Khi giao dịch trên máy ATM, khách hàng không được đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang để camera ở buồng máy nhận diện. Đây là một nội dung trong dự thảo quy chế giao dịch trên máy ATM mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, bước đầu quy định này gặp một số ý kiến trái chiều.
|
Nhiều người vẫn có thói quen đội nguyên mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang khi rút tiền ATM. Ảnh: HTD |
Khó cho ngân hàng
Theo dự thảo quy chế này thì NHNN quy định như vậy nhằm giúp các ngân hàng có bằng chứng để giải quyết những tranh chấp phát sinh sau này, nếu có. Thực tế đã có nhiều khách hàng khiếu nại với ngân hàng khi giao dịch ở máy ATM bị mất tiền oan, bị trừ tiền trong tài khoản lố, thậm chí không hiểu vì sao tiền trong thẻ ATM không giao dịch vẫn bị mất...
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam, cho biết trong thực tế, thời gian qua, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi giải quyết khiếu nại khi người rút tiền che kín mặt. Vì thế quy định này khi đưa ra đã được nhiều ngân hàng ủng hộ.
Tiến sĩ Võ Văn Khang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Á, cho biết quy định không được đeo khẩu trang trong giao dịch ở máy ATM là không mới. Một số ngân hàng đã kiến nghị hoặc đã tự đưa ra giải pháp yêu cầu khách hàng không được đeo khẩu trang khi giao dịch ở máy ATM.
“Tôi nghĩ chỉ những người có ý đồ xấu thì mới che mặt bất chấp các khuyến cáo ở các buồng máy ATM”, ông Khang cho biết.
Tại sao ngành ngân hàng không xử lý về mặt kỹ thuật là cài đặt thêm phần mềm tự động để khi máy ATM nhận diện khuôn mặt người giao dịch thì mới hoạt động?
Về vấn đề này, ông Khang cho biết xét về mặt kỹ thuật thì việc triển khai nhận diện khuôn mặt để xác định người giao dịch có đeo khẩu trang hay không, hoàn toàn có thể được nhưng sẽ thêm khó khăn về kinh phí cho ngân hàng. Để giảm thiểu gánh nặng hệ thống, phần lớn các camera hiện nay ở máy ATM chỉ chụp ảnh khách hàng khi đang thực hiện các giao dịch.
Tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở ở TP.HCM cũng cho biết nếu yêu cầu ngân hàng bổ sung thêm chức năng nhận diện khuôn mặt và phát triển công nghệ này ở từng camera ở các máy ATM sẽ đòi hỏi ngành ngân hàng phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống. “Việc này sẽ làm phát sinh kinh phí cực kỳ lớn, trong khi đó hiệu quả không cao”, ông này cho biết.
Khuyến cáo chứ không nên bắt buộc
Một số khách hàng cho rằng với quy định như trên, ngành ngân hàng chỉ nên áp dụng ở dạng khuyến cáo như hiện nay chứ không nên nâng cấp thành quy định bắt buộc khách hàng thực hiện.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: Chưa bàn ở khía cạnh có xâm phạm quyền riêng tư của công dân hay không, quy định này nếu trở thành bắt buộc trong giao dịch ở máy ATM thì chỉ có lợi cho ngành ngân hàng.
“Thực tế có những khách hàng do thói quen trong sinh hoạt hay ít tiếp cận thông tin nên không biết quy định này, thậm chí vì một lý do nào đó về hình thể.... Ngộ nhỡ mà lúc giao dịch ATM cứ đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm và sau đó có sự cố tranh chấp thì sao. Thuận lợi thì không nói gì nhưng khi có sự cố như máy ATM không trả tiền, trả tiền rách, hay sự cố mất tiền gì đó... mà ngành ngân hàng dựa vào quy định trên để không giải quyết thì hóa ra o ép chủ thẻ quá”, luật sư Trường nhận định.
Một số ý kiến khác thì cho rằng nếu ngành ngân hàng đã không đầu tư thêm về mặt kỹ thuật để giải quyết vấn đề thì không nhất thiết áp đặt quy định này đối với khách hàng.
Theo Pháp luật TPHCM
Vui lòng nhập nội dung bình luận.