như thế, được dạy bảo từng chi tiết của bữa cơm như vậy mới có đủ vốn liếng tinh thần để trưởng thành và đón nhận biết bao thăng trầm một đời người. Tư chất nghệ sỹ chắc chắn phải có được một bệ đỡ như vậy. Bởi xét cho cùng, cuộc đời thực mới ban cho nghệ thuật vô vàn chất liệu. Bà viết về những người thân yêu của bà như những người dẫn chuyện cho từng món ăn, thì ra đâu phải chỉ là chuyện ẩm thực như lâu nay người ta vẫn hiểu và vẫn viết. Nó là mối tương tác giữa con người với thiên nhiên, là hiển thị của sự ấm áp của tình người, nguyên vẹn hồn nhiên.

Cũng với cách viết bình dị như vậy, bà dành non nửa cuốn sách viết về từng chặng đường của bà từ bắt đầu cuộc kháng chiến 9 năm cho đến ngày hoà bìhh rồi học lớp tiếng Trung Quốc tại Khu Gang thép Thái Nguyên cho đến ngày bom Mỹ, Khu Gang thép ngừng nghỉ, bà thi vào Trường Điện ảnh học lớp quay phim khoá 3 và bắt đầu những năm tháng cho nền điện ảnh cho đến ngày về hưu. Hầu như bà không viết dòng nào về những tác phẩm mà bà tham dự như các bộ phim “Nghêu sò ốc hến”, “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” , “Tang lễ Bác Hồ”, “Không phải tôi”, “Đến hẹn lại lên”. Rồi nhiều kịch bản về chuyển thể nữa. Phải chăng bà muốn giành nhiều tâm sức  cho những kỷ niệm ấu thơ với một đời sống thật bình yên của bà. Quả là thế, vì ở trang cuối bà viết “... Lần hồi qua năm tháng, tôi đã nghỉ hưu hơn 20 năm. Đến nay tuổi già đã vãn, “giờ” cũng đã hết, ngồi âm thầm trong góc bếp tôi cứ nghĩ phải chăng người xưa sống ĐẸP.  Tôi cứ muốn níu lại những ấn tượng ĐẸP ấy, những ngày sống trên quê hương với những người thân yêu trong gia đình....”

Gấp cuốn sách lại, tôi cũng nghĩ như bà, cộng thêm một niềm nuối tiếc khôn nguôi rằng: Người Việt chúng ta đã từng có một nếp nhà theo đúng với giá trị vốn có của một nền văn minh lúa nước được kéo dài ra đến vùng kẻ chợ, phố mới, hoà trộn nhuần nhuyễn với nền kinh tế mang nặng tính tiểu thương của những gia đình không còn thuần nông nữa nhưng vẫn giữ được cốt cách gia phong, từ lời ăn tiếng nói  đến lề thói tập tục, từ ứng xử giao tiếp đến bữa ăn mỗi ngày. Cái gì cũng được dậy dỗ đến nơi đến chốn, trong mỗi mái nhà để hình thành nên một bộ mặt văn hoá của chung một cộng đồng. Vậy mà tất cả cái đó chỉ còn là hoài niệm. Và như thế, chúng ta đã đánh mất đi một thứ thiệt lớn lao, không thể đo đếm được. Mất văn hoá chính là cái mặt lớn nhất. “Bếp ấm của mẹ” chính là lời cảnh tỉnh đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem