Đa số bạn đọc Dân Việt cho rằng nên khuyến khích tư nhân tham gia nhiều hơn vào ngành điện

D.N Thứ sáu, ngày 23/06/2023 20:26 PM (GMT+7)
Bạn đọc cho rằng thị trường điện có nhiều nhà kinh doanh thì sẽ tự biết điều tiết, đồng thời cũng có một số ý kiến quanh việc so sánh giá điện Việt Nam với các nước xung quanh.
Bình luận 0

Nên hay không tư nhân hoá ngành điện? 

 Bình luận bài viết "GS.TS Võ Đại Lược: Điện là ngành đang "phi thị trường" nhất!", bạn đọc Nguyễn Đức Dũng (nguyenducdung***@gmail.com) viết: "Tư nhân hoá ngành điện nhiều nhà bán lẻ kiểu viễn thông sao  phải sợ? Thị trường hãy để nó tự điều tiết, không ở đâu có kiểu càng dùng nhiều càng đắt, toàn lấy giá 100 số đầu để lừa trên dối dưới. Thử điều tra thật sự xem có bao nhiêu hộ gia đình trên đất nước này dùng dưới 100 số/tháng để hưởng lợi? Nhiều nhà kinh doanh tức khắc giá sẽ khác, khỏi phải gánh cho sản xuất đó là cái lợi hiển nhiên".

Đa số bạn đọc Dân Việt cho rằng nên khuyến khích tư nhân tham gia nhiều hơn vào ngành điện - Ảnh 1.

(Hình minh họa)

 Bạn đọc Phạm Thắng (Phamngocthang***@gmail.com) nhận định: "Nên tư nhân hoá ngành điện để tạo sức cạnh tranh trên thị trường, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ  nhưng sau khi cổ phần hoá, có sự góp sức của tư nhân thì trở nên rất mạnh mẽ. Hơn nữa, nếu Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân cùng sản xuất kinh doanh điện thì sẽ không còn tình trạng thiếu điện nữa". 

 Bạn đọc có địa chỉ email nguyenphul***@gmail cũng cho rằng:"Đúng là phải dần xóa bỏ cơ chế độc quyền của ngành điện nói riêng và một số ngành khác nữa để tăng tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường".

 Ở phía ngược lại, bạn đọc Trịnh Tuyết (tuyettrinh*** @gmail.com) phản biện: "EVN là doanh nghiệp duy nhất đầu tư hệ thống đường truyền tải điện tới tận từng nhà dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Để hoàn thành mạng lưới phân phối điện này cần lượng vốn đầu tư rất lớn, với thời gian khá dài. Giờ hoàn thiện rồi, nhiều người lại thích đề xuất để tư nhân hoá, cho doanh nghiệp khác vào hưởng lợi. Khôn thế ai chơi".

So sánh giá điện Việt Nam với các nước đang khập khiễng 

 Trong bài viết "Độc quyền không phải vấn đề, chuyên gia nói về nguy cơ tăng "sốc" của giá điện" có thông tin, riêng giá điện, các quốc gia có giá cao hơn Việt Nam như Indonesia (khoảng 20%); Thailand (khoảng 50%), thậm chí như Philippines đắt gấp đôi. Ngược lại, giá điện của Việt Nam lại đắt hơn 40% so với Malaysia. Bộ Công thương cho biết giá bán lẻ điện bình quân 1.864,44 đồng/kWh của Việt Nam tương đương 66% so với giá điện trung bình của thế giới, xếp vị trí 101/147.

Trước vấn đề này, bạn đọc Thanh Tùng (Thanhtung***@gmail.com) bình luận: "Cần phải căn cứ vào GDP bình quân đã mới biết là giá điện nước nào cao hơn nước nào. Người dân bình quân phải đóng bao nhiêu tiền điện một tháng và nó chiếm bao nhiêu phần trăm thu nhập của họ. Thế mới đánh giá được là giá điện cao hay thấp. Và hiện nay, thu nhập của người dân nước ta đang đứng thứ bao nhiêu thế giới?".

 Bạn đọc Phạm Tuấn (Phamvantuan***@gmail.com) cũng có bình luận tương tự: "So sánh giá điện với các nước trên thế giới thì sao không so sánh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam với các nước đó xem có khập khiễng không?  

Bạn đọc Hải Nguyễn (hainongdan***@gmail.com) nhận xét: "Tôi không đồng ý với cách so sánh giá điện của Việt Nam với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Địa lý của Việt Nam khác với một số nước giá điện cao, họ không có thủy điện như Việt Nam". 

 Ngoài ra, bạn Nguyễn Thanh Sơn (Thanhson***@gmail.com) nêu ý kiến: "Tôi sẵn sàng chấp nhận giá điện bằng các nước với điều kiện lương ở Việt Nam cũng bằng các nước khác".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem