Có nên kiêng ăn chuối, trứng vịt lộn... trước khi thi?

Dương Tùng Thứ ba, ngày 30/06/2015 19:08 PM (GMT+7)
Dù chưa có bằng chứng nào chứng minh ăn chuối, xôi lạc, trứng vịt lộn, chè đỗ đen... trước khi thi thì trượt, nhưng có những sĩ tử vẫn kiêng các món đó với tâm lý "có kiêng có lành"!
Bình luận 0
Có thể kể ra các tục kiêng như: Kiêng ăn chuối, bởi thí sinh lo sợ đi thi trượt vỏ chuối. Kiêng ăn chè đỗ đen, mặc quần áo màu đen vì đỗ đen có màu đen - đồng âm với từ “vận đen”. Kiêng ăn trứng vì trứng hình tròn giống điểm 0. Kiêng ăn mực vì có câu “đen như mực”. Kiêng ăn lạc vì đồng âm với từ “lạc đề”. Kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt là những món ăn được cho là không đem lại may mắn...

img
Có những sĩ tử kiêng ăn chè đỗ đen trong dịp thi cử, vì cho rằng đỗ đen có màu đen - đồng âm với từ “vận đen”. Nguồn: Internet
Không chỉ kiêng các món ăn, một số người có quan niệm “ra ngõ gặp gái” không đem lại may mắn, do vậy nếu đi thi “gặp gái” là quay về ngay. Hoặc thí sinh ra cổng phải bước chân phải trước, chân trái sau. Người đưa đi thi phải hợp tuổi...

Thậm chí có người còn kiêng tắm vì sợ tắm sẽ trôi hết kiến thức; kiêng đi thi giờ lẻ, phải đi giờ chẵn. Khi đi thi, ra khỏi cổng không được quay đầu nhìn lại.  Trong ngày thi, gia đình thí sinh kiêng vỡ cốc chén, bát đĩa... vì lo ngại đó là “điềm báo” cho một sự đổ vỡ.

Giải thích về hiện tượng trên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, khi người ta lo sợ về vấn đề gì, họ sẽ nghĩ ra các tục kiêng để tránh vấn đề đó.

Ví dụ, người ta lo lắng về mất mùa thì sẽ nghĩ ra các tục kiêng để hy vọng không mất mùa. Hoặc dịp đầu năm lo lắng bị hạn thì làm lễ dâng sao giải hạn... Cũng như vậy, lo thi trượt sẽ tránh các yếu tố liên quan đến “trượt”, vận đen như ăn chuối, đỗ đen... với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Ngược lại với tục kiêng, người ta lại làm những việc thể hiện khát khao đạt được mong muốn đó. Ví dụ như khát khao thi đỗ, thí sinh sẽ ăn xôi đỗ, ra cổng gặp trai, đến Văn Miếu sờ đầu rùa đội bia tiến sĩ – biểu tượng của đỗ đạt...

Tiến sĩ Sơn cho rằng, các tục kiêng hay cố làm những việc để lấy may “không mang lại tác dụng gì”. Trong thực tế không có sự kiểm nghiệm đúng sai đến đâu. Do vậy có chuyện, mỗi vùng miền, địa phương lại đưa ra các tục kiêng khác nhau.

Ông Sơn cũng cho rằng, chuyện kiêng kỵ thể hiện tâm lý chờ may rủi, nhưng thi cử hiện nay không có chuyện may rủi, mà phụ thuộc vào năng lực, kiến thức cộng với tâm lý tốt khi làm bài.

Do vậy, không thể có chuyện cứ ăn xôi đỗ là thi đỗ, ăn chuối là thi trượt. Cũng như vậy, không có chuyện thí sinh đến Văn Miếu sờ đầu rùa – nơi đặt bia tiến sĩ là đỗ đạt. Thậm chí, sờ đầu rùa không những không có tác dụng, mà còn xâm hại di tích.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn khuyên: Nếu thí sinh có trót ăn trứng hay ăn đỗ đen cũng không nên lo lắng. Quan trọng là kiến thức tốt, tâm lý bình tĩnh, thoải mái làm bài, “chứ không nên quan tâm đến chuyện kiêng kỵ”. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem