Có nghề vẫn lo thiếu việc

Chủ nhật, ngày 01/04/2012 15:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làng nghề chạm bạc Huệ Lai (xã Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên) hiện có gần 200 hộ làm nghề. Hiện nay, dù được học nghề theo Đề án 1956, người dân ở đây vẫn lo làng nghề mai một vì thiếu vốn mở rộng sản xuất.
Bình luận 0

Thăng trầm một làng nghề

Nghề chạm bạc có ở thôn Huệ Lai từ những năm 1990. Đó là thành quả của những bậc tiền bối đã bôn ba học nghề rồi đem nghề về cho dân làng. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế bấy giờ rất khó khăn nên thợ ít việc, nghề mai một dần.

img
Anh Phạm Ngọc Quả hướng dẫn các học viên.

Đến sau này, anh Đỗ Xuân Chuyển, Phạm Ngọc Quả… lại tiếp tục đi tìm tòi học nghề, gây dựng lại làng nghề. Anh Phạm Ngọc Quả chia sẻ: “Thời đó kinh tế của làng sống nhờ vào mấy sào ruộng, khó khăn lắm. Tôi và một số thanh niên trong làng đã bàn nhau sang thôn Châu Khê, xã Phúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương) học nghề chạm bạc để khi trở về quê có cơ hội mở xưởng làm ăn xóa đi cái nghèo”.

“Thu nhập của mỗi lao động mới vào nghề khoảng 2 - 2,5 triệu/tháng, các lao động cứng nghề có thể lên đến 5 - 6 triệu/tháng”.

Anh Phạm Ngọc Quả

Từ những kinh nghiệm học hỏi và nắm bắt được kỹ thuật trong tay, anh đã truyền nghề lại cho bà con có nhu cầu học, cứ thế nhân rộng nghề ở địa phương. Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, nhu cầu làm đẹp của người dân cũng không ngừng tăng lên.

Trong khi đó các cơ sở sản xuất chỉ gia công nhỏ lẻ, manh mún chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhận thức được điều đó, anh Quả xin đăng ký thành lập hợp tác xã nhằm quy tụ các hộ sản xuất lại với nhau để hình thành vùng sản xuất tập trung. Hiện thôn Huệ Lai, xã Phù Ủng được UBND tỉnh Hưng Yên cấp bằng công nhận làng nghề chạm bạc truyền thống.

Đến nay, làng nghề có gần 200 hộ làm nghề, riêng hợp tác xã chạm bạc Huệ Lai thu hút sự tham gia của 45 hộ với hơn 100 lao động.

Khó khăn vì thiếu vốn

Tiếp nhận đề án 1956 của Chính phủ về việc: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, năm 2011, Hội Nông dân huyện Ân Thi đã tổ chức mở 2 lớp học nghề chạm bạc, mỗi lớp có 35 học viên. Đến nay, Hội đã đào tạo được 8 lớp với 165 học viên, trong đó có trên 90% học viên ra nghề và sống được với nghề.

Anh Phạm Ngọc Quả - Phó chủ nhiệm hợp tác xã nói: “Học nghề chạm bạc không khó, nhưng vấn đề là học xong bà con hầu như không thể mở xưởng do thiếu vốn đầu tư. Hơn nữa, khi mới đi vào sản xuất, các cơ sở như chúng tôi vẫn phải thuê thêm thợ có tay nghề về truyền dạy cho các lớp thợ trẻ. Họ vừa đảm nhận dạy nghề, vừa gia công cho xưởng. Nhưng cái khó là các thợ lành nghề sau một thời gian làm nghề đều chuyển đi nơi khác nên làng nghề thiếu giáo viên”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Công Sảng – Chủ tịch UBND xã Phù Ủng cũng ưu tư: “Một trong những ưu thế của sản phẩm làng nghề Huệ Lai là sản phẩm làm thủ công, 100% nguyên chất nên thị trường tiêu thụ rộng. Đầu ra không khó, nhưng nguồn vốn để đáp ứng đầu vào lại gặp nhiều trở ngại”.

Tới cơ sở sản xuất của anh Phạm Văn Tong, chúng tôi mới hiểu cái khó về vốn của người dân nơi đây: “Hiện nay vàng giá rất cao. Với 400-500 triệu đồng, chúng tôi mới mua được 10 cây vàng, chế tác khoảng 10-20 ngày là hết. Đó mới là tiền vốn quay vòng, chưa tính chi phí khác. Mua ít thì làm ra sản phẩm ít, không ăn thua. Doanh nghiệp như chúng tôi xoay 200 triệu đồng đã khó rồi, huống hồ là bà con nông dân”.

Vì vậy, sau học nghề, mong muốn của bà con là được hỗ trợ vay vốn phát triển nghề: “Nếu không, người học nghề sẽ không trụ lại được bởi không có nguyên liệu tức là không có việc. Và như vậy, làng nghề có thể sẽ lại mai một”- ông Sảng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem