Bạch Dương
Thứ năm, ngày 12/01/2023 16:17 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt ra vấn đề này khi bàn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính quyền ở TP.HCM giai đoạn mới, phù hợp với thực tiễn của một siêu đô thị hơn 10 triệu dân.
Làm việc với Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ tháng 7/2021, TP thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở 249 phường và các quận; 63 xã, thị trấn còn lại thì vẫn áp dụng mô hình chính quyền nông thôn dù tốc độ đô thị hóa cao.
Từ đó, ông Phan Văn Mãi đặt vấn đề liệu cả TP có nên áp dụng cả mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, hay cần có một mô hình mới, nhất là trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 31.
Sở Nội vụ phải tham mưu cho UBND TP một kế hoạch, một đề án về một mô hình chính quyền phù hợp với điều kiện của TP, trong đó lồng ghép Nghị quyết 131, Nghị quyết 1111, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để sớm hoàn thiện mô hình chính quyền ở TP.HCM nhằm phù hợp với một "siêu" đô thị.
"Có nên chăng thực hiện mô hình thị trưởng ở TP.HCM?", Chủ tịch UBND TP đặt vấn đề và cho rằng trong việc nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền phù hợp với TP, các đơn vị cần huy động chuyên gia, cán bộ trong ngành, tập trung trí tuệ để thực hiện.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nêu vấn đề sau khi sáp nhập TP Thủ Đức, tuy quy mô dân số, kinh tế của TP Thủ Đức lớn hơn nhiều tỉnh nhưng không thể coi TP Thủ Đức là một tỉnh mà vẫn vận hành theo cơ chế của cấp quận, huyện.
"Vậy mô hình nào cho TP Thủ Đức, phải chăng là một đơn vị hành chính đặc biệt?", ông Mãi nói và nhấn mạnh nếu có một mô hình tổng thể cho TP.HCM hợp lý, hiệu quả sẽ giúp các hoạt động kinh tế - xã hội được vận hành thông suốt, không chỉ tạo điều kiện mà còn là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của TP.
Đánh giá về công tác cán bộ, ông Mãi cho biết, từng cán bộ trên địa bàn đều được đào tạo bài bản, năng lực tốt, có khả năng cập nhật kiến thức mới. Tuy nhiên, liệu đội ngũ này đã đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững trước thực tế của TP hay chưa? Đó là chưa kể TP còn tồn tại những vấn đề như thiếu biên chế, phân bổ biên chế chưa hợp lý, thiếu cán bộ quản lý đơn vị sự nghiệp công…
Ông Phan Văn Mãi thông tin TP.HCM đang hình thành đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm với nhiệm vụ. Đội ngũ này cần đủ sức thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM.
Trong đề án này, ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Nội vụ quan tâm đến việc đổi mới công tác tuyển dụng, thi tuyển để lựa chọn những nhân tố xuất sắc vào bộ máy. Công tác tuyển dụng này cần tính toán để vận dụng những đặc điểm riêng của TP.HCM, ngoài những quy định chung. Việc thi tuyển cần thực hiện khách quan, đúng người, công tâm…
Bên cạnh đó, địa phương cần duy trì áp dụng thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục tìm thêm cơ chế mới để tăng thu nhập, đảm bảo cán bộ, công chức không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền để yên tâm công tác.
Nhắc đến vấn đề cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP cho hay trong năm qua, TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực với việc giải quyết trên 20 triệu hồ sơ. Tuy nhiên, để thực sự nâng cao chất lượng công vụ thì từng đơn vị, xã, phường, thị trấn phải tùy theo đặc điểm của nơi mình mà có những phương pháp cải cách khác nhau. Đồng thời yêu cầu ngành nội vụ đẩy mạnh việc cải tiến công nghệ để đến cuối năm 2025 cơ bản chuyển toàn bộ hoạt động của hệ thống hành chính TP lên nền tảng số.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.