Độc quyền không phải vấn đề, chuyên gia nói về nguy cơ tăng "sốc" của giá điện

N.Minh Thứ năm, ngày 22/06/2023 15:05 PM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, tư nhân hóa hoàn toàn ngành điện chắc chắn giá điện sẽ không rẻ hơn mức giá bán tới tay người tiêu dùng thời điểm hiện tại, thậm chí có nguy cơ tăng "sốc".
Bình luận 0

Sau khi Dân Việt đăng tải 2 bài viết của ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), báo đã nhận được một số ý kiến chuyên gia. Dân Việt xin biên tập và đăng tải trên báo và mong tiếp tục nhận được ý kiến từ nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hơn nữa về vấn đề của ngành điện.

Theo số liệu của World Bank, GDP theo sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam là 1.138 tỷ USD (Thailand 1.343, Indonesia 3.566, Malaysia 971 tỷ USD). So sánh GDP danh nghĩa và theo PPP, mặt bằng giá cả của Việt Nam với Philippines và các nước ASEAN khác là khá ngang nhau.

Riêng giá điện, các quốc gia có giá cao hơn Việt Nam như Indonesia (khoảng 20%); Thailand (khoảng 50%), thậm chí như Philippines đắt gấp đôi. Ngược lại, giá điện của Việt Nam lại đắt hơn 40% so với Malaysia.

Trong phát biểu gần đây của Bộ Công Thương, đơn vị này cho biết với giá bán lẻ điện bình quân 1.864,44 đồng/kWh, giá điện bình quân tại Việt Nam tương đương 66% so với giá điện trung bình của thế giới, xếp vị trí 101/147.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 51% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kWh).

Trên thực tế, đã có những ý kiến cho rằng "so sánh giá điện cao hay thấp so với các nước trên thế giới là không chuẩn", bởi thu nhập bình quân của người dân thấp so với nhiều nước, GDP cũng thấp so với các nước đó. Bên cạnh đó, lương của người lao động thấp, không trả cao như các nước.

Độc quyền không phải vấn đề, chuyên gia nói về nguy cơ tăng "sốc" của giá điện - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường – Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính.

Độc quyền không phải vấn đề, giá điện sẽ tăng "sốc" nếu tư nhân hóa hoàn toàn

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường – Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính cho rằng, việc lấy thu nhập bình quân đầu người của người dân để nói rằng không thể so sánh giá điện Việt Nam cao hay thấp so với nhiều nước trên thế giới - điều này vừa có lý, vừa không có lý.

Có lý là bởi, giá điện của nước ta là do nhà nước quy định và phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Tuy nhiên, không có lý ở chỗ giá thành sản xuất lại không hẳn phụ thuộc vào thu nhập. Nhìn vào thị trường điện của Việt Nam, trừ thủy điện, còn lại đều phụ thuộc vào mặt bằng chung về giá cả như các nước khác ví dụ như chi phí đầu tư máy móc, nguyên vật liệu như than cũng phải nhập,… 

Lợi thế của Việt Nam đến từ nhân công rẻ hơn và chi phí mặt bằng rẻ hơn nhưng không nhiều. Do đó, cần phải so sánh cả chi phí sản xuất, tuy nhiên thay vì so sánh với tất cả các nước, mình có thể so sánh với các nước có trình độ sản xuất tương đương Việt Nam để đánh giá xem chi phí sản xuất của Việt Nam cao hay thấp, có thất thoát không, có lãng phí hay kém hiệu quả không. Đây là yếu tố đầu vào ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm. Hay nói cách khác, để so sánh thì phải so sánh cả đầu vào và đầu ra, đầu ra phụ thuộc vào thu nhập và đầu vào phụ thuộc chi phí sản xuất.

Cũng phải nói thêm rằng, giá điện cao quá người dân sẽ không chi trả được, nhưng chúng ta giá bán điện vẫn phải bao phủ được chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, thông thường trên thế giới bao giờ cũng phải có giải pháp hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người tiêu dùng. Ví dụ hộ nghèo sẽ được nhà nước trợ giá, điều này diễn ra ngay cả các nước phát triển.

Độc quyền không phải vấn đề, chuyên gia nói về nguy cơ tăng "sốc" của giá điện - Ảnh 3.

Độc quyền không phải vấn đề, giá điện sẽ tăng "sốc" nêu tư nhân hóa hoàn toàn.

Liên quan đến câu chuyện độc quyền ngành điện, theo ông Cường do nhiều người không hiểu về ngành điện, do đó mới bức xúc và cho rằng, sự độc quyền chính là nguyên nhân khiến cho giá cả thiếu cạnh tranh và đây là một trong những lý do để EVN "kiếm cớ" xin tăng giá điện.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu rõ: Trên lý thuyết người ta cho rằng, độc quyền sản xuất cũng độc quyền về giá. Nhưng ngành điện khác với các ngành sản xuất khác.

Đồng ý là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể hoạt động chưa hiệu quả nhưng hiện các doanh nghiệp thuộc EVN chỉ sản xuất gần một nửa sản lượng điện. Phần hơn một nửa là mua từ các doanh nghiệp ngoài EVN như TKV, PVN, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, cùng với điện nhập khẩu. Giá mua điện thì theo các cơ chế chính sách, thỏa thuận trước đó (ví dụ, năm 2022 mua điện mặt trời của các hệ thống điện mái nhà lắp đặt từ 6/2017 đến 6/2019 là 2.164 đồng/kWh, lắp đặt từ 7/2019 đến 12/2020 thì giá là 1.938 đồng/kWh). Thế nhưng, giá bán của EVN tới tay người tiêu dùng lại không do doanh nghiệp quyết định, mà do nhà nước quy định.

"Độc quyền là nguyên nhân khiến giá điện thiếu cạnh tranh và là lý do "ép" tăng giá là không đúng. Nếu độc quyền thì EVN đã tăng giá bán điện từ lâu rồi vì hiện nay giá bán điện đang thấp hơn giá sản xuất/mua vào của EVN. Do đó, độc quyền hiện nay không phải là vấn đề", ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, không nên cho rằng thị trường điện cũng giống viễn thông trước kia khi có thêm sự tham giá của các nhà mạng, giá cước giảm. Đặc thù cấu trúc của thị trường điện rất khác với các thị trường khác về mặt sản phẩm, phân phối cho tới tiêu dùng. Viễn thông càng nhiều người dùng chi phí bình quân trên một đơn vị cung cấp càng giảm nhưng điện không thể như thế, người dân sử dụng nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn và chi phí hề giảm.

Nhấn mạnh ngành điện là ngành rất đặc thù, tức là sản phẩm không tích trữ được không như sản phẩm ngành khác, ông Cường cho hay, nếu tư nhân hóa hoàn toàn, hình thành thị trường điện bán lẻ cạnh tranh đúng nghĩa, chắc chắn giá điện sẽ không rẻ hơn mức giá bán đến đến tay người tiêu dùng thời điểm hiện tại – giá do nhà nước quyết định, thậm chí có nguy cơ tăng "sốc".

Chính vì vậy, nhà nước vẫn phải can thiệp, không bao giờ để tự do cạnh tranh hoàn toàn. "Chỉ có điều, nếu phát triển thị trường điện cạnh tranh có thể làm giảm giá điện theo nghĩa nhà cung cấp nào có điện ổn định, phục vụ tốt, khuyến mại tốt thì tôi mua. Trong thị trường ấy tôi được chọn doanh nghiệp có giá tốt. Đồng nghĩa, các công ty phải cạnh tranh với nhau để đưa ra chi phí cung cấp thấp hơn. Ví dụ giá bình thường là 10 đồng, khi thị trường có nhiều nhà cung cấp hơn giá bán có thể chỉ còn 5 hay 6 đồng", ông phân tích thêm.

Giá điện thấp - con dao 2 lưỡi, giá điện phải tăng

PGS.TS Vũ Sỹ Cường cũng lưu ý rằng, giá điện thấp cũng là con dao 2 lưỡi. Bởi theo các thống kê cho thấy, giá điện thấp lại nằm ở khu vực sản xuất, nơi mà EVN thực hiện nhiệm vụ chính trị bán điện cho sản xuất với giá thấp nhằm tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hóa và thu hút đầu tư với nhân công rẻ và giá điện rẻ, từ đó đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, mặt trái đó là giá điện thấp dẫn tới việc sử dụng lãng phí, không tiết kiệm. Đặc biệt với các doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ cũ tốn điện. Hai là, giá điện thấp sẽ không thể thu hút được nhà đầu tư vào thị trường này bởi các nhà đầu tư bao giờ cũng phụ thuộc vào lãi/lỗ để đầu tư.

Do đó, theo vị chuyên gia này giá điện buộc phải tăng và vẫn phải có sự điều tiết từ nhà nước để tránh việc giá tăng cao quá sẽ dẫn tới cú sốc đối với doanh nghiệp, nền kinh tế.

Đặc biệt, việc tăng giá điện cần phải có lộ trình, ví dụ năm nay tăng 3%, năm sau tăng 5%,....và có thể tăng trong 5 hay 10 năm. Nếu làm được như thế nhà đâu tư sẽ không còn cảnh "tù mù" về giá và dễ dàng đưa ra các quyết định đầu tư. Giống như trước đây, điện mặt trời phát triển được là do nhà đầu tư đã biết giá FIT, từ đó nhà đầu tư hoàn toàn dự báo được nếu đầu tư có hiệu quả hay không?

Đối với người dân và doanh nghiệp, biết lộ trình tăng giá điện để điều tiết được hành vi sử dụng điện của mình cho phù hợp - điều này người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động được.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem